“Miễn phí” không phải “Cho không”
Ở bất cứ thị trường nào thì miễn phí luôn là điều hấp dẫn. Tuy nhiên, kiếm được tiền nhờ miễn phí là vấn đề của tư duy sáng tạo.
>>King Camp Gillette: Từ người bán dạo trở thành tỷ phú nhờ dao cạo râu
Bây giờ có thể nói rằng không mô hình kinh doanh nào mà con người từng nghĩ đến có thể cạnh tranh được với miễn phí.
Hai nhà toán học và ông vua dao cạo
Hồi đầu thế kỷ 19, nhà toán học Pháp Antoine Cournot viết một cuốn sách ngày nay được xem là một tuyệt phẩm về kinh tế học. Ông chứng minh rằng mức độ cạnh tranh của các công ty sẽ tùy thuộc vào sản lượng của họ. Sản lượng càng tăng thì giá càng giảm, nên các công ty phải tự điều tiết sản lượng để giữ giá bán càng cao càng tốt!
Đến cuối thế kỷ đó, một nhà toán học Pháp khác, Joseph Bertrand, lại khẳng định rằng Cournot đã rất sai lầm. Giá chứ không phải sản lượng là yếu tố quyết định sự cạnh tranh! Thay vì giảm sản lượng để tăng giá thì các công ty giảm giá để tăng thị phần. Họ đua nhau bán rẻ hơn đối thủ để cho lượng cầu càng cao càng tốt!
Bước sang thế kỷ 20, kinh tế thế giới bùng nổ, gia tăng sản lượng chỉ là “chuyện nhỏ”, thị trường trở nên thừa thãi và có xu hướng ngả về Bertrand! Nếu giá đã giảm đến chi phí biên (chi phí sản xuất) thì miễn phí không còn chỉ là phương án, mà nó đã thành một quy luật không thể trốn chạy.
Không phải là người đầu tiên kinh doanh miễn phí, nhưng “vua” Gillette của những chiếc dao cạo râu nổi tiếng trong giới đàn ông toàn cầu là một trường hợp điển hình.
Ở tuổi 40, ông chỉ là nhà sáng chế tuyệt vọng khi sáng chế ra lưỡi dao cạo dùng một lần rồi bỏ, song chẳng ai mua! Thế rồi trong phút lóe sáng thiên tài, Gillette nảy ra tuyệt chiêu bán hàng biến ông trở thành triệu phú. Ông đã bán rẻ như bèo hàng triệu con dao (không có lưỡi dao) cho đám lính tráng, tặng các ngân hàng và những cửa hiệu tạp hóa bán kẹo cao su, cà phê, hương liệu,… để họ phát không chúng cho khách hàng. Những con dao miễn phí này vô dụng nếu như không có lưỡi dao. Thế là Gillette ăn đủ từ việc bán hàng chục tỷ lưỡi dao cạo dùng một lần rồi bỏ cho các khách hàng được tặng con dao miễn phí, tất nhiên với giá không rẻ!
Từ đó trở đi, mô hình kinh doanh miễn phí đã được nhân bản khắp nơi. Người ta lắp những máy pha cà phê miễn phí cho các công sở để rồi bán được cà phê đóng gói cho những ông chủ văn phòng. Họ bán các máy chơi games với giá cực rẻ nhưng bán trò chơi chẳng rẻ tý nào! Nhiều tờ báo giấy cũng được phát hành dưới dạng cho không. Các kênh phát thanh, truyền hình miễn phí sống bằng quảng cáo đã thống nhất cả quốc gia và tạo ra một thị trường khổng lồ.
Thế kỷ 21- miễn phí tung hoành
Con người ngày nay không còn ngạc nhiên về sự “lây lan” đến mức tung hoành của mô hình miễn phí nữa. Trong thời đại của công nghệ thông tin, thị trường được gia tốc bởi một khả năng mới phi thường, giảm giá thành của sản phẩm, dịch vụ xuống gần bằng không.
Thế nhưng, miễn phí không phải là cây đũa thần. Cho đi miễn phí sản phẩm của mình tự nó không làm cho ta giàu có. Bạn phải tư duy một cách sáng tạo để biến danh tiếng và sự quan tâm có được từ việc miễn phí trở thành tiền mặt.
ML là một ca sĩ nổi tiếng. Mỗi buổi biểu diễn của cô trong các sự kiện kinh tế được nhà tài trợ thù lao bằng tiền cô sẽ kiếm được (trong vòng 10 năm) từ bán các đĩa CD ghi những bài hát của cô. Cô còn là người đại diện quảng cáo cho vài nhãn hàng mỹ phẩm, thời trang. Việc đó mang lại cho cô khối tiền. Lợi nhuận mà cô kiếm được đến từ danh tiếng của cô được khuếch đại nhờ miễn phí, hậu quả của tội… vi phạm bản quyền. Hàng triệu đĩa hát của cô đã bị in lậu và đến được tay hàng triệu người yêu âm nhạc với giá rẻ đến giật mình! Dĩ nhiên, cô càng nổi tiếng bao nhiêu thì các thương hiệu nổi tiếng sẵn sàng chi đẹp bấy nhiêu. Còn việc các hãng thu âm chống chọi thế nào với tệ vi phạm bản quyền không được đề cập trong bài viết này.
Các mô hình miễn phí, đặc biệt là các dịch vụ trên mạng, phát triển mạnh đến mức, đến bây giờ, nhiều người luôn nghĩ rằng internet đồng nghĩa với miễn phí. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người cũng bắt đầu nhận ra miễn phí không hoàn toàn “không phải trả tiền” như vẫn tưởng. Người tiêu dùng không trả bằng cách này thì cũng phải trả bằng cách khác.
Từ đó, một mô hình mới manh nha cạnh tranh với miễn phí ra đời, đó là mô hình thuê bao. Nhiều dịch vụ đã từng miễn phí nay rục rịch thử nghiệm thuê bao, mạng xã hội có thuê bao, báo chí thuê bao. Tuy vậy, hiện tại vẫn đang là thời của miễn phí. Nhưng xin nhớ cho rằng, miễn phí không phải là cho không.
Có thể bạn quan tâm