Quảng Ninh: Nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp
Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bứt phá vươn lên.
>>>Quảng Ninh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Từ đồng hành…
Theo lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Ninh: Là một trong những đơn vị chủ chốt thực hiện thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu - khâu trọng yếu điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian qua, Cục Hải quan Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất nhập khẩu an toàn. Tất cả các đơn vị trong ngành luôn chủ động trong việc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua nhiều kênh thông tin để nắm bắt thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi, hướng dẫn những chính sách, thủ tục; kịp thời giải đáp hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Đơn vị, cũng đã ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả thỏa thuận hợp tác hải quan - doanh nghiệp với các doanh nghiệp làm thủ tục qua địa bàn. Đồng thời thành lập và hoạt động hiệu quả nhiều mô hình, như: Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc và thủ tục hải quan tại cấp cục và cấp chi cục; tổ hỗ trợ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp; tổ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thủ tục hải quan và đồng hành cùng doanh nghiệp; tổ tư vấn hải quan - doanh nghiệp; tổ giải quyết vướng mắc thuộc lĩnh vực nghiệp vụ...
Cùng với đó, Cục Hải quan tỉnh cũng đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hướng tới hải quan không giấy tờ, trong đó đáng chú ý nhất là việc ban hành và triển khai Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của ngành hải quan. Hiện nay, cùng với các đơn vị hải quan trong cả nước, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhiều nhất với 181 dịch vụ, trong đó có 167 dịch vụ liên quan đến TTHC.
Được biết, Hải quan Quảng Ninh cũng triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN theo đúng lộ trình của Tổng cục Hải quan, giúp giảm thời gian và chi phí trong việc nộp xuất trình hồ sơ của doanh nghiệp với cơ quan hải quan và các bên có liên quan...
Nhờ đó, 10 tháng năm 2022, Cục Hải quan tỉnh đã thu hút gần 1.200 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan qua địa bàn, trong đó có hơn 300 doanh nghiệp trong tỉnh, hơn 800 doanh nghiệp ngoài tỉnh. Các đơn vị ngành hải quan đã giải quyết thủ tục hải quan điện tử qua hệ thống VNACCS/VCIS cho hơn 61.000 tờ khai. Tổng kim ngạch các loại hình XNK đạt hơn 13 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với ngành hải quan, các sở, ngành chức năng của tỉnh cũng đã và đang tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trên chặng đường mới. Thông qua tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp, tỉnh đã phổ biến và triển khai kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn các văn bản hướng dẫn của các ngành chuyên môn; cung cấp hệ thống thông tin cho doanh nghiệp về thị trường, xu hướng công nghệ, môi trường, chính sách và những tác động của chính sách mới tới doanh nghiệp...
Từ đó, giúp doanh nghiệp nắm được các cơ sở pháp lý để định hướng chiến lược kinh doanh, điều chỉnh hoạt động phù hợp với thực tế. Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh đã báo cáo Chính phủ xây dựng kế hoạch và ban hành các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và chủ động xây dựng, ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điển hình như các Nghị quyết số 256/2020/NQ-HĐND, số 286/2020/NQ-HĐND, số 316/2020/NQ-HĐND... về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch, tạo cơ hội để các doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch;...
…đến hỗ trợ doanh nghiệp
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh: Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đang hoạt động và thu hút các doanh nghiệp mới. Với sự đồng hành hỗ trợ hiệu quả đó, mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh đã nhanh chóng tận dụng thời cơ, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, bứt phá vươn lên, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở KH&CN Quảng Ninh: Vừa qua, Sở đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về quản lý đo lường cho 32 học viên là lãnh đạo, cán bộ phụ trách đo lường của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo và hàng đóng gói sẵn. Nội dung tập trung vào hướng dẫn kiểm tra, hiệu chuẩn phương tiện đo dùng trong SXKD tại doanh nghiệp; phân tích thực trạng và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình đảm bảo đo lường; chia sẻ thông tin, kết nối các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm cho doanh nghiệp có nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL, cho biết: Đây là hoạt động được Chi cục tổ chức thường xuyên trong năm. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có hơn 100 lượt doanh nghiệp được tham gia các khóa tập huấn về đo lường, chất lượng. Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn góp phần bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về đo lường cho các cán bộ tham gia hoạt động đo lường tại doanh nghiệp; khắc phục những bất cập về đo lường trong SXKD cũng như triển khai chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ KH&CN.
Được biết, để thực hiện Đề án 966 (ngày 18/8/2018) của Thủ tướng Chính phủ, tháng 2/2020, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ đo lường cho các doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực ưu tiên, như: Công nghiệp công nghệ cao; SXKD than, điện, xăng dầu; công nghệ điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; nông nghiệp công nghệ cao…
Theo lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh: Nhờ sự đồng hành, hỗ trợ chủ động, tích cực, thực chất của tỉnh, đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh có gần 17.700 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký với tổng vốn đạt gần 400.000 tỷ đồng, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động có kê khai thuế. Tính đến tháng 10/2022, toàn tỉnh cũng có hơn 1.900 đơn vị thành lập mới với số vốn đăng ký gần 17.000 tỷ đồng; gần 900 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 17% so cùng kỳ 2021.
Theo ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc KCN DEEP C cho biết, Quảng Ninh có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp. Đây là những điểm mạnh để các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào Quảng Ninh trong tương lai.
Được biết, 9 tháng năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh đã đóng góp ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh hơn 25.000 tỷ đồng (bằng 118% cùng kỳ 2021). Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước đóng góp gần 11.000 tỷ đồng (bằng 109% cùng kỳ 2021); khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp gần 3.500 tỷ đồng (bằng 100% cùng kỳ 2021); khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp trên gần 1.300 tỷ đồng (bằng 113% cùng kỳ 2021).
Có thể bạn quan tâm