Phát triển năng lượng tái tạo đang chững lại

HẠNH LÊ 19/11/2022 03:40

Sau một thời gian tăng trưởng, các dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đã và đang có dấu hiệu chững lại.

>>>Phát triển năng lượng tái tạo: Cần thêm cơ chế, chính sách

Dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ đã có những điều chỉnh đáng kể so với những dự thảo trước đó, thể hiện rõ hơn vai trò và lộ trình phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang phải nhập khẩu than để sản xuất điện, nhất là khủng hoảng năng lượng do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine khiến giá cả nguyên liệu sản xuất điện tăng lên, đồng thời hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2019 - 2021, sản lượng điện phát từ nguồn điện năng lượng tái tạo từ 5,242 tỷ kWh lên gần 30 tỷ kWh, góp phần giảm lượng điện chạy dầu giá cao. So sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của EVN thì điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020 (tiết kiệm khoảng 10.850 - 21.000 tỷ đồng).

Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy (ảnh: H.T)

Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy (ảnh: H.T)

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đánh giá, các nguồn điện năng lượng tái tạo phân tán cung cấp hiệu quả cho phụ tải điện tại chỗ, giảm tổn thất truyền tải, giúp khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp; huy động nguồn vốn trực tiếp từ người dân tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà; bổ sung nguồn ngân sách đáng kể cho các địa phương có tiềm năng…

Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, giá thành các nguồn năng lượng tái tạo đã có tính cạnh tranh hơn. Với nhiều tiềm năng phát triển, những năm qua, công suất lắp đặt điện mặt trời đã vượt mục tiêu vào năm 2030, công suất lắp đặt điện gió đã vượt mục tiêu vào năm 2025.

Tuy nhiên, việc phát triển này đang có dấu hiệu chững lại do một số khó khăn, vướng mắc, nhất là cơ chế giá điện hỗ trợ (FIT) đối với điện gió và điện mặt trời đã hết hạn khiến cho hơn 3.400 MW công suất nguồn điện gió đã xây dựng xong nhưng vẫn chưa được đưa vào vận hành.

Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo chủ yếu tập trung phát triển tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận - khu vực có tiềm năng lớn dẫn đến quá tải một số đường dây và trạm biến áp 110kV, 220kV. Việc mất đồng bộ giữa phát triển nguồn năng lượng tái tạo đã gây ra các điểm "nghẽn" về truyền tải, phải giảm phát tới 30 - 40%, thậm chí có dự án phải giảm hơn 60% công suất.

Các dự án điện gió góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phác thải khí nhà kính

Các dự án điện gió góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phác thải khí nhà kính

Đầu tư các dự án năng lượng tái tạo cần vốn lớn nhưng rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư và giá điện cao hơn nguồn năng lượng truyền thống. Vì thế, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại thường chưa sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư năng lượng tái tạo.

Để tạo môi trường đầu tư ổn định đối với nguồn năng lượng tái tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần đưa ra các định hướng, chính sách phù hợp như cân bằng công suất - điện năng, xác định khối lượng các dự án điện mặt trời, điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo cần xây dựng theo từng vùng, miền để xác định công suất mỗi loại cần đưa vào vận hành trong từng năm của mỗi vùng, miền.

Hiện nay vấn đề được các nhà đầu tư rất quan tâm là cơ chế giá cho các dự án năng lượng  chuyển tiếp. Trong thời gian chờ tính toán khung giá phát điện, đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện, đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành giá điện tạm tính, cho phép EVN huy động các nhà máy điện chuyển tiếp và thanh toán tiền điện theo mức giá bán điện tạm tính. Doanh thu bán điện của các dự án sẽ được điều chỉnh lại theo giá bán điện chính thức.

Đối với các dự án năng lượng có quy mô công suất nhỏ (như điện mặt trời mái nhà, điện bãi rác, điện khí sinh học và các dự án có công suất nhỏ khác) cần được áp dụng theo biểu giá điện hỗ trợ (FIT) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hàng năm đối với mỗi loại công nghệ và tương ứng với các quy mô công suất khác nhau, theo từng vùng khác nhau.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (ảnh: H.T)

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (ảnh: H.T)

>>>Giải pháp ổn định nguồn năng lượng tái tạo hướng tới Net Zero

Về vấn đề này, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: đầu tháng 10, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15 về nguyên tắc xây dựng khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Dự kiến, từ ngày 25 đến 30 tháng 11 này, Bộ Công Thương sẽ thẩm định xong và ban hành khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở khung giá, EVN đàm phán với các chủ đầu tư. Hiện có khoảng 4.000 MW đối tượng chuyển tiếp điện gió và điện mặt trời.

Về cơ chế giá FIT, Bộ Công Thương từng có báo cáo, kiến nghị bãi bỏ 2 Quyết định giá FIT 13, 39 khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương khẳng định dự án/ phần dự án đang tuân thủ quy định pháp luật, đáp ứng điều kiện tại Quyết định 13, 39 vẫn hưởng giá FIT theo hợp đồng. Các dự án hoà lưới sau thời gian quy định sẽ không hưởng cơ chế giá FIT do hết hạn áp dụng các quyết định ưu đãi này.

Liên quan đến việc từ nay đến năm 2030 không phát triển thêm điện mặt trời, ông Phạm Nguyên Hùng thông tin thêm: dự thảo Quy hoạch điện VIII bản mới nhất sẽ bổ sung 726 MW điện mặt trời tập trung, trong đó hơn 400 MW đã xong rồi, 300 MW đang làm dở; còn hơn 1.600 MW đã có quy hoạch nhưng chưa đầu tư có thể được đẩy ra sau năm 2030. Quy hoạch VII điều chỉnh cho thấy, các dự án điện mặt trời tập trung (có thể bị đẩy lùi ra sau năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII) có vị trí phụ tải thấp nên để phát triển tiếp phải đầu tư lớn lưới điện, trong khi ổn định hệ thống thống đã đạt giới hạn. Còn sau 2030 điều kiện truyền tải, lưới điện đầu tư đã tốt hơn nên có điều kiện để phát triển thêm điện mặt trời mà không cần đầu tư quá lớn. 

Có thể bạn quan tâm

  • Khai thác tiềm năng từ nguồn năng lượng tái tạo

    Khai thác tiềm năng từ nguồn năng lượng tái tạo

    02:49, 04/11/2022

  • Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 1: Đàm phán giá mua điện khó khả thi

    Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 1: Đàm phán giá mua điện khó khả thi

    03:50, 10/08/2022

  • Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Cần xây dựng cơ chế giá mua điện phù hợp

    Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Cần xây dựng cơ chế giá mua điện phù hợp

    03:50, 11/08/2022

  • Nhiều dự án năng lượng tái tạo có nguy cơ phá sản

    Nhiều dự án năng lượng tái tạo có nguy cơ phá sản

    17:10, 02/07/2022

  • PVN kiến nghị cơ chế phát triển năng lượng tái tạo

    PVN kiến nghị cơ chế phát triển năng lượng tái tạo

    03:30, 27/06/2022

  • Tây Nguyên: Vì sao loạt dự án năng lượng tái tạo được các nhà đầu tư ngoại quan tâm?

    Tây Nguyên: Vì sao loạt dự án năng lượng tái tạo được các nhà đầu tư ngoại quan tâm?

    12:57, 14/06/2022

  • EU chuyển đổi năng lượng tái tạo như thế nào?

    EU chuyển đổi năng lượng tái tạo như thế nào?

    17:39, 02/06/2022

HẠNH LÊ