Vụ rau VietGAP dỏm vào siêu thị: Doanh nghiệp tự phá bỏ đạo đức và văn hoá kinh doanh
Từ sự việc các thương hiệu lớn gian dối khách hàng, biến rau củ quả tại chợ đầu mối thành rau VietGAP chất lượng cao đang đặt ra câu hỏi lớn: đạo đức doanh nhân nằm ở đâu?
>>>Vụ rau VietGAP dỏm vào siêu thị: Phát huy “quyền năng tối thượng” của người tiêu dùng
Đạo đức kinh doanh luôn đi kèm pháp luật. Đây là hai phạm trù đan xen nhau, cốt lõi được thể hiện bằng uy tín và chất lượng sản phẩm. Đạo đức kinh doanh là chuẩn mực của doanh nghiệp và doanh nhân nhưng trên thực tiễn, khái niệm này rất mong manh theo quan điểm, góc nhìn của mỗi người, mỗi doanh nhân và chông chênh trong môi trường kinh tế thị trường, kinh tế mở.
Do vậy, khi những quy định pháp luật chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, một số doanh nghiệp lợi dụng để xé rào lách luật. Trường hợp rau VietGAP rỏm được “biến hình” vào siêu thị và Bách Hoá Xanh tiêu thụ rau xanh, các loại nấm của Trung Quốc đã được thay đổi bao bì, nhãn mác thành hàng Việt Nam và dán tem chứng nhận VietGAP là điển hình.
Xét về mặt thị trường, người tiêu dùng có sự tin tưởng nhất định vào hệ thống siêu thị hiện đại và yên tâm mua sắm hàng hoá chất lượng. Thế mà, trong nhiều năm qua, không ít mặt hàng trong chuỗi siêu thị, cụ thể là phân khúc thực phẩm tươi sống như rau củ quả và nấm - ngành hàng khó truy xuất nguồn gốc, dễ bị gian lận thương mại để trục lợi; khác với những mặt hàng thực phẩm đóng gói công nghiệp sẽ dễ truy xuất nguồn gốc vì hệ thống pháp luật khá đầy đủ về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm, hàng hoá.
Để xảy ra vụ việc đáng tiếc này, trước hết trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý thị trường trong việc chưa quản lý sát sao. Hiện nay, cấu trúc lực lượng thực thi pháp luật và hàng lang pháp lý về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của nước ta khá đầy đủ nhưng khâu thực thi chưa nghiêm nên dẫn đến tình trạng “nhờn” luật. Vì vậy, vi phạm xuất xứ hàng hoá không chỉ diễn ra ở Bách Hoá Xanh mà đã xuất hiện tại chợ truyền thống hay một số kênh phân phối hiện đại mà các cơ quan báo chí đã từng phản ánh.
Đây là hình thức vi phạm pháp luật nghiêm trọng bởi những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được người dân tiêu dùng hàng ngày với số lượng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng người dân. Hiện nay gian lận còn diễn ra với cả thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng. Tại các nước phát triển, vi phạm này được xác định tội danh rất nặng và bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này chưa được xử lý nghiêm và để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế, có thể làm triệt tiêu hoặc kìm hãm sự phát triển của ngành hàng trong nước.
Từ thực tế công việc của mình, tôi lấy đơn cử mặt hàng nấm rơm tươi. Gần đây, trao đổi với đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình, tôi được biết, cách đây 10 năm ngành nấm tươi tại đây rất phát triển. Ngoài nấm rơm truyền thống, đã có trang trại nấm ứng dụng công nghệ, phát triển nấm cao cấp lấy giống từ nước ngoài như nấm linh chi, nấm đông cô, nấm đùi gà…
Nhưng sau vài năm, ngay cả nấm rơm cũng bị phá sản bởi sự xuất hiện tràn lan của một số loại nấm không được kiểm soát chặt chẽ chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ không đảm bảo chất lượng. Tại phía Nam, thương hiệu nấm Dona khá đình đám một thời, thậm chí được chế biến sâu thành thực phẩm chức năng cũng không trụ lại và phát triển được trước sự “xâm lấn” của nấm kém chất lượng, giá bán rẻ.
Để bảo vệ ngành nông nghiệp và lành mạnh hoá thị trường, bảo vệ sức khoẻ, quyền lợi người tiêu dùng, trước hết, cơ quan quản lý thị trường cần có động thái quyết liệt hơn để kiểm tra, kiểm soát thị trường và đề xuất chế tài xử lý nghiêm hơn để răn đe. Một số lỗ hổng trong quản lý dễ dàng nhận thấy là ở khu vực chợ đầu mối, nếu quản lý thị trường có mặt trực tiếp tại đây, bằng các biện pháp nghiệp vụ có thể “bắt tận tay” hành vi tráo đổi nhãn mác xuất xứ, giao cho các sêu thị và cùng “đội lốt” mới với các tiêu chuẩn cao cấp để trục lợi.
Cũng cần phải nói thêm rằng, tất cả các loại nông sản, rau củ quả Trung Quốc không phải đều là xấu. Thị trường rau củ quả của họ cũng đa phân khúc, có nhiều mặt hàng chất lượng cao. Sản phẩm kém chủ yếu do thương lái hám lợi và lách luật đồng thời hệ thống thực thi pháp luật kém hiệu quả.
Thời gian gần đây, phía Trung Quốc đang hướng tới việc nâng cao thêm các rào cản kỹ thuật để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời yêu cầu xuất nhập khẩu chính ngạch kiểm soát chất lượng. Theo pháp luật quốc tế, hàng nhập từ đâu phải công khai xuất xứ, nguồn gốc từ đó. Còn hành vi thu gom nông sản nhập tiểu ngạch ở chợ đầu mối rồi tráo đổi bao bì, nhãn mác là gian dối, lừa đảo người tiêu dùng, cần xử lý nghiêm chứ không thể đơn giản đưa ra lời xin lỗi đơn giản hay xử lý hành chính.
Bên cạnh đó, cần xem xét trách nhiệm liên đới của các đơn vị cung cấp chứng nhận VietGAP một cách dễ dàng như mua rau ngoài chợ và nâng cao hơn nữa tiếng nói của các hiệp hội ngành nghề trong việc bảo vệ thương hiệu, xuất xứ hàng hoá. Kinh nghiệm tại các nước trên thế giới cho thấy, vai trò của hiệp hội ngành nghề là quan trọng với những tiếng nói và hành động mạnh mẽ, quyết liệt khi phát hiện gian lận thương mại, nhất là với các hình thức gian lận thương mại tinh vi trong thời đại toàn cầu hoá để vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa bảo vệ ngành hàng nông sản có tiềm năng trong nước.
Trở lại với câu chuyện về đạo đức kinh doanh, văn hoá kinh doanh. Từ sự việc các thương hiệu lớn gian dối khách hàng, biến rau củ quả tại chợ đầu mối thành rau VietGAP chất lượng cao đang đặt ra câu hỏi lớn: đạo đức doanh nhân nằm ở đâu? Khi đặt ra vấn đề này, tôi nhớ đến một số doanh nhân không thoả hiệp với khó khăn, thậm chí chấp nhận thua lỗ, phá sản, đóng cửa chứ không chịu làm chuyện tào lao, không vi phạm đạo đức kinh doanh. Ngược lại cũng có những người bất chấp tất cả để trục lợi đã cho thấy lằn ranh mong manh giữa đạo đức kinh doanh và lợi nhuận.
Trước khi tôi tiếp nhận một dự án xây dựng thương hiệu, câu hỏi duy nhất và điều kiện kiên quyết tôi đặt ra, dù đó thương hiệu của tập đoàn, doanh nghiệp hay địa phương là vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đảm bảo chất lượng sản phẩm gắn liền với đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh, dựa trên quy trình sản xuất, kinh doanh, phân phối minh bạch, công khai và đảm bảo quyền của người tiêu dùng. Đạo đức kinh doanh được thể hiện cụ thể như vậy chứ không phải là lời nói suông. Thương hiệu đích thực của doanh nghiệp được tạo nên từ chất lượng sản phẩm, uy tín và đạo đức kinh doanh.
Những doanh nghiệp chân chính, có đạo đức và văn hoá kinh doanh cần được bảo vệ trước những cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại để tồn tại và phát triển. Đồng thời, trở thành thương hiệu mạnh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, có ngành sản xuất có chất lượng, khẳng định vị thế trong và ngoài nước. Chẳng hạn như ngành gạo đã thực hiện thành công trong việc lọt vào top đầu trên thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Siêu thị xử lý khủng hoảng ngày càng chuyên nghiệp
04:10, 21/09/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
20:21, 13/09/2022
Cảnh báo hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế
00:58, 08/06/2022
Chống buôn lậu, gian lận thương mại: Cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp
04:20, 25/02/2021
Hai Bộ lên "phương án” chống gian lận thương mại
01:05, 18/12/2019