Ưu tiên doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp văn hóa
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng thu hút các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đầu tư vào lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hoá là hết sức quan trọng.
>>Logistics xanh là đòi hỏi và xu hướng tất yếu
Ngày 26/11, Diễn đàn toàn quốc “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022” với chủ đề: “Công nghiệp văn hóa, Du lịch và Phát triển địa phương” được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tổ chức tại Quảng Nam.
Bỏ ngỏ tiềm năng
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay trong nền kinh tế thị trường, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực biểu hiện tập trung của mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa. Tại đây thể hiện là một ngành công nghiệp văn hoá và hệ sinh thái văn hoá, tạo giá trị gia tăng trong hưởng thụ của người dân, sự tích hợp về đời sống vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của các tầng lớp nhân dân.
“Phát triển lĩnh vực này giúp chuyển hoá nguồn tài nguyên mềm văn hoá thành những sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lan tỏa sức mạnh mềm, di sản và đặc trưng văn hoá của mỗi địa phương, mỗi vùng kinh tế và quốc gia. Qua đó, làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, thực sự trở thành một trụ cột năng động trong sự phát triển của nền kinh tế”, ông Thắng chia sẻ.
Cũng theo vị này, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác, nhưng lại là ngành có nhiều dư địa phát triển. Theo đó, có thể phát triển nhanh, nhất là khi nước ta đã bước qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, gia tăng tầng lớp trung lưu, tạo ra nhu cầu thị trường lớn đối với các sản phẩm văn hóa, giải trí và du lịch.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nhận định tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết. Trong đó, các dư địa về mặt cơ chế, chính sách, nhất là những cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, còn nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí chưa có. Ngoài ra là sự phát triển vẫn chậm, chưa đều, chưa thật sự bền vững và đồng bộ tại các địa phương.
“Một số tỉnh có những di sản văn hoá - thiên nhiên quý giá, những di tích lịch sử cách mạng, lại vẫn chỉ là những tỉnh nghèo trong cả nước, khoảng cách phát triển với những tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp đang ngày càng dãn ra. Các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải xuất phát từ thực tiễn, tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của địa phương. Vì vậy, cần bảo đảm “tính đúng, tính đủ” các giá trị văn hoá, cả những giá trị vô hình và hữu hình, trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế…”, ông Thắng nói thêm.
Ưu tiên doanh nghiệp tham gia
Thông tin với Diễn đàn, Bộ Trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng sản phẩm công nghiệp văn hóa là cầu nối ngắn nhất quảng bá hình ảnh quốc gia, địa phương ra thế giới. Cùng với đó là thu hút du khách quốc tế đến với các quốc gia, địa phương thông qua du lịch như nền công nghiệp điện ảnh.
“Tại Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hoá cũng đã bước đầu tạo ra các hiệu ứng du lịch, gia tăng giá trị thương hiệu của địa phương. Đặc biệt, tham gia vào việc tái tạo các thành phố, cải thiện cuộc sống đô thị. Các ngành công nghiệp văn hoá đang thực sự trở thành tâm điểm của nền kinh tế. Các địa phương nếu phát huy được vai trò của các ngành công nghiệp những văn hoá sẽ góp phần đa dạng hoá cơ cấu các ngành nghề trong cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững”, Bộ trưởng Hùng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cần lấy người dân địa phương làm chủ thể chính để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá tại địa phương. Bởi người dân địa phương là người tạo ra, kế thừa và phát huy vốn văn hoá của địa phương mình. vì vậy, việc nâng cao nhận thức, mở rộng sự hiểu biết của cộng đồng địa phương cách thức tham gia vào các ngành công nghiệp văn hoá là hết sức cần thiết.
Đồng thời, các địa phương cũng cần chú ý đến việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến văn hoá sáng tạo để có thể biến tiềm năng trở thành động lực trong phát triển của địa phương mình. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hoá còn tương đối eo hẹp, việc thu hút các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đầu tư vào các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hoá là hết sức quan trọng.
“Nó không chỉ cung cấp thêm vật lực mà còn tạo động lực mới cho các lĩnh vực được đầu tư. Cần thêm sự liên kết giữa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với du lịch, trong đó có du lịch văn hóa, các địa phương cần coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa công nghiệp văn hoá và lĩnh vực du lịch với cách tiếp cận. Công nghiệp văn hoá là động lực để phát triển du lịch, du lịch văn hóa là một bộ phận cấu thành các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”, vị nhày khẳng định.
Theo các chuyên gia, du lịch là cơ sở để thúc đẩy công tác giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hoá - nguồn tư liệu của các ngành công nghiệp văn hoá. Trên cơ sở đó, địa phương cần tăng cường tính liên kết giữa các ngành, các vùng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc phát triển công nghiệp văn hoá.
Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy số hoá các ngành công nghiệp văn hoá địa phương. Cùng với sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong nền kinh tế, các ngành công nghiệp văn hoá cũng đang có quá trình số hoá phương thức sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hoá văn hoá đến người tiêu dùng. Số hoá tạo nên sự thay đổi về chất trong các ngành công nghiệp văn hoá.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò chủ động của các địa phương trong xây dựng chương trình và kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các chủ trương, chính sách và giải pháp phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Từng bước đảm bảo phát huy tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa của mỗi địa phương để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Diễn đàn “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022” quy tụ đại diện lãnh đạo từ hơn 50 tỉnh, thành phố và các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận vấn đề và giải phát phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch gắn với phát triển địa phương. Đây là kênh đối thoại về các vấn đề phát triển địa phương, cập nhật những thành tựu và khó khăn trong công tác lãnh đạo địa phương và hợp tác liên kết vùng, vì mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội địa phương, tạo động lực cho sự cất cánh phát triển trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045. |
Có thể bạn quan tâm