Khơi thông vốn cho nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo: Định hình tương lai kinh tế Việt Nam

Nhóm PV 20/04/2018 18:00

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cần khơi thông vốn tín dụng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, bởi đây là động lực phát triển kinh tế tương lai.

Phát biểu tại Hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính – Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng”, TS Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ngành ngân hàng đã có đóng góp to lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ phát triển sản xuất của doanh nghiệp.

TS Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

TS Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2017 tăng 14 bậc, từ 82 lên 68. “Chỉ số thuận lợi về tiếp cận tín dụng của Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Việt Nam hiện cũng chỉ có 2 chỉ số nằm trong top này”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Do đó, Chủ tịch VCCI cho rằng, điều mà ngành ngân hàng làm được với nền kinh tế còn hơn cả những con số. Hiện, 80% nguồn vốn tín dụng đang dành cho khu vực sản xuất kinh doanh, nguồn cung ứng tín dụng cho BOT ổn định và có xu hướng giảm.

Đặc biệt, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, ở các nước, nguồn vốn trung và dài hạn được cung ứng bởi thị trường vốn, chứng khoán, chứ không phải ngân hàng. Trong khi đó, ở Việt Nam 55% vốn trung và dài hạn là do ngân hàng cung ứng.

Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; TS Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI; Ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết, trong chiến lược của các nền kinh tế APEC thì các động lực được xác định là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Cùng với đó, hai lĩnh vực được các nền kinh tế đặc biệt quan tâm, xác định định là động lực, đồng thời cũng phù hợp với kinh tế Việt Nam, đó là nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. “Khi các nhà lãnh đạo APEC đặt hai lĩnh vực này là động lực phát triển, thì câu hỏi đầu tiên được đặt ra là vấn đề tài chính cho các khu vực này? Chính vì vậy trong Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, chúng tôi có một nhóm nghiên cứu về tiếp cận tài chính cho nhóm đối tượng này”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI còn cho biết, hiện nay, trong ngôn ngữ của APEC không còn chữ DNNVV mà chỉ có chữ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngôn ngữ của APEC không chỉ nói về phát triển doanh nghiệp mà có cả hộ kinh doanh. Nói cách khác, trong APEC hiện không còn từ SMEs mà chỉ còn MSME. “ Đó là cách nhìn của thế giới. Với định hướng như vậy, cần có những nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính với tiếp cận tín dụng cho khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa này”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Ngoài ra, TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, nông nghiệp và khởi nghiệp là hai hướng phát triển quan trọng nhất cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, nhưng thực tế cho vay hai lĩnh vực này còn đang rất khó khăn. Và việc có một khung khổ pháp lý và hệ thống thể chế để tạo điều kiện cho vay vốn đối với hai khu vực này không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng, mà còn là trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ.

Bởi với những khuôn khổ pháp lý, chính sách đất đai như hiện hành thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và khởi nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. “Có doanh nghiệp phàn nàn rằng chúng tôi có hàng nghìn ha đất đã trồng trọt, sản xuất, nhưng quy định yêu cầu nhà xưởng mới được thế chấp để được vay vốn thì chúng tôi không thể vay được. Trong khi nhà xưởng không phải là yếu tố quan trọng và lợi thế của các doanh nghiệp nông nghiệp”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo ngày 20/4, tại Hà Nội.

Do đó, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định, vấn đề là làm thế nào để thay đổi hình thức cho vay, để các nhà nông nghiệp có thể thế chấp được bằng chính mảnh đất, cây trồng, vật nuôi và dự án của họ, bằng chính dòng tiền có thể tạo ra trong tương lai. Đó chính là vũ khí giúp tháo gỡ, hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Chúng ta muốn thúc đẩy trong nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và sạch, do đó, cần có sự tháo gỡ. Nếu hệ thống luật pháp vẫn như hiện hành thì không thể tháo gỡ cho doanh nghiệp được”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có những biện pháp tháo gỡ khung khổ pháp lý và ngành ngân hàng có biện pháp thúc đẩy cho vay trong hai lĩnh vực này.

Với cách thức xử lý theo hướng như vậy, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng cần có sự đột phá thúc đẩy cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp và khởi nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khơi thông vốn cho nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo: Định hình tương lai kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO