Doanh nghiệp đầu tư đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh
Nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hướng tới mô hình doanh nghiệp sản xuất sạch, phát triển bền vững là những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã thực hiện.
>>>Thái Bình: Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp
Câu chuyện từ Công ty TNHH Phúc Kiến (cụm công nghiệp Vũ Ninh, huyện Kiến Xương) và Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng (cụm công nghiệp Tân Minh, huyện Vũ Thư) là một ví dụ.
Tiết kiệm năng lượng để sản xuất sạch hơn
Sử dụng máy móc và công nghệ hiện đại, thay thế nguyên liệu thân thiện với môi trường, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO là những giải pháp chính mà Công ty TNHH Phúc Kiến (cụm công nghiệp Vũ Ninh, huyện Kiến Xương) - Thái Bình triển khai nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hướng tới mô hình doanh nghiệp sản xuất sạch hơn.
Công ty TNHH Phúc Kiến là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì, vỏ hộp bằng chất liệu carton phục vụ ngành vật liệu xây dựng, may mặc và công nghiệp nhẹ. Mỗi năm Công ty sử dụng từ 12 - 13 nghìn tấn giấy cuộn để sản xuất ra thành phẩm bìa carton với sản lượng hơn 40 triệu m2. Để phục vụ sản xuất, Công ty đã đầu tư rất nhiều máy móc gồm: 2 dàn máy ép tạo tấm bìa carton, 3 máy in, 4 máy định hình sản phẩm, máy cung cấp hơi, nhiệt và một số máy phụ trợ hoàn thiện sản phẩm với tổng mức đầu tư trên 160 tỷ đồng. Hiện nay, máy móc tự động hóa sản xuất của Công ty đạt 60%, 30% bán tự động và 10% thủ công. Khu vực sản xuất tiêu tốn nhiều điện năng nhất là hệ thống máy tạo bìa carton, máy in và lò hơi, trung bình mỗi tháng nhà máy tiêu thụ khoảng 150.000kWh.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Quản đốc phân xưởng sản xuất, phụ trách cơ điện của Công ty, trước đây, khi chưa thực hiện công tác kiểm toán năng lượng, mỗi năm chúng tôi chi phí khoảng 1,3 tỷ đồng tiền sử dụng năng lượng như điện, xăng dầu, than, chiếm khoảng 7,6% tổng giá thành sản xuất. Đây là tỷ lệ chi phí quá lớn ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của sản phẩm và lợi nhuận sản xuất của doanh nghiệp.
Vì vậy, trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tập trung phân tích những vị trí sản xuất tiêu hao nhiều điện năng và tìm giải pháp để tiết giảm, chống lãng phí. Theo đó, chúng tôi đề xuất với ban lãnh đạo Công ty đầu tư thay thế một số máy móc công nghệ mới có tính năng tiết kiệm điện, lắp đồng bộ máy biến tần cho các máy có công suất tiêu thụ điện lớn, chuyển đổi một số thiết bị nhiệt từ công nghệ đốt dầu, than hóa thạch sang đốt viên than củi nén, mua bổ sung máy bồi keo tự động, cải tiến và nâng cấp chi tiết máy nối giấy tự động với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Thái Bình: Thời gian qua, nhờ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO mà Công ty TNHH Phúc Kiến đã hạn chế tối đa vận hành các máy công suất tiêu thụ điện lớn trong giờ cao điểm cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 15% so với trước đây chưa thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm điện.
Thêm một điểm đáng ghi nhận ở Công ty TNHH Phúc Kiến đó là doanh nghiệp đã sớm áp dụng một số tiêu chuẩn như ISO 9001:2015 về hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn ISO 14001:2015 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các tài nguyên về môi trường, giảm thiểu tối đa sự lãng phí cùng các chi phí không đáng phát sinh cho doanh nghiệp. Việc chuẩn hóa máy móc và quy trình sản xuất đã đưa năng suất lao động tăng lên, tiết kiệm chi phí, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho người lao động.
Chị Nguyễn Thị Thu, công nhân Công ty chia sẻ: Phần lớn công việc nặng nhọc, vất vả đều được máy móc tự động hóa làm thay sức người, chị em công nhân chỉ làm thủ công các việc nhẹ như bốc xếp, đóng gói, hoàn thiện sản phẩm. Môi trường trong nhà xưởng luôn sạch sẽ, thông thoáng, thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người/tháng đáp ứng nhu cầu cuộc sống nên chúng tôi yên tâm làm việc lâu dài cho Công ty.
Theo ông Đỗ Hồng Minh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Phúc Kiến, chúng tôi vẫn duy trì 140 lao động nhưng trước đây mỗi năm Công ty chỉ sản xuất được 2 triệu m2 sản phẩm, nhờ đổi mới công nghệ và hiện đại hóa máy móc, hiện nay sản lượng đã đạt 40 triệu m2 sản phẩm/năm.
Vì môi trường cộng đồng
Với mong muốn mang đến cho cộng đồng những sản phẩm có chất lượng quốc tế, 5 năm qua, Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng đã đầu tư hơn 40 triệu USD xây dựng nhà xưởng, mua sắm, lắp đặt máy móc và đổi mới công nghệ sản xuất. Hiện Công ty có 6 dây chuyền sản xuất bánh, kẹo công nghệ Đan Mạch, Hàn Quốc và nhiều thiết bị nhập khẩu từ châu Âu.
>>>Thái Bình: Tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình
Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty chia sẻ: Phần lớn quy trình sản xuất được tự động hóa nên giảm bớt áp lực cho người lao động, năng suất lao động tăng lên rất nhiều. Nếu trước đây mỗi người chỉ làm được 25 thùng sản phẩm/ca làm việc thì nay đạt 200 thùng/ ca làm việc, tăng gấp 8 lần. Năng suất lao động tăng giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ông Đào Đức Hưng, - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng cho biết: Với quy trình sản xuất khép kín, tỷ lệ tự động hóa đạt hơn 85%, Công ty đã giảm tối đa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm xâm nhập. Cùng với đó, các nguyên liệu đầu vào được Công ty tuyển chọn nhà cung cấp kỹ càng và kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng chặt chẽ trước khi đưa vào sản xuất. Đặc biệt, Công ty áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015, ISO 22000:2005, HALAL - đây là những tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường, an toàn thực phẩm.
Theo ông Hưng, trong ngành sản xuất bánh kẹo, doanh nghiệp phải đặt chữ tín lên hàng đầu, vì thế, tất cả các sản phẩm của Công ty không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Do đó, Công ty không chỉ phát triển vững mạnh, cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn bánh kẹo mỗi năm mà nhiều dòng sản phẩm còn sánh ngang với các thương hiệu lớn trên thế giới. Đồng thời với đó là luôn hướng đến sự phát triển bền vững vì cộng đồng, trước hết là cộng đồng anh em công nhân viên ngay chính công ty. Môi trường làm việc ngày một chuyên nghiệp, phù hợp với nhiều lứa tuổi, không độc hại, thêm vào đó là sự quan tâm chăm lo đến đời sống công nhân viên, người lao động chính là yếu tố thu hút, cạnh tranh của công ty.
Bà Tô Thị Hương Lan -Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sử dụng máy móc và công nghệ hiện đại, thay thế nguyên liệu thân thiện với môi trường, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO là những giải pháp chính mà còn rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã thực hiện. Cũng theo bà Lan đưa KHCN trở thành động lực trực tiếp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hướng tới mô hình doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm