Xuất khẩu gỗ “khốn đốn” vì “nguồn gốc”
Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu gỗ với con số trên dưới 1.000 tỷ đồng thuế GTGT chưa được hoàn.
>>Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán cứng chưa bị Mỹ áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản.
Trao đổi với DĐDN, ông Thang Văn Hoá - Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam nhấn mạnh, ách tắc trong khâu hoàn thuế GTGT làm cho các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khốn đốn, đặc biệt các doanh nghiệp dăm gỗ, ván bóc/ván ép, viên nén.
- Thưa ông, tình trạng chậm hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp đáng “báo động” ở mức nào?
Theo Điểm 2, Điều 75, Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định, thời gian hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Tuy nhiện thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp không được hoàn thuế từ tháng 4, tháng 5 năm 2022. Thậm chí, một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 1/2022.
Ước tính, lượng thuế GTGT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới hàng trăm doanh nghiệp với con số trên dưới 1.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Vương quốc Anh đang suy giảm 40-50%, ách tắc trong khâu hoàn thuế GTGT làm cho một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu, một số hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế GTGT tiếp tục kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.
- Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa ông?
Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc như hiện nay là do quy định không đồng nhất về hoàn thuế xuất khẩu. Theo đó, hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại Công văn số 429, số 2124, số 2928 và Công văn số 4569 trong năm 2020… coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế. Do đó, cơ quan thuế yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.
Dẫn tới cục thuế các địa phương kết hợp với chính quyền địa phương đi xác minh tới từng chủ rừng bao gồm: diện tích rừng trồng có sổ đỏ hay không? diện tích rừng trồng có khớp với lượng gỗ kê khai của chủ lâm sản; Người ký hợp đồng mua bán có đủ năng lực cung cấp hàng; Gỗ có đủ tuổi để khai thác?
Như vậy, các yêu cầu của cơ quan thuế về việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu tại các văn bản trên hiện đang không nhất quán với Thông tư số 27/2018 của Bộ NN&PTNT về hồ sơ nguồn gốc lâm sản quy định các doanh nghiệp tham gia mua bán, vận chuyển gỗ rừng trồng trong nước cần có rằng: “Bảng chính bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập và bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản do chủ lâm sản bán”.
- Sự thiếu thống nhất giữa các văn bản của các cơ quan đẩy rủi ro về phía doanh nghiệp, thưa ông?
Khi các doanh nghiệp xuất khẩu nộp hồ sơ xin hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế tại nhiều địa phương trả lại hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp phải xác nhận nguồn gốc gỗ nguyên liệu đầu vào trong các mặt hàng xuất khẩu. Cụ thể, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm hoặc UBND xã xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản, thậm chí có địa phương còn đưa công an vào xác minh nguồn gốc gỗ.
Như vậy, không chỉ không nhất quán với Thông tư 27 kể trên, việc xác định nguồn gốc gỗ chi tiết tới từng chủ rừng là điều không thể thực hiện bởi chuỗi cung ứng phức tạp. Hiện, có tới 80% nguồn nguyên liệu ngành gỗ là nguồn gỗ từ rừng trồng, cây phân tán, cao su thanh lý trong nước, trong đó chiếm 60% là gỗ trồng rừng của hàng trăm nghìn hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, do khối lượng khai thác ít, manh mún và đều ở vùng sâu, vùng xa, nên hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu (F4) đều không mua trực tiếp được nguyên liệu từ người dân/hộ trồng rừng (F0), mà phải mua gom qua nhiều khâu. Do đó, việc xác minh nguồn nguyên liệu đầu vào “tới tận hộ dân” rất khó khăn.
- Vậy Chi Hội có đề xuất tháo gỡ khó khăn như thế nào cho các doanh nghiệp, thưa ông?
Chúng tôi đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính, thứ nhất cần có sự thống nhất để hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các yêu cầu có liên quan tới việc xác định nguồn gốc gỗ và hồ sơ lâm sản trong quá trình hoàn thuế.
Thứ hai, cần có quy định để phân loại doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT như phân luồng của hải quan, các doanh nghiệp hoạt động lâu năm, có uy tín trong kinh doanh, thì cho phép hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Đối với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp có tính rủi ro cao, thì kiểm tra trước sau đó mới hoàn thuế.
Thứ ba, cần có quy trình và thời gian cụ thể cho khâu xác minh nguồn gốc gỗ, vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan. Đồng thời, phương pháp xác minh cũng cần làm rõ: tỷ lệ mẫu, cách xác minh các hộ dân có khai thác gỗ rừng trồng... để tránh tình trạng áp dụng tùy nghi trong khâu thực thi.
Thứ tư, xem xét làm rõ trách nhiệm của từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong chuỗi và hình thức xử phạt với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trực tiếp vi phạm thay vì dồn chế tài vào doanh nghiệp ở khâu sản xuất cuối cùng.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm