Giày Thượng Đình kinh doanh bết bát sau cổ phần hóa
CTCP Giày Thượng Đình (GTD), thương hiệu vang bóng một thời có kết quả kinh doanh bết bát kể từ khi cổ phần hoá.
Tại thời điểm 31/12/2020, số dư nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, công ty chỉ còn 1,2 tỷ đồng tiền mặt, kiểm toán cho rằng khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty có thể không được đảm bảo.
Năm 2020, doanh thu bán hàng sau kiểm toán của công ty đạt 104,3 tỷ đồng, giảm 37% so với năm 2019. Công ty lỗ sau thuế 13,73 tỷ đồng, đây là năm thứ 4 liên tiếp Giày Thượng Đình thua lỗ. Lỗ luỹ kế tại thời điểm 31/12/2020 của Giày Thượng Đình lên tới 48,4 tỷ, chiếm một nửa vốn điều lệ (93 tỷ).
Lỗ luỹ kế chiếm nửa vốn điều lệ
Tổng tài sản của công ty cuối năm 2020 còn gần 110 tỷ, giảm 23% so với đầu năm, chủ yếu giảm mạnh hàng tồn kho từ 47 tỷ còn 27 tỷ đồng, và khoản phải thu khách hàng từ 26,78 tỷ đồng còn gần 20 tỷ đồng.
Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam đã ra ý kiến ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán 2020 của Giày Thượng Đình, khi Báo cáo tài chính của công ty này tại ngày 31/12/2020 ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn tồn đọng với số tiền 11,87 tỷ đồng.
Ban giám đốc Giày Thượng Đình đang tiến hành các thủ tục để thu hồi khoản công nợ này (bao gồm việc yêu cầu thi hành án ngày 22/10/2020. Tháng 10/2020, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự Quận Thanh Xuân đã ban hành Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 416/QĐ0CCTHADS.
Vì vậy, Ban Giám đốc công ty tin tưởng khoản công nợ sẽ được thu hồi. Trong khi đó, kiểm toán không thu nhập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng này. Kiểm toán cũng không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh khoản mục nói trên hay không và các ảnh hưởng nếu có đến Báo cáo tài chính năm 2020 của công ty.
Kiểm toán cũng nhấn mạnh Hàng tồn kho của công ty có một số vật tư, thành phẩm chậm luân chuyển với số tiền 2,52 tỷ đồng. Ban Giám đốc công ty đánh giá đây là các mặt hàng dự trữ cần thiết và không bị suy giảm giá trị vào thời điểm 31/12/2020.
Đã từng có một thời hoàng kim nhưng đến nay thương hiệu này đang phải “gồng mình” chật vật tìm chỗ đứng trong thương trường, trước sự “đổ bộ ồ ạt” của những thương hiệu giày dép nổi tiếng đến từ nước ngoài.
"Yếu ớt" vì “bảo thủ”
Với tuổi đời hơn 60 năm, nhưng Giày Thượng Đình đang trở nên “yếu ớt” trước thương trường, kinh doanh ngày càng đi xuống và không đủ khả năng cạnh tranh trước các đối thủ mạnh về tiềm lực tài chính lẫn khả năng nhạy bén kinh doanh.
Nguyên nhân có thể xuất phát từ sự bảo thủ của thương hiệu “già cỗi” này. Gần chục năm nay, Giày Thượng Đình không hề có thêm một sản phẩm nổi bật nào, vẫn là những đôi giày vải mềm mẫu mã cũ có giá dưới 100.000 đồng. Bởi vậy, Giày Thượng Đình đã sớm bị xếp vào nhóm “đồ bảo hộ lao động”.
Trong khi đó, thị trường Việt Nam liên tục phải đón nhận những cuộc đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu giày nổi tiếng nước ngoài như Adidas, Nike… với nhiều mẫu mã thời thượng.
Thậm chí, "người em" cùng ngành là Biti's cũng buộc phải thay đổi với các dòng sản phẩm mới như Biti's Hunter cùng nhiều hoạt động quảng bá rầm rộ để "sống" lại trong lòng khách hàng, thành công bứt phá trên trường đua giày dép cạnh tranh khốc liệt.
Theo giới phân tích, việc kinh doanh không mấy khả quan của thương hiệu vang bóng một thời này là chậm thích ứng với xu thế mới, không đầu tư thay đổi công nghệ, và vẫn duy trì dòng sản phẩm giày vải với mẫu mã đơn điệu trong khi người tiêu dùng thích những sản phẩm giày thể thao. Điểm sáng duy nhất của Giày Thượng Đình là đang sở hữu nhiều vị trí bất động sản khá đẹp tại Hà Nội.
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập, dĩ nhiên mặt hàng giày dép Việt Nam cũng liên tục đón nhận cuộc đổ bộ mạnh mẽ từ những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Adidas, Nike, Puma, Asics… với nhiều mẫu mã thời thượng và hoạt động quảng cáo rầm rộ. Ấy vậy mà, Giày Thượng Đình vẫn tiếp tục “trung thành” với những đôi giày vải mềm, mẫu mã cũ.
Thêm vào đó, xu hướng tiêu dùng giầy dép đã chuyển từ dòng giày vải lưu hóa sang dòng thể thao gò dán. Việc không cập nhật, thay đổi đã khiến những đôi giày Thượng Đình ngày càng vắng bóng trong các tiệm bán giày. Cùng với đó, các đơn hàng xuất khẩu sang châu u của công ty giảm mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Giày Thượng Đình "khóc ròng" trên đất vàng
11:00, 22/12/2020
[THƯƠNG HIỆU VANG BÓNG MỘT THỜI]: Giày Thượng Đình “chật vật” tìm chỗ đứng
03:50, 05/02/2020
Giày Thượng Đình "oằn mình" thoát "tử huyệt"
02:58, 16/07/2019
Giầy Thượng Đình đặt mục tiêu lãi ròng… 50 triệu đồng
11:30, 21/06/2019
Giày Thượng Đình "ngậm đắng" sau niêm yết
06:30, 06/04/2018