Chậm hoàn thuế VAT, doanh nghiệp gỗ khó trăm bề

THY HẰNG 09/11/2022 05:00

Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng đang đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

>>>Doanh nghiệp gỗ cần làm gì để vượt qua khó khăn chưa có tiền lệ?

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) vừa có Công văn 107/HHG-VP gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Chính đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT.

lượng thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã khoảng 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp hiện chưa được hoàn thuế.

Lượng thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã khoảng 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp hiện chưa được hoàn thuế.

Theo Viforest, gỗ rừng trồng trong nước hiện đã trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng nhất cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn cung này là nền tảng đối với sự phát triển và lớn mạnh của ngành gỗ, góp phần đem lại nguồn thu trên 14 tỷ USD mỗi năm thông qua các mặt hàng gỗ xuất khẩu của ngành.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, nguồn thu từ gỗ rừng trồng cũng là nguồn thu nhập quan trọng cho hơn 1 triệu hộ gia đình tham gia khâu trồng rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc sống tại địa bàn khó khăn. 

Tuy nhiên, từ đầu 2022 đến nay các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng, đặc biệt các doanh nghiệp có sử dụng lượng cung gỗ rừng trồng lớn, như: doanh nghiệp dăm, ván bóc/ván ép, viên nén đang đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Vương quốc Anh đang suy giảm 40-50%, dòng tiền đầu vào của các doanh nghiệp đang bị suy giảm nghiệm trọng, ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT làm cho các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn.

Theo quy định hiện nay, thời gian hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không được hoàn thuế từ tháng 4, tháng 5/2022. Một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 1 năm 2022.

Theo ước tính, lượng thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã khoảng 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp hiện chưa được hoàn thuế. Có doanh nghiệp có số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp từ 40-50 tỷ đồng.

>>>Doanh nghiệp gỗ Việt "ngấm đòn" xung đột Nga - Ukraine

Thời gian chậm hoàn thuế vượt xa so với quy định hiện hành. Khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.

"Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực", Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh.

lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT như hiện nay

Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT như hiện nay là do quy định "vênh nhau".

Theo văn bản của Viforest, lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT như hiện nay là do hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại một số văn bản coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế; yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.  

"Việc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp như hiện nay không những làm ách tắc các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tạo ra tâm lý lo sợ trong cộng đồng doanh nghiệp", văn bản do ông Đỗ Xuân Lập ký nêu rõ.

Bên cạnh đó, các yêu cầu chi tiết của cơ quan thuế về việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu hiện đang không nhất quán với các quy định có liên quan theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Do coi các mặt hàng gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng là các mặt hàng rủi ro về thuế theo các văn bản của Tổng cục Thuế quy định, dẫn tới chi cục thuế các địa phương kết hợp với chính quyền địa bàn của chủ rừng đi xác minh nguồn gốc gỗ gặp nhiều bất cập.   

Điều này cho thấy sự không nhất quán giữa Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT và các quy định của Tổng cục Thuế về xác minh nguồn gốc lâm sản, bao gồm hồ sơ nguồn gốc lâm sản.

Các quy định không sát với thực trạng của chuỗi cung hiện tại có thể tạo ra rủi ro cho cả chuỗi cung khi một số doanh nghiệp bắt buộc phải tìm cách hợp pháp hóa nguồn gỗ nguyên liệu của mình thông qua việc lách luật.

"Để giải quyết tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT hiện nay, nhằm tránh nguy cơ đóng cửa đối với hàng trăm doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài cần có sự thống nhất giữa 2 bộ để hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các yêu cầu có liên quan tới việc xác định nguồn gốc gỗ và hồ sơ lâm sản trong quá trình hoàn thuế", ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp gỗ cần làm gì để vượt qua khó khăn chưa có tiền lệ?

    04:00, 02/08/2022

  • Thanh Hóa: Kết nối Ngân hàng và doanh nghiệp gỡ điểm nghẽn

    18:08, 22/03/2022

  • Doanh nghiệp gỗ Việt "ngấm đòn" xung đột Nga - Ukraine

    03:11, 11/03/2022

  • VCCI Hải Phòng cùng doanh nghiệp gỡ khó

    16:55, 01/03/2022

  • Doanh nghiệp gỗ lo "lép vế"

    14:19, 18/12/2021

  • Phục hồi kinh tế: 67% doanh nghiệp gỗ hoạt động trên 70% công suất

    15:36, 29/10/2021

THY HẰNG