Doanh nghiệp công nghệ số trong bước chuyển tăng tốc
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang tăng tốc để tạo ra một cộng đồng công nghệ thông tin có năng lực cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới.
>>>Doanh nghiệp công nghệ số và mục tiêu chuyển đổi số quốc gia
Tăng tốc để phát triển
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) cho biết: để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước cũng như các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi số toàn diện quốc gia sẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang gánh vác sứ mệnh tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, trở thành đối tác chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất. Vì thế, năm 2022 là năm tăng tốc của ngành công nghệ thông tin Việt Nam với ưu tiên lớn nhất là xây dựng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin mạnh, sẵn sàng cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, Chủ tịch VINASA bày tỏ băn khoăn trước khoảng cách còn khá lớn giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp mới gia nhập thị trường trong lĩnh vực công nghệ. Để rút ngắn khoảng cách này, theo ông Nguyễn Văn Khoa, rất cần trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp lớn, có doanh thu nghìn tỷ trên thị trường công nghệ thông tin thông qua việc dẫn dắt đưa doanh nghiệp nhỏ đi cùng để chinh phục thị trường, nhất là thị trường thế giới.
“Có như vậy chúng ta mới lớn mạnh và phát triển, đặc biệt tạo ra hệ sinh thái của doanh nghiệp Việt Nam để chinh phục thị trường nước ngoài, chứ anh lớn mải lo việc của anh lớn mà quên đi các anh nhỏ thì có ngày những anh nhỏ vươn lên để có khả năng loại trừ anh lớn. Đặc thù của ngành công nghệ thông tin thay đổi nhanh, quyết tâm của doanh nghiệp rất lớn” - ông Nguyễn Văn Khoa nói.
Nâng tầm giá trị Việt
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của công ty Rikkeisoft - doanh nghiệp công nghệ thông tin top 3 Việt Nam và là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên lọt danh sách 100 doanh nghiệp có sự tăng trưởng về doanh thu và quy mô đột phá nhất của Nhật Bản là một trong những minh chứng cho nhận định về tương lai phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
Ông Tạ Sơn Tùng - đồng sáng lập, Chủ tịch công ty Rikkeisoft chia sẻ: dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng công ty vẫn đạt mức tăng trưởng 180%/năm với 1.500 nhân sự. Hiện nay hệ sinh thái của công ty gồm 6 công ty con, 3 chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, 1 chi nhánh ở Nhật Bản với 150 kỹ sư, trong đó có cả kỹ sư người Nhật Bản. Rikkeisoft đang dần hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm công nghệ make-in-Việt Nam phục vụ cho thị trường thế giới như: Rikkei.Ai, RikkeiDigital, RikkeiAcademy và RikkeiCaptial.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cách đây 10 năm, khi mới thành lập, Rikkeisoft chỉ có 5 thành viên sáng lập, trong đó ông Tạ Sơn Tùng là người của FPTSoft - một “cây đa cây đề” trong ngành và là doanh nghiệp công nghệ thông tin xuất khẩu phần mềm duy nhất có quy mô hơn 1.000 người.
“Đến nay, các doanh nghiệp công nghệ thông tin tăng trưởng rất tốt, doanh nghiệp có quy mô 1.000 nhân sự đã đông đảo. Cùng với đó, xuất khẩu phần mềm của doanh nghiệp Việt Nam đã ghi dấu ấn trên thị trường thế giới. Trong lĩnh vực công nghệ, chúng ta làm từ những việc đơn giản, không khó khăn nhiều đến những dự án tư vấn giải pháp lớn được thực hiện bởi kỹ sư công nghệ giỏi ngoại ngữ như công ty FPT đang làm với các đối tác lớn hàng đầu thế giới là công ty Boeing, Airbus…” - ông Tạ Sơn Tùng tự hào.
Cũng giống như tại FPTSoft, từ Rikkeisoft, những người tham gia sáng lập đã thành lập hơn 30 công ty công nghệ, trong đó có không ít doanh nghiệp đã thành công. Ông Tạ Sơn Tùng mong muốn các doanh nghiệp hãy dấn thân, nhận những trách nhiệm lớn, giải những bài toán khó và hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế của đất nước để nâng tầm giá trị Việt trên thế giới.
Tuy nhiên, cùng với trăn trở chung, Chủ tịch Rikkeisoft bày tỏ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin cần hợp tác và chia sẻ với nhau nhiều hơn để cùng đi ra biển lớn, cùng xây dựng hình ảnh và thương hiệu Việt Nam trên trường thế giới. Trong đó, các doanh nghiệp đi trước cần hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp đi sau.
“Cách đây 10 năm, tại thị trường Nhật Bản, FPTSoft có 3.000 nhân sự và doanh nghiệp đứng thứ 2 có hơn 200 nhân sự, khoảng cách giữa 2 công ty khoảng 15 lần. Hiện nay, FPT soft có 25.000 nhân sự, hơn công ty thứ 2 cũng khoảng 10 lần. Tôi hy vọng là 5 năm nữa các doanh nghiệp phát triển quy mô với hàng vạn nhân sự và khoảng cách giữa các doanh nghiệp được rút ngắn lại. Chỉ có hiệp lực chúng ta mới tạo nên và lan toả thương hiệu công nghệ thông tin Việt. Sức mạnh của sự đoàn kết chính là cốt lõi để giải quyết các bài toán bức thiết của quốc gia” - ông Tạ Sơn Tùng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Make in Viet Nam 2022: Hàng trăm ngàn doanh nghiệp mong chờ sản phẩm công nghệ số
00:59, 23/06/2022
Công nghệ số duy trì chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh
09:30, 15/04/2022
Xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số: Thúc đẩy phát triển kinh tế số
04:00, 25/02/2022
VBF 2022: Công nghệ số là chìa khóa cho sự tăng trưởng
10:57, 21/02/2022
Giảm khoảng cách tiếp cận công nghệ số trong bối cảnh COVID-19
16:03, 24/11/2021
Sắp diễn ra Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam lần thứ III
16:44, 07/12/2021