Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến người lao động tại khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam như thế nào?
Nhóm nghiên cứu của Đại học Sydney, Úc cùng với sự tham gia của Tổ chức Lao động Quốc tế đã có nghiên cứu về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến người lao động tại khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam.
Tác động đến công việc
Đại dịch COVID-19 những tháng đầu năm 2020 đã gây ra sự suy giảm về cung và cầu của nền kinh tế toàn cầu khiến hàng trăm triệu người lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc (theo Tổ chức Lao động Quốc tế 2020). Việt Nam đã ngăn chặn dịch COVID-19 thông qua các biện pháp phòng ngừa chủ động và tích cực.
Trong bối cảnh toàn quốc gia đang phải ứng phó với cuộc khủng hoảng về kinh tế và sức khỏe, báo cáo đưa ra phân tích về tác động của đại dịch đến khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Nguồn dữ liệu chính được thu về từ khảo sát nhân viên thực hiện trực tuyến bởi Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE) và Dự án Đầu tư cho Phụ nữ (Investing in Women) trong khoảng thời gian cách ly xã hội vào tháng 5 năm 2020. Mẫu bao gồm 600 người (300 nam và 300 nữ) trong độ tuổi từ 18 đến 60 làm việc tại các doanh nghiệp với hơn 200 nhân viên.
Biểu đồ dưới đây cho thấy từng nhóm ngành có những tác động khác nhau đến tình trạng việc làm của người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Các giải pháp ứng phó với khủng hoảng khiến phụ nữ (50.1%) bị giảm giờ làm nhiều hơn nam giới (47.7%), và 68.4% nam giới báo cáo sự giảm sút về tiền lương so với 63% nữ giới. ¾ người khảo sát cho rằng họ vẫn duy trì và gia tăng năng suất hơn trước khủng hoảng COVID-19. Số còn lại báo cáo năng suất giảm do trách nhiệm chăm sóc gia đình chủ yếu đối với nhóm nữ giới và những căng thẳng, lo âu về đại dịch chủ yếu đối với nhóm nam giới. Theo báo cáo, người sử dụng lao động đã có phương án hỗ trợ riêng cho nam giới và phụ nữ như nam giới được nghỉ phép có lương và hỗ trợ về kỹ thuật, còn phụ nữ được hỗ trợ về sức khỏe tinh thần và lịch làm việc linh hoạt.
Tác động đến gia đình và sức khỏe
Hơn 2/3 nhân viên cả nam và nữ khu vực tư nhân cho biết họ cảm thấy áp lực về thu nhập và một nửa cảm thấy áp lực gia đình nhiều hơn so với trước khi khủng hoảng xảy ra. Đặc biệt nam giới có xu hướng gia tăng áp lực cả về thu nhập lẫn gia đình so với phụ nữ. Đối với phụ nữ (42%), áp lực gia đình không thay đổi bởi những truyền thống về vai trò quán xuyến gia đình của người phụ nữ tại Việt Nam vốn đã tồn tại từ trước đại dịch.
1/3 người khảo sát (với tỷ lệ tương đối đồng đều ở cả nam và nữ) cho biết đại dịch có tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, bởi những lo ngại về an toàn giữa dịch bệnh, không có điều kiện tập thể dục, và kiệt sức do làm việc nhà của họ. Nam giới (51%) bị tác động tiêu cực về tinh thần nhiều hơn nữ giới (46.3%) khi đại dịch bùng lên. Lý do chính bởi sự lo lắng về tài chính và tình hình đại dịch. Lý do bị cô lập khỏi xã hội bên ngoài chiếm tỉ lệ thấp nhất với 13% số người khảo sát.
Tác động đến doanh nghiệp
Cuộc khảo sát được tiến hành với các quản lý của 38 doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nhiều ngành khác nhau như sản xuất, dịch vụ, bán lẻ tại thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận.
17 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bán lẻ, giáo dục, sản xuất, nhà hàng và khách sạn cho biết mức độ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cao hơn mức 7/10. Trong khi chỉ có 6 doanh nghiệp lĩnh vực ngân hàng, tiện ích, sản xuất thực phẩm và dịch vụ thương mại báo cáo mức độ ảnh hưởng dưới 3/10.
Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát gặp phải thách thức lớn về sự giảm sút nhu cầu của khách hàng, tiếp nối là khó khăn khi các đối tác và nhà cung cấp bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến sự ngưng trệ trong hoạt động. Các giải pháp cho những thách thức này được liệt kê trong biểu đồ dưới đây.
Một số doanh nghiệp nhận ra có sự trải nghiệm khác nhau giữa nam và nữ nhân viên trong khủng hoảng khi phụ nữ còn có trách nhiệm chăm sóc gia đình và làm việc nhà. Do vậy, các doanh nghiệp đã đề xuất hỗ trợ phụ nữ khi cho họ áp dụng lịch trình làm việc linh hoạt và làm việc tại nhà. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp cam kết duy trì và tăng trao quyền cho phụ nữ ngay cả trong khủng hoảng, vẫn còn một vài doanh nghiệp không phản hồi về vấn đề này.
Thú vị thay, nhiều doanh nghiệp lại tìm ra các cơ hội mới trong bối cảnh đại dịch. Hơn ¼ doanh nghiệp báo cáo cơ hội về thương mại điện tử và các phương án số hóa cho một vài chức năng trong doanh nghiệp, một vài doanh nghiệp thấy cơ hội trong thị trường xuất khẩu cũng như mở rộng, đa dạng hóa nguồn cung ứng thiết bị y tế.
Có thể bạn quan tâm
Hỗ trợ kinh tế tư nhân và chuyển đổi số - tạo động lực phát triển
05:18, 10/10/2020
Vị thế điểm đến số 1 thế giới của Đà Nẵng hậu Covid-19: Đóng góp lớn từ khu vực kinh tế tư nhân
15:27, 16/07/2020
Kinh tế tư nhân – “Liều thuốc” tốt cho những "vết thương" nghìn tỷ?
04:34, 10/04/2020
Luật Đầu tư và động lực của kinh tế tư nhân
16:30, 12/03/2020
Vị thế kinh tế tư nhân sẽ được nâng tầm
11:00, 08/02/2020
Đâu là dư địa tăng trưởng cho kinh tế tư nhân năm 2020?
09:00, 31/01/2020