Quảng Ninh là địa phương có điều kiện để phát triển kinh tế biển, tuy nhiên cũng thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác thủy sản trái phép, nhất là khai thác thủy sản tận diệt.
>>>Quảng Ninh phát huy lợi thế để phát triển kinh tế biển
Quyết liệt…
Để đảm bảo nguồn lợi thủy sản và an ninh trên biển, thực hiện Kế hoạch cao điểm của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh về “Tăng cường phòng, chống nạn khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh”, đơn vị đã quyết liệt ra quân ngăn chặn khai thác thủy sản tận diệt.
Ngày 10/11, trên vùng biển xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái, Đồn BPCK cảng Vạn Gia phối hợp với Hải đội 2, BĐBP tỉnh, đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 5 tàu cá vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Theo Đồn BPCK Vạn Gia, các tàu cá bị bắt giữ đều sử dụng lưới cào khai thác thuỷ sản. Đây là hành vi gây tổn hại nghiêm trọng bề mặt đáy biển, hủy hoại môi trường sống của thủy hải sản. Đơn vị đã yêu cầu các chủ tàu vi phạm thả toàn bộ số thuỷ sản đã khai thác và lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, cũng Hải đội 2, BĐBP tỉnh, liên tiếp phát hiện, xử lý tàu khai thác thủy hải sản tận diệt. Cụ thể, vào đêm 7/11, trên vùng biển Vĩnh Thực, TP Móng Cái, trong quá trình tuần tra kiểm soát, cán bộ chiến sĩ Hải đội 2 đã phát hiện, bắt giữ 5 tàu cá sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy hải sản. Trong đó có 1 tàu không biển kiểm soát do Hoàng Văn Định, sinh năm 1985, hộ khẩu thường trú tại Nga Sơn, Thanh Hóa, điều khiển.
Tiếp đó, rạng sáng ngày 8/11, tại vùng biển huyện Vân Đồn, cán bộ chiến sĩ Hải đội 2 tiếp tục phát hiện, bắt giữ 3 tàu vi phạm khác. Các phương tiện này đều sử dụng lưới cào khai thác sò nhám. Đây là hành vi gây tổn hại nghiêm trọng bề mặt đáy biển, hủy hoại môi trường sống của thủy hải sản. Đơn vị đã lập biên bản, yêu cầu chủ phương tiện vi phạm thả toàn bộ số sò nhám đã khai thác và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Cùng thời gian trên, tại khu vực biển Vịnh Hạ Long, Đội tuần tra số 3 của Hải đội 2 đã phát hiện, bắt giữ 1 tàu có hành vi khai thác thủy sản ở khu vực cấm trên vùng lõi Vịnh Hạ Long. Tàu mang biển kiểm soát QN-1148 TS, trên tàu có 1 thuyền viên là ông Phùng Quang Luật, sinh 1983, trú tại Tân An, TX Quảng Yên, làm thuyền trưởng.
Theo lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP: Vừa qua, Hải đội 2, BĐBP tỉnh Quảng Ninh, đã đồng loạt triển khai 3 đội tuần tra kiểm soát trên các vùng biển Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long. Như vậy chỉ trong đêm ngày 7, rạng sáng ngày 8/11, đơn vị đã bắt giữ 9 vụ/9 phương tiện tàng trữ và sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản. Tính từ đầu năm đến nay, riêng Hải đội 2 đã phát hiện, xử lý 113 phương tiện vi phạm, phạt tiền trên 1,5 tỷ đồng.
Cũng cùng ngày 7/11, Đồn BPCK cảng Vạn Gia: Phát hiện, xử lý 8 phương tiện tàu cá sử dụng ngư cụ cấm để khai thác hải sản. Theo lãnh đạo Đồn BPCK cảng Vạn Gia cho biết, đơn vị vừa liên tiếp phát hiện, xử lý 8 phương tiện tàu cá sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác hải sản.
Cụ thể, vào hồi 3 giờ 00 phút, ngày 7/11/2022, tại vùng biển xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái, Đội TTKS Đồn BPCK cảng Vạn Gia trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát hiện 4 tàu cá đang sử dựng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản (khai thác thuỷ sản bằng hình thức cào đáy bằng khung sắt với tàu có gắn động cơ).
Trước đó, vào hồi 20 giờ 00 phút, ngày 6/11/2022, tại vùng biển xã Vĩnh Trung, TP Móng Cái, Đội tuần tra kiểm soát của Đồn BPCK cảng Vạn Gia cũng đã phát hiện bắt giữ 3 phương tiện mảng gỗ xốp không có biển kiểm soát và 1 tàu cá có biển kiểm soát QN-90005-TS đang sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản (bằng hình thức cào đáy bằng khung sắt với tàu có gắn động cơ).
Trong quá trình bắt giữ 2 phương tiện mảng gỗ xốp không có biển kiểm soát do Lê Văn Hùng và Nguyễn Văn Dũng điều khiển đã có hành vi không hợp tác. 2 đối tượng đã lao phương tiện lên bãi cạn tại khu vực cảng Cái Vĩnh, xã Vĩnh Trung và rời khỏi phương tiện để phản đối. Đơn vị đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương xã Vĩnh Trung tiến hành lập biên bản vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Biện pháp…
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến có buổi kiểm tra thực tế tại cảng cá Cái Rồng (huyện Vân Đồn), và làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc gỡ thẻ vàng của EC về hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Trong bối cảnh diễn biến thế giới phức tạp như hiện nay, nhu cầu về lương thực thực phẩm, trong đó có thủy sản cao, đây là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản. Bởi vậy việc gỡ thẻ vàng của EC về IUU là cần phải quyết liệt, hiệu quả.
Đối với Quảng Ninh việc chống IUU đã thực sự có cải thiện, tuy nhiên kết quả chưa cao như kỳ vọng, vẫn còn những cảnh báo quan trọng chưa đảm bảo điều kiện để gỡ.
Theo ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện nay công tác chống IUU của Quảng Ninh đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã đạt được những kết quả nhất định, song nhìn nhận vẫn có tồn tại cần tiếp tục khắc phục cũng như những khó khăn cần sự hỗ trợ của các đơn vị trung ương, trong đó bao gồm Bộ NN&PTNT.
Cụ thể tỉnh Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng nước ngoài bắt giữ, xử lý. Tính đến ngày 30/9/2022, toàn tỉnh còn 6.415 tàu cá, trong đó tỷ lệ tàu từ 6m trở lên đã được đăng ký, cấp giấy phép khai thác đạt tỷ lệ ngày càng cao.
Riêng 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (219 chiếc) đã lắp thiết bị giám sát hành trình, đồng thời đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản. 100% tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m (556 chiếc) đã ký cam kết an toàn thực phẩm. 4.771/4.771 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên đã cập nhật thông tin vào phần mềm cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia.
Để ngăn chặn tình hình khai thác thủy sản trái phép các cơ quan ban ngành của tỉnh Quảng Ninh phải xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, các quy định về chống khai thác hải sản trái phép (IUU) cho chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân tại địa phương; đặc biệt là chủ tàu có tàu cá vi phạm và có nguy cơ cao vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Có được như vậy mới hạn chế được việc khai thác thủy sản trái phép như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm