Tổng công ty Sông Hồng gian nan thoái vốn

Diendandoanhnghiep.vn Thua lỗ kéo dài khiến vốn chủ sở hữu âm trên 600 tỷ đồng, tính khả thi của kế hoạch bán 49% vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng đang được đặt dấu hỏi.

Với tình trạng bết bát của Tổng công ty Sông Hồng hiện nay, viễn cảnh thoái 49,04% vốn trong năm 2019, thậm chí là đến hết năm 2020 theo đề xuất của tổ đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này là rất mờ mịt.

Khó chồng khó

Báo cáo tài chính quý III/2019 của công ty mẹ Tổng công ty Sông Hồng vừa công bố cho thấy bức tranh kinh doanh bi đát hơn so với trên báo cáo tài chính bán niên.

Cổ phần hóa từ năm 2010, Tổng Công ty CP Sông Hồng làm ăn ngày càng bết bát

Cổ phần hóa từ năm 2010, Tổng Công ty CP Sông Hồng làm ăn ngày càng bết bát

Trong kỳ, Tổng công ty lỗ gần 16 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên gần 956 tỷ đồng. Với mức thua lỗ đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã âm tới 628,5 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 9, Tổng công ty có khoản nợ phải trả lên tới hơn 1.635 tỷ đồng, hầu như không giảm so với con số hơn 1.644 tỷ đồng hồi đầu năm nay. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 1.138 tỷ đồng, nợ dài hạn là 497,4 tỷ đồng.

Ban Tổng giám đốc thừa nhận, do không có khả năng thanh toán khoản nợ, bị ngân hàng xếp vào tín dụng xấu nên doanh nghiệp không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu nhằm tạo thêm nguồn tài chính cho công ty mẹ và các công ty thành viên. Quý III, Tổng công ty chỉ có khoản doanh thu gần 1,5 tỷ đồng.

Trả lời báo giới, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Hồng - ông Trần Huyền Linh - cho biết trong những năm vừa qua, đơn vị đã thực hiện thi công một số công trình nguồn vốn Nhà nước.

Trong đó có những dự án bị Chủ đầu tư chậm thanh toán, phát sinh khối lượng không lường trước trong quá trình thi công chưa được giải quyết kịp thời, Tổng công ty đã phải vay vốn ngân hàng và chịu chi phí lãi vay lớn như công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (giá trị phát sinh tăng thêm khoảng gần 300 tỷ đồng chưa được thanh toán)… dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ và ảnh hưởng đến tình hình tài chính.

Ðể khắc phục tình trạng này, Ban Tổng giám đốc đã thực hiện một số giải pháp khẩn cấp như tái cơ cấu Tổng công ty thông qua việc chuyển nhượng phần vốn tại các công ty con, công ty liên kết về mức 36% hoặc bán hết vốn nhà nước vào năm 2018, đồng thời tăng vốn điều lệ từ 270 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa có triển vọng phục hồi.

Tình trạng kiệt quệ của Tổng công ty Sông Hồng và các đơn thành viên đã được Công ty Kiểm toán CPA Việt Nam cảnh báo trước đó trên báo cáo soát xét bán niên 2019.

Theo đó, CPA Việt Nam cho biết, dù đã thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế nhưng vẫn không thể khẳng định được các khoản công nợ phải thu, phải trả, không đánh giá được khả năng thu hồi nợ, khả năng thanh toán nợ đến thời điểm thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính…

Kiểm toán viên cũng đưa ra ý kiến lưu ý về việc không xác định được tác động của các khoản nợ theo kết luận thi hành án đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, trong đó có bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 45 ngày 12/4/2018 của Toà án nhân dân TP. Hà Nội về việc Tổng công ty phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc 95,43 tỷ đồng chưa thanh toán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Trong Công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ gần đây, đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng, ông Trần Huyền Linh cho biết, tính đến cuối tháng 6/2019, phần vốn nhà nước còn lại tại Tổng công ty là 132,4 tỷ đồng, chiếm 49,04% vốn điều lệ.

Nếu tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài thêm một thời gian ngắn nữa không có cải thiện thì không thể tránh khỏi việc Công ty buộc phải tuyên bố phá sản và mất trắng toàn bộ vốn nhà nước.

Ðể vớt vát được số vốn nhà nước còn lại, vừa qua, Tổ đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty đã trình Bộ Xây dựng phê duyệt kế hoạch thoái vốn gấp trong năm 2019 thông qua phương thức đấu giá công khai.

Ðiều đáng quan tâm là, doanh nghiệp này cũng có mặt trong danh mục doanh nghiệp đề nghị thoái vốn đến 2020 đang được trình Thủ tướng Chính phủ.

Đất vàng sẽ giải quyết ra sao?

Báo cáo tài chính công ty mẹ quý III/2019 của Tổng Công ty CP Sông Hồng cũng cho thấy, ngoài tình hình kinh doanh ngày càng bi đát, Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay phải trả cho công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, nợ phải trả liên quan đến các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con.

Hiện Tổng Công ty CP Sông Hồng đang tái cơ cấu thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty con, công ty liên kết, thực hiện chủ trương của Bộ Xây dựng trong việc thoái vốn Nhà nước của Tổng Công ty Sông Hồng về mức 36% hoặc Bộ Xây dựng phải bán hết vốn Nhà nước.

Bình luận về trường hợp của Tổng Công ty CP Sông Hồng, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, xét theo kinh tế thị trường, muốn thực hiện thoái hết vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này thì phải bán số cổ phẩn của Nhà nước ra thị trường chứng khoán, tuy nhiên có một số vấn đề cần lưu ý đến phần đất đai mà doanh nghiệp này đang nắm giữ.

Về nguyên tắc, việc thoái tóa bộ vốn Nhà nước phải được xem xét trên cơ sở kết quả kinh doanh của Tổng Công ty CP Sông Hồng trong thời gian qua. Tình hình kinh doanh bết bát, mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp này là điểm trừ khi định giá doanh nghiệp. Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, các cơ quan quản lý nhà nước, kiểm toán nhà nước cần vào cuộc kiểm tra lại xem tình tình hình kinh doanh, sản xuất thực tế của doanh nghiệp này xem nguyên nhân thua lỗ vì sao.

Ngay cả đơn vị trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước tại Tổng Công CP Sông Hồng cũng phải kiểm tra, giám sát, tìm hiểu tình hình thực tế của doanh nghiệp để loại trừ tình huống cố tình báo lỗ, kinh doanh bết bát để loại trừ những cổ đông không hợp cánh.

Lý giải về đề nghị này, ông Thịnh cho hay, trước đây đã có một số trường hợp doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam rồi cố tình báo lỗ để khiến phía bên kia lo lắng, sốt ruột, tìm cách rút khỏi liên doanh. Chẳng hạn, có trường hợp quảng cáo thật rầm rộ và chi phí ấy khủng dành cho quảng cáo ấy bị tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh, gây thua lỗ cho doanh nghiệp.

"Đó là bài để người ta tìm cách nắm trọn cổ phần của các đối tác mà họ không mong muốn", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.

Đối với đất đai, qua báo cáo tài chính, Tổng Công ty CP Sông Hồng có trụ sở nằm trên khu đất vàng (70 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội). Ngoài ra, doanh nghiệp này có 7 công ty con với tỷ lệ sở hữu khác nhau. Cụ thể: Công ty CP Sông Hồng Thăng Long (tỷ lệ sở hữu thực tế 55,73%); Công ty CP Sông Hồng Đà Nẵng (655%; Công ty CP Đầu tư Reenco Sông Hồng (66,31%); Công ty CP Xây dựng dân dụng và hạ tầng Sông Hồng (66,31%); Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Đô thị Sông Hồng (57,08%); Công ty TNHH MTV Cơ giới và Xây dựng Sông Hồng, Công ty TNHH MTV Sông Hồng An Dương (cùng sở hữu 100%) với nhiều diện tích đất nằm ở khu vực giá cao như Công ty CP Sông Hồng Thăng Long ở thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội.

Trả lời về vấn đề này trên Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Quang Học, khoa Quản lý Đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: "Đất ở Yên Viên, Gia Lâm không hề rẻ vì vẫn thuộc Hà Nội. Trước đây, khi chưa có một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn vào đầu tư ở Gia Lâm, đất ở đây chỉ chừng 15-20 triệu đồng/m2, tuy nhiên sau khi tập đoàn này rót vốn vào, đất ở khu vực này đã lên đến cả trăm triệu đồng/m2", ông Học kể và nhấn mạnh, việc xác định giá đất theo giá thị trường ở thời điểm nào rất quan trọng.

Chẳng hạn, giá đất ở thời điểm tháng 5/2018 khác với giá đất vào tháng 5/2019; giá đất tháng 5/2019 lại khác với giá đất tháng 10/2019... Trong trường hợp này, phải xác định giá đất theo giá thị trường ở thời điểm quyết định cổ phần hóa. Đặc biệt phải tính đến khả năng sinh lợi của đất, không thể tính theo khung giá Nhà nước vì như vậy chính Nhà nước lại là người mất nhiều nhất.

PGS.TS Nguyễn Quang Học cho hay, giá trị đất đai của các công ty con cũng phải tính theo giá thị trường nơi họ đóng trụ sở vào thời điểm cổ phần hóa. Mặt khác, phải xác định các công ty con nói trên có được giao quyền tự chủ, hạch toán độc lập hay không. Nếu giao quyền tự chủ thì phải hạch toán riêng các công ty con, phần giá trị tính vào công ty mẹ căn cứ theo tỷ lệ sở hữu của công ty mẹ tại các công ty con này. Tuyệt đối không thể cộng dồn lại làm chi phí tăng lên, lãi không còn nữa, khi ấy giá trị doanh nghiệp kém đi.

"Các công ty hiện nay khi cổ phần hóa chủ yếu ăn nhau ở chênh lệch giá trị cổ phiếu, giá trị đất, khả năng sinh lời của đất.

Bình thường số lượng cổ phần đã được định hình và quản lý doanh nghiệp thường là những người nắm giữ nhiều nhất. Do đó, khi cổ phần hóa, họ hay tìm mọi cách làm cho giá trị cổ phần rớt xuống thấp để không ai mua, không chuyển đổi được, chỉ quanh quẩn những người đó với nhau, nhưng cổ phần hóa xong thì quay ra định hình lại để kiếm lời.

Đây là kẽ hở lớn nhất trong cổ phần hóa, vậy nên mới có tình trạng có lời thì cổ phần, còn không lời thì để cho doanh nghiệp chết trôi nổi", PGS.TS Nguyễn Quang Học chỉ rõ.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tổng công ty Sông Hồng gian nan thoái vốn tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713570605 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713570605 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10