Với mục tiêu phát triển kinh tế biển, trong đó nòng cốt là các hoạt động cảng, dịch vụ ven biển, để từng bước đưa Quảng Ninh sớm trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước.
>>>Quảng Ninh mở tuyến vận tải container
Từ vị trí chiến lược…
Với vị trí cửa ngõ ra biển của cả vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du miền núi phía Bắc, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ các dịch vụ chất lượng cao tại các bến cảng, cảng khách, cũng như tập trung khai thác, tận dụng những lợi thế sẵn có để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics, góp phần đưa kinh tế biển trở thành kinh tế mũi nhọn.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Với vai trò là trung tâm kinh tế biển phía Bắc, các cảng biển Quảng Ninh đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa khu vực. Tuy nhiên gần 3 năm qua, tỉnh cũng như nhiều địa phương khác chịu tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, khiến nhiều lĩnh vực suy giảm, ngưng trệ. Trong đó dịch vụ cảng biển chịu ảnh hưởng nặng nề do chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị đứt gãy, các tuyến hàng hải quốc tế buộc phải tạm dừng.
Với mục tiêu không làm đứt gẫy sự phát triển, quyết tâm duy trì mục tiêu tăng trưởng, Quảng Ninh đã bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TU (ngày 23/4/2019) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, với 43 nhiệm vụ, giải pháp, đặt mục tiêu cụ thể để phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển.
Ưu tiên đặc biệt trong giai đoạn này được tỉnh lựa chọn là phát triển đột phá về hạ tầng cảng biển. Theo đó, nhằm nâng công suất tối đa cho các bến cảng hiện hữu, tỉnh thực hiện sắp xếp lại các bến cảng, có lộ trình di dời các cơ sở hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Chỉ đạo rà soát tổng thể các bến cảng hiện hữu, các bến phao neo tại khu vực Con Ong - Hòn Nét. Hệ thống lại các bến cảng, luồng lạch để đánh giá, điều chỉnh quy mô, chức năng phù hợp với định hướng phát triển cảng biển của tỉnh. Đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực cảng biển...
Với nhiều giải pháp đồng bộ, giai đoạn 2019-2021 Quảng Ninh đã thu hút được 9 dự án với tổng mức đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh triển khai đầu tư nhiều dự án động lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng đấu nối đến hệ thống cảng biển Quảng Yên, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái và các KCN, KKT.
Trong đó, hoàn thành và đưa vào khai thác đường nối KCN Cái Lân đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường kết nối đường tỉnh 331 với đường tỉnh 338 (TX Quảng Yên); đường trục chính thứ 2 của KCN Cảng biển Hải Hà; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái…
Được biết, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành kết nối hệ thống một cửa quốc gia (NSW) tại 6/6 chi cục hải quan. Giảm được hơn 1h đối với thời gian làm thủ tục hàng xuất khẩu. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho 160/160 thủ tục hải quan. Trong đó, 100% khu bến được áp dụng triển khai thủ tục hải quan tự động, giảm bớt thời gian cho doanh nghiệp, chủ tàu. Từ đó nhanh chóng tạo sức hút, đến nay các hãng tàu lớn như MAERSK và SITC, hàng hóa vận chuyển bằng container đã chọn Quảng Ninh là điểm đến.
… đến phát triển bền vững
Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Với hơn 250km bờ biển, rộng trên 6.000km2 mặt biển, trên 1.000km2 diện tích hải đảo, Quảng Ninh có hệ thống cảng, bến như: Cái Lân, Cửa Ông, Vạn Gia, Mũi Chùa, khu bến Yên Hưng… có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn, có nhiều tiềm năng khai thác, thuận lợi cho thúc đẩy phát triển ngành vận tải đường biển giữa Việt Nam với các nước trên thế giới..
Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù bị tác động bởi dịch COVID-19, các cơ quan chức năng vẫn duy trì, đảm bảo thực hiện thông suốt các dịch vụ hải quan, cảng vụ, bảo đảm hàng hải; hoạt động XNK hàng hoá bằng đường biển ổn định, đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Thời gian thông quan hàng hoá tiếp tục được rút ngắn hơn so với năm 2019. 100% thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành được thực hiện công khai trên hệ thống một cửa quốc gia; 100% khu bến được áp dụng triển khai thủ tục hải quan tự động theo đúng chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng công nghệ 4.0 để giải quyết thủ tục hành chính.
Đáng kể như đối với dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, trước khi có Nghị quyết 15-NQ/TU, Quảng Ninh có 16 doanh nghiệp tham gia hoạt động bốc xếp hàng hóa từ tàu biển. Năng lực bốc xếp hàng hóa từ tàu biển đạt 10.000-15.000 tấn/ngày. Trong 3 năm, một số doanh nghiệp đã tiếp tục đầu tư trang thiết bị bốc xếp hàng hóa như Công ty TNHH VTB Bạch Đằng, Công ty TNHH Huy Mạnh, Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Quảng Ninh; ngoài ra còn thu hút được một số doanh nghiệp tham gia dịch vụ bốc xếp hàng hóa như Công ty CP Vận tải biển Hải Vân (TP Hồ Chí Minh), HTX Xếp dỡ Thành Lộc (Hải Dương). Qua đó, năng xuất bốc xếp hàng hóa từ tàu biển đạt 20.000 tấn/ngày.
Đến nay có tổng số 19 doanh nghiệp tham gia hoạt động bốc xếp hàng hóa bằng đường biển, tăng 3 doanh nghiệp, trong đó có 9 doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiệm cận với hệ thống bốc xếp hàng hóa trong khu vực.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT), doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, cải tiến quy trình, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa, hoạt động được quản lý trên phần mềm và được giám sát chặt chẽ qua hệ thống camera. Từ năm 2019, CICT đã xây dựng cổng thông tin điện tử dành cho khai thác hàng nông sản; tiếp tục cung cấp dịch vụ logistics chất lượng cho nhà máy Hyundai Thành Công (HTC). Giữ chân tuyến tàu ACS tại Cái Lân, tăng doanh thu cho cảng. CICT đã cung cấp dịch vụ chất lượng và ổn định cho nhiều shipper lớn bao gồm: Cargill (1 trong 4 shipper lớn nhất trong ngành thức ăn chăn nuôi toàn cầu), Crossland, Enerfo, Cofco...
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh: Năm 2022, mục tiêu giai đoạn 2022-2025 tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt 11,5-12%, đóng góp của kinh tế biển vào cơ cấu GRDP của tỉnh đạt 22-23%; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế với 13,286 triệu lượt khách du lịch biển, đảo đến Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn - Cô Tô; tổng thu từ du lịch 71.737 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 17,5%/năm; chú trọng phát triển dịch vụ cảng hành khách, cảng hàng hóa, mở rộng hạ tầng cảng biển, nhất là khu dịch vụ hậu cần sau cảng…
Theo đại diện một số chuyên gia và hãng tàu, để cảng biển trở thành mũi nhọn của nền kinh tế, trong giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch, Quảng Ninh cần nhận diện rõ những khó khăn, tồn tại, đánh giá khách quan những mặt tích cực, hạn chế để phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Song song với đó, cần phải có những giải pháp nhằm kích cầu hàng hóa; tiếp tục nâng cao chất lượng, dịch vụ cảng biển, nâng cao năng lực quản lý, khai thác tối đa công suất các bến cảng hiệu hữu.
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án bến cảng tổng hợp. Phát triển các dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại khu neo đậu, chuyển tải hàng hóa và dịch vụ kho bãi phục vụ hàng tổng hợp. Xây dựng các trung tâm logistics thúc đẩy thu hút dịch vụ hàng hóa trong và ngoài tỉnh qua cảng.
Sự quan tâm đầu tư, phát triển các dịch vụ tại Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, cũng như hoạt động sôi động hơn của các dịch vụ logistics tại các cảng hàng hóa là những chuyển biến tích cực, thể hiện sự nỗ lực và kiên định của Quảng Ninh trong việc phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, mặc dù được thực hiện trong những năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, với nhiều khó khăn và thách thức.
Đây cũng là một trong những tiền đề để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các dự án phát triển dịch vụ cảng nói chung và kinh tế biển nói riêng trong thời điểm hiện tại, góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm