“Xanh hoá” dệt may
Các thị trường lớn tiêu thụ hàng dệt may của Việt Nam ngày càng đưa ra các tiêu chuẩn xanh và nghiêm ngặt về lao động, nguyên vật liệu và điều kiện sản xuất.
>>Doanh nghiệp dệt may trước áp lực lạm phát
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, “xanh hoá” ngành dệt may là hướng đi tất yếu để các doanh nghiệp gia tăng giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và xuất khẩu bền vững.
- “Xanh hoá” đang trở thành vấn đề “sống còn” của các doanh nghiệp dệt may, thưa ông?
Đây là xu hướng chung của thế giới, là yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may nói riêng. Mới đây, Nghị viện châu Âu đã thảo luận Chiến lược doanh nghiệp bền vững và tuần hoàn với tầm nhìn đến năm 2030. Các FTA thế hệ mới đưa ra cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi mô hình sản xuất, sử dụng các loại nguyên nhiên liệu xanh, thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế, tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với người lao động, người tiêu dùng, với môi trường.
- Thưa ông, các doanh nghiệp dệt may đã và đang có những thay đổi ra sao để đáp ứng những tiêu chuẩn trên?
Để không mất đơn hàng và “bị bỏ lại phía sau”, các doanh nghiệp phải tự đổi mới, tìm giải pháp chuyển đổi mô hình theo hướng “xanh hoá” quy trình, minh bạch trong sản xuất và nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng đòi hỏi phát triển xanh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã loại bỏ hẳn việc sử dụng dầu, củi, than đá trong lò hơi và chuyển sang sử dụng điện. Chú trọng xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái tại các nhà máy đủ điều kiện để sử dụng năng lượng tái tạo, thúc đẩy sản xuất xanh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống máy móc, ứng dụng công nghệ, phần mềm vào dây chuyển sản xuất để đo lường, đánh giá tác động môi trường trong từng khâu. Một số doanh nghiệp đã sử dụng các loại sợi làm từ nguyên liệu xanh, có khả năng tái chế, cộng sinh như cà phê, sen… và thiết kế sinh thái để tăng độ bền, có thể tái sử dụng, sửa chữa sản phẩm.
- Thách thức của quá trình “xanh hoá” với doanh nghiệp ngành dệt may không hề nhỏ, thưa ông?
Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp đang có một số khó khăn. Khi doanh nghiệp loại bỏ lò than, sử dụng điện, các nhà cung cấp phải đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất. Với các doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái, vướng mắc đến từ cơ chế, chính sách chưa thống nhất trong việc hoàn thành hồ sơ thủ tục thanh toán.
Doanh nghiệp cần đủ quỹ đất để xây dựng hạ tầng, một nhà máy đang giải quyết việc làm cho mấy ngàn lao động mà chỉ có mấy hecta đất mà thì không thể quy chuẩn hệ thống xử lý nước thải để thực hiện “xanh hoá”. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chưa chủ động được nguyên liệu thân thiện hay giảm chất nhuộm màu do liên quan đến việc đầu tư công nghệ hiện đại cần nguồn kinh phí lớn.
- Thưa ông, sự hỗ trợ cần thiết của Nhà nước để gỡ khó cho doanh nghiệp là gì?
Hiện nay, nguyên liệu sản xuất xanh cho ngành dệt may chưa nhiều, trong khi nước ta có nguồn nguyên liệu tự nhiên sử dụng để tái chế, sản xuất vải sợi thân thiện với môi trường. Vì thế, rất cần sự hợp tác, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển nguyên liệu xanh làm đầu vào cho sản xuất xanh. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần sự hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ chuyển đổi sản xuất truyền thống sang hiện đại theo mô hình xanh hoá.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm