Nhằm quyết liệt ngăn chặn chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường vai trò người đứng đầu trong đấu tranh, chống buôn lậu.
>>>Quảng Ninh: Không để ô nhiễm môi trường các cụm công nghiệp
Trách nhiệm người đứng đầu…
Quảng Ninh là địa phương trọng điểm tuyến đầu vừa có đường biên giới trên bộ, trên biển, có các trọng điểm giao thương gồm cửa khẩu quốc tế, quốc gia, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, hệ thống cảng biển. Bên cạnh lợi thế trông thấy, địa bàn sôi động Quảng Ninh cũng đồng thời tạo ra khó khăn, thử thách đối với các ngành, lực lượng, địa phương trên mặt trận chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Theo ông Trần Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết: Việc tăng cường trách nhiệm vai trò người đứng đầu cấp ủy, đơn vị chính là hạt nhân trong công tác lãnh đạo chỉ đạo theo đúng quan điểm của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, vừa chỉ đạo và tập thể Đảng bộ Hải quan tỉnh cũng đã quán triệt thống nhất quan điểm chỉ đạo về trách nhiệm nêu gương chính là phải cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu ở mức độ cao hơn, quyết liệt hơn tại từng địa bàn, lĩnh vực, con người được giao quản lý. Người đứng đầu phải luôn đi trước làm gương, công tác lãnh đạo chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát nêu gương cả về rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống, cũng như giữ gìn danh dự uy tín.
Theo lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh, công tác phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng trên địa bàn trong điều tra, chống buôn lậu cũng được chỉ đạo triển khai chặt chẽ và hiệu quả hơn. Nhờ vậy, hoạt động kiểm soát biên giới và chống buôn lậu của BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong 6 tháng năm 2022, lực lượng Biên phòng đã chủ trì bắt giữ, xử lý 11 vụ; trị giá hàng vi phạm 2,342 tỷ đồng; tiền phạt vi phạm hành chính 357,5 triệu đồng; xử lý hình sự 4 vụ/4 đối tượng.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cho biết: Cục QLTT tỉnh đang đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh và thúc đẩy văn minh thương mại.
Ông Phạm Quang Khuy - Đội trưởng Đội QLTT số 4 cho biết: Tăng cường công tác QLTT trên địa bàn, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó, đặc biệt quan tâm kiểm tra, xử lý đối với các hành vi buôn lậu. Phân công cụ thể địa bàn cho cán bộ, kiểm soát viên; nắm địa bàn, đối tượng, phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng để có phương án đấu tranh hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật tới các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn. Riêng đối với việc chống hàng giả, từ đầu năm đến nay, Đội đã xử lý 27 trường hợp, đạt hơn 200% kế hoạch Cục QLTT tỉnh giao.
“Siết chặt” quản lý
Theo ông Khuy, thời gian tới đơn vị tiếp tục chủ động, phối hợp với các xã, phường, BQL chợ Móng Cái đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng khác trên địa bàn thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát dọc biên giới, đường mòn, lối mở. Trong đó, tập trung kiểm soát tốt hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, không để hình thành điểm nóng, tụ điểm phức tạp về buôn lậu trên địa bàn.
Được biết, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính tập trung đối với các mặt hàng không rõ nguồn gốc, nhập lậu. Đây là đợt tiêu hủy hàng hóa vi phạm thứ 2 năm 2022, do Cục QLTT Quảng Ninh thực hiện. Các loại hàng hóa bị tiêu hủy gồm: Rượu, nước giải khát, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ điện tử… với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng. Trong đó, kít test nhanh trị giá ước 450 triệu đồng, mỹ phẩm trị giá 120 triệu đồng, thuốc lá 400 triệu đồng, đồ điện tử trên 50 triệu đồng…
Toàn bộ hàng hóa tiêu hủy được Cục QLTT tỉnh hợp đồng tiêu hủy với Công ty CP xi măng và xây dựng (xi măng Lam Thạch). Toàn bộ quá trình tiêu hủy được giám sát bởi lực lượng chức năng Cục QLTT.
Theo Cục QLTT tỉnh, đây là những mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường được các Đội Quản lý thị trường các địa phương trong tỉnh kiểm tra, phát hiện, xử phạt và thu giữ.
Hoạt động tiêu hủy nhằm tuyên truyền tới người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân nhân kinh doanh về sự nguy hại của việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó, nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa, đấu tranh bài trừ nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng…
Tính đến hết tháng 10/2022, Cục QLTT Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra 689 vụ, xử lý 561 vụ, 529 đối tượng, 667 trường hợp vi phạm, xử phạt với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng.
Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh: Với mục tiêu "Quản lý được địa bàn, kiểm soát được tình hình và kiềm chế được đối tượng, không để hình thành các đường dây, ổ nhóm, điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Từ nay đến hết năm Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung đấu tranh quyết liệt, hiệu quả nhằm quản lý được địa bàn, kiểm soát được tình hình và kiềm chế được đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và hoạt động kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Các đơn vị cũng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và tạo tác động răn đe, phòng ngừa chung, nhất là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm một cách nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu.
Có thể bạn quan tâm