Công ty đa quốc gia gặp khó bởi chính sách "zero-covid" của Trung Quốc

NGUYỄN CHUẨN 06/11/2022 04:00

Thêm một lần Apple thất vọng vì chính sách “zero-covid” của Trung Quốc khi nhà máy sản xuất iPhone chính của Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc đang phải đóng cửa vì các trường hợp COVID-19.

>>>Nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc "ngấm đòn" vì zero- COVID

Theo đó, khi các trường hợp COVID-19 gia tăng trong và xung quanh nhà máy của nhà sản xuất iPhone, chính phủ Trung Quốc đang cấm người dân rời khỏi nhà của họ từ ngày 2 cho đến 9/11. Không có trường hợp nào, ngoại trừ những phương tiện cần thiết được phép lưu thông trên đường.

Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc đang phải đóng cửa nghiêm ngặt trong một tuần vì các trường hợp COVID-19.

Nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc đang phải đóng cửa nghiêm ngặt trong một tuần vì các trường hợp COVID-19.

Vậy là, nhà máy sản xuất iPhone đã không thể cho công nhân hoặc bộ phận lắp ráp vào và ra. Đây là điều mà người ta hoàn toàn không ngạc nhiên vì chính sách “zero-covid” của Bắc Kinh đang khiến nhiều khu công nghiệp của nước này nằm trong tình trạng “sẵn sàng đóng cửa” bất cứ lúc nào.

Mặc dù Foxconn đã cố gắng duy trì việc hoạt động như bình thường. Công nhân được trang bị khẩu trang và chất khử trùng, tiếp tục công việc của mình theo hệ thống quản lý “vòng kín” khi họ sống và làm việc trong khu phức hợp nhà máy, tương tự như cách “ba tại chỗ” mà Việt Nam đã từng áp dụng trong thời kỳ cao điểm năm 2021.

Trong một vài tuần vừa qua, Foxconn đã cấm tất cả các bữa ăn tối tại căng tin của nhà máy, thay vào đó họ yêu cầu công nhân dùng bữa trong ký túc xá của mình, công ty cung cấp ba bữa ăn miễn phí hàng ngày. Trong khi công nhân chỉ có thể đi một vài tuyến đường xuyên qua khu phức hợp vì nhiều lối vào đã bị đóng.

Bên cạnh đó, nhà máy tuyên bố họ đã sắp xếp phương tiện đi lại cho những công nhân muốn về nhà, video trên mạng xã hội cho thấy nhiều nhân viên đã kéo vali và nhảy qua rào, nỗi sợ hãi về tình trạng đóng cửa và điều kiện làm việc không an toàn đã khiến hàng nghìn người phải bỏ trốn.

Chính sách

Chính sách "zero-covid" của Trung Quốc đang khiến nhiều công ty đa quốc gia gặp khó.

Trong khi đó, nhà máy sản xuất iPhone ở Trịnh Châu của Foxconn, hiện đang là nhà máy lớn nhất của đối tác Apple, nhà máy này đang có 200.000 công nhân với 45% doanh thu của Foxconn đến từ Apple.

Một điều đáng lo cho Apple là cơ sở ở Trịnh Châu của Foxconn chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn dòng iPhone 14, lên đến 80% số lượng, theo nhà phân tích cấp cao của Counterpoint, Ivan Lam cho biết. Đặc biệt, 10% thị phần sản xuất iPhone toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng khi nhà máy ở Trịnh Châu đột ngột áp dụng chiến lược “khép kín”, dẫn đến 30% sản lượng iPhone của Apple sụt giảm trong tháng 11.

>>>Thấy gì trong danh sách các đối tác cung ứng của Apple năm 2021?

>>>Kế hoạch của Apple và động thái của Foxconn?

Sự thất vọng của Apple…

Để ngăn chặn sự trỗi dậy của COVID-19, Bắc Kinh đã trao cho các thành phố quyền áp dụng các biện pháp phong tỏa, kiểm tra hàng loạt và kiểm dịch kéo dài. Để giảm tác động của các biện pháp đột ngột và quyết liệt, một số doanh nghiệp từ nhà máy sản xuất cho đến cảng biển đã áp dụng hệ thống “vòng kín”.

COVID, chi phí và những xung đột địa chính trị đang khiến Apple phải xem xét lại chuỗi cung ứng.

COVID, chi phí và những xung đột địa chính trị đang khiến Apple phải xem xét lại chuỗi cung ứng.

Nhà sản xuất máy bay không người lái DJI và nhà sản xuất ô tô BYD cũng buộc phải làm vậy. Và ngay cả Foxconn, họ cũng đã phải áp dụng chiến lược này để duy trì hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, với việc đóng cửa liên tục vì các ca nhiễm bệnh thêm vào đó là tình trạng bất ổn từ chính sách ngặt nghèo trong việc phòng chống COVID, đã khiến năng suất của Foxconn bị sa lầy.

Mặc dù họ cũng đang cố gắng bù đắp khoản thiếu hụt sản xuất ở Trịnh Châu bằng các nhà máy ở những nơi khác, như Thâm Quyến hay là các nhà máy của Foxconn ở Ấn Độ, nhưng những nơi đó có các hoạt động quy mô nhỏ hơn nhiều.

Foxconn có thể chấp nhận điều đó, miễn là hoàn thành doanh số mà Apple giao phó, nhưng “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ thì rất khó để chịu được điều đó.

Thành công phi thường của Apple trong hai thập kỷ qua, doanh thu tăng 70 lần, giá cổ phiếu tăng gấp 600 lần, giá trị thị trường 2,4 nghìn tỷ đô la Mỹ, một phần là kết quả của vụ đặt cược lớn vào Trung Quốc. Apple đã đầu tư vào các nhà máy có trụ sở tại Trung Quốc, hiện sản xuất hơn 90% sản phẩm của mình và thu hút người tiêu dùng Trung Quốc, những người đã đóng góp tới 1/4 doanh thu của hãng. 

Tuy nhiên, những thay đổi về kinh tế và địa chính trị đang buộc công ty bắt đầu quá trình tách rời một cách vội vã. Việc quay lưng lại với Trung Quốc đánh dấu một sự thay đổi lớn của Apple và là biểu tượng của một sự thay đổi thậm chí còn lớn hơn đối với nền kinh tế thế giới.

Hai quốc gia, Việt Nam và Ấn Độ là những người hưởng lợi chính từ sự thay đổi chiến lược của Apple. Năm 2017, Apple đã liệt kê 18 nhà cung cấp lớn ở Ấn Độ và Việt Nam, năm ngoái, con số này là 37. Vào tháng 9, Apple đã bắt đầu sản xuất iPhone 14 mới của mình tại Ấn Độ, nơi trước đây họ chỉ sản xuất các mẫu cũ hơn. Tháng trước, có thông tin cho rằng Apple sẽ sớm bắt đầu sản xuất máy tính xách tay MacBook tại Việt Nam. 

Đặc biệt, với sự rạn nứt ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với đó là các thách thức từ COVID-19 và chi phí, ngày Apple “quay xe” với Trung Quốc, có thể không xa...

Có thể bạn quan tâm

  • “Nước cờ” mới của Apple

    “Nước cờ” mới của Apple

    03:00, 17/10/2022

  • Thấy gì trong danh sách các đối tác cung ứng của Apple năm 2021?

    Thấy gì trong danh sách các đối tác cung ứng của Apple năm 2021?

    04:00, 10/10/2022

  • Apple rút khỏi kỳ lân công nghệ Trung Quốc

    Apple rút khỏi kỳ lân công nghệ Trung Quốc

    02:55, 02/09/2022

  • Kế hoạch của Apple và động thái của Foxconn?

    Kế hoạch của Apple và động thái của Foxconn?

    04:00, 19/08/2022

NGUYỄN CHUẨN