"Xanh hóa" những mảng nâu
Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, xanh hóa những mảng nâu là mục tiêu chiến lược của Quảng Ninh nói chung và của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nói riêng trong quá trình phát triển.
>>>Quảng Ninh: Nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp
Từ lấy đất đá thải mỏ để san lấp các công trình...
Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV): Trong 5 năm gần đây, hàng nghìn héc ta bãi thải của TKV được xanh hóa; hệ thống nước thải, bụi và tiếng ồn ngày càng được xử lý đồng bộ, giảm thiểu mức thấp nhất. Đặc biệt, nhiều khai trường, nhà máy xây dựng theo mô hình “mỏ xanh - mỏ sạch - mỏ hiện đại”. Đây là những giải pháp quyết liệt của TKV trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.
Hiện nay, lượng đất đá bóc xúc, đổ thải của TKV đạt trên 150 triệu m³/năm. Trong quá trình khai thác than lộ thiên hàng chục năm qua TKV đã bóc xúc, đổ đất đá thải ra các bãi thải trên 1 tỷ m³ với diện tích chiếm đất rất lớn. Lượng đất đá này một phần để lấp lại những moong khai thác, cải tạo các tầng thải và phục hồi môi trường. Phần còn lại có thể khai thác, chế biến, sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng.
Trong khi đó hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm rất lớn. Trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh cần khoảng 130 triệu m³ đất đá làm vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vật liệu san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh đăng ký khoảng 1 tỷ m³.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế và khai thác giá trị gia tăng sau khi khai thác mỏ, cuối tháng 9/2020, TKV đã giao cho Công ty Chế biến Than Quảng Ninh lập quy hoạch các khu vực bãi thải đất đá từ quá trình khai thác và chế biến than có thể sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Từ cuối năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Ninh cùng với TKV và Công ty Chế biến Than Quảng Ninh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn tất các thủ tục đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để được khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp.
Từ những ý tưởng đó, mới đây tại mặt bằng bãi thải Nam Suối Lại (Công ty Than Hòn Gai), Công ty Chế biến Than Quảng Ninh tổ chức lễ khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp. Đây là dự án khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép
Được biết, sau lễ khởi động, dự kiến Công ty Chế biến Than Quảng Ninh sẽ cung cấp đất đá thải phục vụ một số dự án, công trình trên địa bàn tỉnh như: Cầu Cửa Lục 3, Khu đô thị ngành Than và một số dự án của Tập đoàn Vingroup.
Việc sử dụng đất đá thải mỏ sẽ góp phần giảm độ cao, diện tích chiếm dụng đất của các bãi thải. Đồng thời giảm khai thác, sử dụng các đồi đất tự nhiên, hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường xung quanh. Đây là hướng đi phù hợp với mô hình chuyển đổi kinh tế từ "nâu" sang "xanh" của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời giúp TKV giải quyết khó khăn về diện đổ thải, giảm bớt chi phí bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.
…đến chiến lược phát triển xanh
Theo lãnh đao TKV, hiện toàn TKV có 45 đơn vị trực hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh với gần 80.000 lao động. Riêng khối sản xuất than có 17 công ty khai thác than (4 đơn vị lộ thiên và 13 đơn vị hầm lò). Sản lượng than khai thác của các đơn vị đạt khoảng 39 đến 40 triệu tấn, chiếm trên 95% tổng sản lượng khai thác than toàn TKV. Hoạt động khai thác than của TKV đóng góp lớn vào mục tiêu tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Tuy nhiên trong quá trình khai thác than không thể tránh khỏi những tác động xấu đến môi trường xung quanh, nhất là các mỏ lộ thiên. Trong khi đó, hoạt động sản xuất than của TKV trải dài từ vùng Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí và Đông Triều. Để giảm thiểu tối đa hoạt động sản xuất than đến môi trường, TKV luôn quan tâm thực hiện công tác môi trường, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Theo lãnh đạo Công ty CP Than Hà Tu (TKV): Công ty là đơn vị sản xuất than lộ thiên duy nhất ở địa bàn TP Hạ Long. Mỏ than Hà Tu được TKV xác định là một trong 5 khu vực cần có phương án bảo vệ môi trường tổng thể. Để đảm bảo an toàn môi trường bền vững, Công ty đầu tư nhiều dự án bảo vệ môi trường; có giải pháp khắc phục môi trường phát sinh trong quá trình sản xuất. Năm 2021, Công ty CP Than Hà Tu đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường tổng thể và được TKV phê duyệt, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030, tổng giá trị trên 171,5 tỷ đồng.
Đến nay, Công ty đã đầu tư đưa vào sử dụng 6 hệ thống phun sương dập bụi dạng quạt cao áp, trong đó có 2 hệ thống di động và 4 hệ thống cố định; đầu tư và đưa vào sử dụng 1 xe tưới nước chuyên dụng công suất lớn CAT 773E phục vụ công tác tưới đường dập bụi trong khai trường sản xuất.
Ngoài ra, đơn vị đã hoàn thành công tác trồng cây phục hồi môi trường ở khu vực bãi thải Chính Bắc, với tổng diện tích gần 18ha và bãi thải Nam Lộ Phong, diện tích 50ha.
Được biết, trong năm 2022, TKV tập trung bảo vệ môi trường tại 5 khu vực trọng điểm: Bãi thải Bàng Nâu (Công ty CP Than Cao Sơn), mỏ than Hà Tu (Công ty CP Than Hà Tu), cảng Làng Khánh (Công ty Tuyển than Hòn Gai), nhà máy tuyển than và cảng Cửa Ông (Công ty Tuyển than Cửa Ông), cảng Km6 (Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả).
Hiện, các đơn vị tích cực triển khai các phương án, đề án bảo vệ môi trường theo kế hoạch. Trong đó, bãi thải Bàng Nâu hiện nay đang được Công ty CP Than Cao Sơn triển khai khá tốt việc kiểm soát môi trường, thi công và trồng cây cải tạo phục hồi môi trường theo phương án các tầng thải vành đai +50, +80 và tiến độ đầu tư lắp đặt hệ thống cung cấp nước, các máy phun sương dập bụi cao áp tại các tầng thải theo phương án.
Năm 2022, TKV bố trí hơn 260 tỷ đồng đầu tư hơn 50 công trình trọng điểm liên quan đến bảo vệ môi trường. Đến nay, các công trình chủ yếu xây đập, kè phòng chống mưa bão, hoàn nguyên bãi thải, cây xanh... đã hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả sau đầu tư. TKV đang nhân rộng mô hình đưa công viên vào nhà máy theo tiêu chí “mỏ xanh - mỏ sạch - mỏ hiện đại”.
Đặc biệt, TKV đang hướng tới tái sử dụng nước thải mỏ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao chuỗi giá trị khai thác khoáng sản của Tập đoàn. Dự kiến, giai đoạn 2022-2025, TKV triển khai thí điểm phương án tái sử dụng nước thải mỏ vùng Hòn Gai giai đoạn sau khi kết thúc khai thác moong Suối Lại 917 (Công ty Than Hòn Gai).
Có thể bạn quan tâm