Đồng Yen chạm đáy: Các doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó
Nhiều công ty lớn của Nhật Bản cho biết họ lo lắng đồng Yen yếu đang gây hại cho nền kinh tế nước này. Bên cạnh đó là những khó khăn hiện hữu trước mắt với những lao động nước ngoài tại đây.
>>>Gắn kết phát triển giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản
Theo một cuộc khảo sát do The Asahi Shimbun thực hiện, 45 trong số 100 công ty hàng đầu trên khắp Nhật Bản cho biết đồng tiền giảm giá đang có tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong khi chỉ 9 công ty cho biết tác động là tích cực.
Chia nhỏ các con số xuống hơn nữa, 38 công ty cho biết ảnh hưởng là hơi tiêu cực trong khi 7 công ty cho biết nó tiêu cực một cách đáng kể. Không có công ty nào trả lời là tích cực, trong khi 34 công ty tin rằng mọi thứ đang là bình thường.
Bên cạnh đó, những tác động của việc đồng Yen yếu đã khiến những lao động nước ngoài tại Nhật Bản, đặc biệt là các lao động Việt Nam gặp những khó khăn nhất định.
Lý do đồng Yen chạm đáy?
Đồng yên, đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba trên toàn cầu, đã giảm xuống còn 139,2 yen / 1 đô la Mỹ sau khi bắt đầu năm 2022 ở mức 115 yen / 1 đô la Mỹ. Với đồng đô la tăng hơn 16% cho đến nay trong năm nay, đồng yên đang trên đà giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1998.
Điều này chủ yếu bắt nguồn từ việc chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các nước khác ngày càng gia tăng. Trong khi phần còn lại của thế giới, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đang tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát tăng vọt, thì ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giảm gấp đôi dựa trên lập trường chính sách dễ dàng của mình.
Theo tờ Japan Today cho biết, đồng USD tăng giá lên ngưỡng cao nhất so với đồng yên Nhật kể từ năm 1998, trong bối cảnh các nhà đầu tư tích cực mua vào đồng đô la với dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới, nhằm sớm kéo giảm lạm phát. Chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981.
FED được dự báo sẽ kéo lãi suất lên ngưỡng 3,7% tính tới cuối tháng 2/2023. Ngược lại, ngân hàng trung ương Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, với lãi suất điều hành hiện ở ngưỡng -0,1%, nhằm mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế.
Các doanh nghiệp gặp khó
Nhiều nhà quản lý doanh nghiệp bày tỏ lo ngại trong cuộc khảo sát của tờ The Asahi Shimbun, rằng sự giảm giá nhanh chóng của đồng Yen gần đây sẽ đẩy nhanh việc tăng giá nhập khẩu tài nguyên và nguyên liệu.
Naomi Ishii, Phó chủ tịch điều hành của Suzuki Motor, nằm trong số những người không hoan nghênh đồng Yen suy yếu. Ông Ishii cho rằng, đồng tiền mất giá đã có tác động tích cực đến xuất khẩu, nhưng nó lại "có tác động tiêu cực đến tiền thu được" do một phần là chi phí nguyên liệu nhập khẩu tăng.
Trong khi Takahiro Mori, Phó chủ tịch điều hành của Nippon Steel, lại cho rằng về nguyên tắc “đồng Yen giảm giá là tốt cho ngành sản xuất Nhật Bản. Tuy nhiên, tác động của nó là tiêu cực vì giá tài nguyên đang tăng và sự gián đoạn mạng lưới hậu cần đang gây khó khăn cho việc tăng sản xuất và xuất khẩu”. Đặc biệt, giá nguyên liệu thô tăng vọt do đồng Yen yếu thúc đẩy cũng đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của Nippon Steel.
Bên cạnh đó, Keita Ishii, Chủ tịch của Itochu, cho biết bất kỳ mặt tích cực nào mà đồng Yen yếu mang lại cho nền kinh tế, cũng bị lu mờ bởi những tiêu cực. Ông cho rằng: “Bất lợi của nhập khẩu lớn hơn lợi thế của xuất khẩu bởi vì những ngày này ở Nhật Bản, lượng nhập khẩu vượt quá lượng xuất khẩu”.
Ngay cả những công ty trả lời rằng đồng Yen yếu có tác động tích cực, cũng cho rằng lợi ích chỉ giới hạn ở một số công ty xuất khẩu. Kazuo Kawamura, chủ tịch Meiji Holdings, cho biết tình hình khó khăn có thể dẫn đến các tác động lan tỏa kinh tế khác.
Ông nói: “Với nhiều công ty và cá nhân lo ngại về những khía cạnh tiêu cực của việc đồng Yen mất giá, nó có thể gây ra những tác động xấu về mặt tâm lý”. Ông cũng đặt câu hỏi về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ đến khi nào trong khi môi trường kinh tế tiếp tục trượt dốc.
Trên thực tế, do nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, Nhật Bản từ trước đến nay tập trung vào việc ngăn chặn sự tăng giá mạnh của đồng Yen và thực hiện một cách tiếp cận đối phó với sự suy yếu của nó, điều này khó khăn hơn vì việc mua đồng Yen đòi hỏi Nhật Bản phải sử dụng dự trữ ngoại hối hạn chế.
Lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ đồng tiền của mình là năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á làm bùng phát dòng vốn nhanh chóng từ khu vực. Trước đó, Tokyo đã can thiệp để chống lại sự giảm giá của đồng Yen vào năm 1991-1992. Việc can thiệp tiền tệ rất tốn kém và có thể dễ dàng thất bại do khó ảnh hưởng đến giá trị của đồng Yen trên thị trường ngoại hối toàn cầu.
>>>Lao động Việt Nam tại Nhật (Kỳ 1): Cơm người khổ lắm ai ơi...
>>>Thực tập sinh Việt Nam đi Nhật Bản: Bộn bề trăm nỗi…
Các lao động Việt Nam tại Nhật Bản gặp khó
Chương trình thực tập sinh kỹ năng của Nhật Bản được bắt đầu vào năm 1993. Nói một cách văn hoa, đây là một phần đóng góp của Nhật Bản cho xã hội quốc tế, chương trình này cho phép người dân từ các nước đang phát triển ở lại Nhật Bản đến 5 năm và lao động tại các công ty của Nhật Bản. Nhưng, với việc nước này đang thiếu hụt lao động, thực tế đó chỉ là một cách lách luật để hỗ trợ các ngành công nghiệp của Nhật Bản.
Theo Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản, hiện có khoảng gần 500.000 thực tập sinh kỹ năng Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước này tính đến hết tháng 6 năm 2022. Từ đầu năm 2022 tới nay, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, Nhật Bản đã mở cửa trở lại và tiếp nhận khoảng 50 nghìn thực tập sinh Việt Nam sang làm việc tại quốc gia này.
Nếu như vào tháng 12 năm 2020, một thực tập sinh Việt Nam xuất khẩu lao động sang Nhật có mức thu nhập rơi vào khoảng 130.000 Yen, tương đương khoảng 29 triệu VND. Nhưng, ở thời điểm hiện tại, với mức lương 130.000 Yen thì người này chỉ còn có mức thu nhập vào khoảng 22 triệu VND (tức là đã giảm gần 7 triệu đồng).
Người nào lương càng cao thì số lượng tiền bị thiệt hại càng nhiều. Và nếu đúng theo dự báo của các chuyên gia, khi tỷ giá đồng Yen là 150 yen / 1 USD thì lương của các thực tập sinh người Việt Nam tại đây lại càng thêm héo hắt.
Anh Trần Thanh Tùng, một kỹ sư đã có gần 5 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Anh đang cảm thấy mệt mỏi về những gì đang xảy ra với đồng Yen. Trong những năm anh ấy sống ở Nhật, hầu như tất cả thu nhập của anh đều bằng đồng yên. Trước đây, cứ khoảng hai đến ba tháng một lần, anh gửi tiền về nhà cho bố mẹ.
“Những gì tôi gửi cho họ đã giảm giá trị đáng kể,” anh cho biết.
Nhưng chưa hết, việc kinh doanh gần đây của anh bằng cách mua hàng bãi, những mặt hàng second-hand tại Nhật để chuyển về bán tại Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn nghiêm trọng do giá trị của đồng Yen suy yếu cả với VNĐ.
Còn với chị Lê Thị Vân, một người đã từng học chuyên sâu tiếng Nhật tại Việt Nam, tốt nghiệp đại học Nhật Bản, sau đó làm việc cho một công ty dịch vụ CNTT lớn về quản lý vận hành và bán hàng tại Nhật Bản. Chị đang có ý định bắt đầu kinh doanh bằng đồng yên mà mình tiết kiệm được, sử dụng khả năng song ngữ của mình để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao với các cơ hội tại Nhật Bản.
Nhưng, với việc chi phí thuê người đang bị thay đổi do đồng Yen tụt dốc đã khiến chị gặp khó khăn. “Đối với tôi, tôi có xu hướng gửi tiền từ Nhật Bản về Việt Nam nhiều hơn so với các chiều ngược lại, vì vậy chắc chắn sẽ có một khoản trừ lớn hơn nếu đồng yên giảm giá”, chị cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Gắn kết phát triển giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản
03:00, 16/07/2022
Ông Shinzo Abe và dấu ấn quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
19:53, 08/07/2022
Highlands Coffee tăng giá và câu chuyện nghệ thuật kinh doanh "Omotenashi" của Nhật Bản
04:15, 30/06/2022
Nhật Bản tìm đột phá với đồng Yên kỹ thuật số
05:00, 23/06/2022