Liên kết cho vay theo chuỗi: Gỡ khó về vốn cho nông nghiệp

MINH VÂN 30/08/2022 06:15

Để tháo gỡ “điểm nghẽn” về vốn, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã nông nghiệp và tổ chức tín dụng đã thí điểm mô hình tín dụng xanh.

>>>Hợp tác xã nông nghiệp “tắc” nguồn vốn tín dụng

Thế chấp bằng… chuỗi

Ngân hàng Nam Á và tập đoàn Nam Miền Trung đã hợp tác triển khai đưa vốn vào các chuỗi giá trị liên quan đến ngành tôm Việt Nam, hỗ trợ từ người nuôi trồng cho đến khâu xuất khẩu. Đây là một trong số những hợp đồng hỗ trợ tín dụng lớn được thực hiện với ngành xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt Nam và nằm trong định hướng phát triển của ngân hàng Nam Á, ưu tiên hỗ trợ vốn cho nông nghiệp.

Ông Hà Huy Cường, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á chi nhánh TP. HCM cho biết: ngân hàng đã phối hợp với quỹ GCF và đã triển khai được gần 50 triệu USD đối với quỹ trong mảng cho vay với các dự án năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh; trong đó nông nghiệp hiện chiếm 8%. “Những khó khăn hai chiều giữa ngành ngân hàng và các hợp tác xã nông nghiệp không dễ giải quyết, đặc biệt là ở khâu tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp. Vì thế, việc cho vay với ngành nông nghiệp nông thôn cần phải đi theo chuỗi thì ngân hàng mới có thể mạnh dạn tham gia vốn vào” - ông Hà Huy Cường cho biết.

Hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp thông qua hoạt động liên kết theo chuỗi có thể giảm bớt rủi ro và tạo nguồn vốn phát triển nông nghiệp

Hỗ trợ tín dụng thông qua hoạt động liên kết theo chuỗi có thể giảm bớt rủi ro và tạo nguồn vốn phát triển nông nghiệp

Từ thực tế triển khai vay vốn với tập đoàn Nam Miền Trung, đại diện ngân hàng Nam Á cho rằng, để ngân hàng có thể nâng cao tỷ lệ tài sản đảm bảo hoặc tín chấp một phần, cần đánh giá lại chất lượng hợp tác xã. Liên minh Hợp tác xã hoặc các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp thực hiện việc lựa chọn, phân loại hợp tác xã theo một số tiêu chí nhất định. Trên cơ sở đó, ngân hàng có thể xác định tham gia với tài sản đảm bảo hoàn toàn hoặc tài sản và tín chấp một phần.

Về mặt nghiệp vụ, ngân hàng hỗ trợ xây dựng tiêu chí để có thể mạnh dạn xây dựng hạn mức tín dụng cho hợp tác xã; đào tạo cán bộ tín dụng, nâng cao năng lực thẩm định trong mảng nông nghiệp.

Xem xét thế chấp bằng tài sản đặc thù của hợp tác xã nông nghiệp

Ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II cho biết: Hiện nay, chính sách tín dụng không đi đến với hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp. 70 - 80% nông dân phải mua thiếu vật tư nông nghiệp từ các hợp tác xã, hoặc các hợp tác xã làm  tín dụng cũng là tự phát, trong khi văn bản pháp luật về vấn đề còn bị bỏ ngỏ do quy định ban hành không chặt chẽ, bỏ hẳn mảng tín dụng trong hợp tác xã.

Theo ông Trần Minh Hải, về nguyên tắc không thể nào cho hợp tác xã vay tín chấp mà phải thế chấp. Dẫn kinh nghiệm từ việc phát triển mô hình tín dụng cho các hợp tác xã nông nghiệp đang được triển khai tại Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước, ông Trần Minh Hải cho rằng, ở các mô hình này không cho vay tín chấp như ở nước ta vì rủi ro lớn, vốn vay không nhiều, không thể tín chấp cho hợp tác xã nông nghiệp đến 1 tỷ đồng.

Thế chấp cho vay bằng hợp đồng tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp góp phần thúc đẩy liên kết bao tiêu sản phẩm

Thế chấp cho vay bằng hợp đồng tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp góp phần thúc đẩy liên kết bao tiêu sản phẩm

Do vậy, các mô hình cho vay tại Thái Lan là cho vay thế chấp nhưng Chính phủ sẽ hỗ trợ 50% lãi suất so với ngân hàng thương mại. Cụ thể, hiện nay lãi suất của họ là 5,05%/năm. Khoản vay từ ngân hàng được sử dụng cho tiêu thụ, sơ chế, chế biến, dịch vụ tín dụng nội bộ, không được dùng để xây dựng hạ tầng. Các hợp tác xã phải tìm nguồn tài sản để thế chấp. Tài sản thế chấp này có thể được tính cả hợp đồng tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng bảo lãnh. Quy định này cũng góp phần thúc đẩy liên kết bao tiêu sản phẩm giữa hợp tác xã và doanh nghiệp.

Các hợp tác xã tại Thái Lan, Hàn Quốc cũng được huy động tiền gửi từ các thành viên để dịch vụ tín dụng quy mô nhỏ với số lượng cho vay nhỏ, sau khi vay phải gửi lại một phần vào quỹ tín dụng.

Từ thực tế trên, ông Trần Minh Hải và đại diện các hợp tác xã kiến nghị Nhà nước ban hành quy định liên quan đến tín dụng nội bộ của hợp tác xã vì đây là dịch vụ cần thiết; các ngân hàng thương mại cổ phần có thể liên kết sản xuất theo chuỗi để thực hiện khoản vay gắn với hợp tác xã như mô hình cho vay theo chuỗi nuôi tôm, chuỗi sản xuất và kinh doanh gạo Lộc Trời đang thực hiện.

Đồng tình với quan điểm này, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: tín chấp là cách thức để ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã thiếu tài sản bảo đảm nhưng khó khăn để đảm bảo khả năng thu hồi vốn của cả ngân hàng và nợ xấu. Trong bối cảnh này, áp dụng thế chấp bằng hợp đồng liên kết và hợp đồng bảo lãnh cần được bổ sung.

Ngoài ra, tại các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ, nhà màng, trạm bơm cũng là tài sản có giá trị tài sản lớn nhưng hiện vẫn đang gặp vướng mắc để trở thành tài sản thế chấp. Vì vậy, đây là vấn đề cần phải khẩn trương được tháo gỡ sớm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận khoản vay, mở rộng sản xuất kinh doanh. 

Có thể bạn quan tâm

  • Vốn cho doanh nghiệp

    Vốn cho doanh nghiệp

    03:20, 30/08/2022

  • Xây dựng Chiến lược huy động vốn: Đa dạng các nguồn vốn cho doanh nghiệp

    Xây dựng Chiến lược huy động vốn: Đa dạng các nguồn vốn cho doanh nghiệp

    03:20, 29/08/2022

  • Cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất

    Cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất

    04:00, 05/06/2022

  • Giải pháp tăng cung ứng vốn cho doanh nghiệp

    Giải pháp tăng cung ứng vốn cho doanh nghiệp

    12:13, 31/05/2022

  • Khơi thông vốn cho nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo: Định hình tương lai kinh tế Việt Nam

    Khơi thông vốn cho nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo: Định hình tương lai kinh tế Việt Nam

    18:00, 20/04/2018

  • Khơi dòng vốn cho nông nghiệp

    Khơi dòng vốn cho nông nghiệp

    10:34, 11/04/2018

MINH VÂN