Hỗ trợ kinh tế tư nhân và chuyển đổi số sẽ góp phần tạo động lực phát triển kinh tế Quảng Nam vượt qua những khó khăn bất khả kháng của thiên tai, dịch bệnh…
Kinh tế tư nhân chiếm hơn 60% trong cơ cấu kinh tế, 52% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và 82% tổng thu ngân sách. Do đó, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội Quảng Nam trong những năm tới, cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp cần đẩy mạnh thực hiện tốt hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Quảng Nam cần thúc đẩy hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ, có hàm lượng công nghệ cao để làm nòng cốt, mũi nhọn tiên phong phát triển kinh tế, như việc mở rộng đầu tư tổ hợp cơ khí ô tô đa dụng Trường Hải- Chu Lai là mục tiêu có tính chiến lược phát triển kinh tế.
Quảng Nam không chỉ chú trọng phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, mà cần đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp với phương châm lắng nghe, thấu cảm, tận tâm, tận lực giải quyết nhanh nhất có thể những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi đầu tư vào Quảng Nam.
Để tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, việc đầu tư các hệ thống công cụ ứng dụng, chuyển đổi số để phục vụ cho cơ cấu lại nền kinh tế trong trạng thái mới là vô cùng cần thiết.
Dữ liệu là nguyên liệu chính tạo ra các tri thức cho tương lai. Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở là hướng đi tất yếu theo xu thế chung. Tuy nhiên, đây là công việc rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự nhất quán và kiên trì theo đuổi để đạt được mục tiêu đề ra trong dài hạn. Vì vậy, ưu tiên phát triển nhanh, đồng bộ chính quyền điện tử, chuyển đổi nhanh chính quyền điện tử sang chính quyền số, gắn liền với phát triển hạ tầng dịch vụ số nhằm tối ưu hóa các hoạt động của nền kinh tế.
Cùng với chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, Quảng Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện đầu tư, kinh doanh; tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế; đào tạo nguồn nhân lực quản lý và phát triển tài nguyên số, dữ liệu mở, gắn nền kinh tế chia sẻ với xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Với chiến lược phát triển của đất nước và căn cứ từ tình hình thực tế của địa phương và mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII là phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, Quảng Nam cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững bằng nhiều giải pháp đặt ra.
Có thể bạn quan tâm