Doanh nghiệp chưa tiếp cận chính sách hỗ trợ kinh doanh tuần hoàn
Các doanh nghiệp đang được khuyến khích chuyển đổi, áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn nhưng việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ gặp nhiều khó khăn.
>>>Xây dựng Luật Kinh tế tuần hoàn
Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ như vậy tại hội thảo “Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn” tổ chức sáng nay (ngày 7/9).
Doanh nghiệp chưa mặn mà kinh doanh tuần hoàn
Ông Nguyễn Hoa Cương đánh giá: các chủ trương, chính sách về kinh tế tuần hoàn nói chung và kinh doanh tuần hoàn (KDTH) nói riêng đã được chú trọng; hệ thống pháp luật đang dần được hoàn thiện với cách tiếp cận dựa vào thị trường, tôn trọng các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường ngày càng được nhất quán và đồng bộ; nhận thức của cộng đồng, một bộ phận doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam về kinh tế tuần hoàn đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, từ thay đổi nhận thức đến hành động vẫn là khoảng cách. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thông tin về kết quả khảo sát năm 2022 với sự tham gia của 500 doanh nghiệp có quy mô, lĩnh vực hoạt động khác nhau cho thấy, mức độ áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn (KDTH) tại các doanh nghiệp là tương đối thấp, cả ở góc độ đổi mới mô hình kinh doanh và áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.
Cụ thể, có 37,6% doanh nghiệp chưa từng áp dụng bất kỳ hình thức đổi mới mô hình kinh doanh và/hoặc mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn; có từ 8% - 15% tổng số các doanh nghiệp được khảo sát tỷ lệ doanh nghiệp chưa biết đến các mô hình KDTH. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có áp dụng đổi mới mô hình kinh doanh và áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn, ông Nguyễn Hoa Cương cũng đưa ra kết quả chưa khả quan. Chỉ có từ 2% - 15% doanh nghiệp được nhận một trong các hình thức hỗ trợ như tín dụng, lãi suất, khoa học công nghệ, đào tạo, thị trường, mặt bằng sản xuất,…
Trong đó, chỉ có 2% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ “mặt bằng sản xuất kinh doanh cho dây chuyền áp dụng quy trình KDTH” - nhóm có tỷ lệ nhận được hỗ trợ thấp nhất trong khi nhóm hỗ trợ cao nhất cho doanh nghiệp là về “đào tạo” chiếm 15%. Nhóm doanh nghiệp vừa đổi mới mô hình kinh doanh vừa áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn có tỷ lệ nhận được các hỗ trợ là cao nhất, với tỷ lệ là 2,9% - 15,4% tuỳ theo hình thức hỗ trợ khác nhau.
Xây dựng sổ tay hướng dẫn
Kinh tế tuần hoàn là vấn đề mới, do vậy, ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, các quy định về kinh tế tuần hoàn, KDTH dù đã có nhưng phần lớn vẫn đang nằm ở dạng chính sách, chưa được cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nên gần như rất ít được triển khai trong thực tế. Điều này khiến cho các hoạt động hỗ trợ chính thức nhằm phát triển các mô hình KDTH gần như chưa được thực hiện.
Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, KDTH còn nhiều hạn chế bởi các rào cản về công nghệ, khuyến khích về mặt kinh tế, các yếu tố xã hội, các yếu tố về chuỗi giá trị. Đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa áp dụng, thậm chí là chưa tìm hiểu về KDTH, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Từ thực tế trên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương đề xuất Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế/KDTH, đặc biệt là các quy định chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của từng ngành nghề, từng doanh nghiệp. Trong đó, cần có các quy định cụ thể khuyến khích phát triển các mô hình KDTH dựa trên nhu cầu của thị trường.
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường; xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn, khung hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn, KDTH, trong đó, xây dựng sổ tay hướng dẫn áp dụng mô hình KDTH cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, quy mô.
Đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh đến việc cần thiết tham gia hiệu quả các chuỗi liên kết, mạng sản xuất, từ trong nước đến phạm vi khu vực và toàn cầu để tăng cường sự kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khác, nhất là đối với các doanh nghiệp có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp 9R theo thứ tự ưu tiên (Dự án, cơ sở sản xuất) gắn với tư vấn từ các chuyên gia để giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình KDTH; chú trọng phát triển thị trường đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, đặc biệt là hướng tới các thị trường xuất khẩu ở các nước phát triển, có ưu tiên đối với các sản phẩm xanh, sản phẩm từ KDTH để tận dụng được sự ủng hộ và những ưu đãi từ chính phủ, người tiêu dùng của thị trường đó.
Có thể bạn quan tâm
Nền kinh tế tuần hoàn: Bước đệm phát triển bền vững cho doanh nghiệp khởi nghiệp
09:42, 23/08/2022
Chuyển đổi số trong nông nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
04:30, 13/08/2022
Nestlé Việt Nam chia sẻ các sáng kiến sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn
14:42, 10/08/2022
Mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn
06:37, 30/07/2022
Có thể bạn quan tâm
Nền kinh tế tuần hoàn: Bước đệm phát triển bền vững cho doanh nghiệp khởi nghiệp
09:42, 23/08/2022
Chuyển đổi số trong nông nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
04:30, 13/08/2022
Nestlé Việt Nam chia sẻ các sáng kiến sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn
14:42, 10/08/2022
Mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn
06:37, 30/07/2022