Thị trường hậu cần thương mại điện tử: Cuộc chạy đà của những “đại gia”
Hai trong số những “ông lớn” trong lĩnh vực logistics toàn cầu đang tìm cách thâm nhập thị trường hậu cần thương mại điện tử Việt Nam.
>>>Thương vụ sáp nhập Maersk và LF Logistics lên tới 3,6 tỉ USD
Các đại gia chạy "rốt-đa"...
Mới đây, giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Maersk, hãng vận tải container lớn nhất thế giới, Ditlev Blicher đã có mặt tại Việt Nam, chỉ ba tháng sau khi công ty Đan Mạch bỏ ra 3,6 tỷ USD để mua lại LF Logistics, một công ty hậu cần theo hợp đồng có trụ sở tại Hồng Kông, có năng lực cao cấp trong các dịch vụ thương mại điện tử đa kênh và vận tải nội địa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo phát biểu của Ditlev Blicher, với chuyên môn về đơn hàng đa kênh của LF Logistics, Maersk sẽ có vị thế tốt hơn trên thị trường thương mại điện tử toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ông cũng nói thêm rằng, Maersk đang có kế hoạch cung cấp dịch vụ giao hàng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). Ngoài ra, công ty cũng có thể sẽ bắt tay với các nền tảng thương mại điện tử để xử lý các đơn hàng tại thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, Maersk ở Châu Á trước đây chủ yếu tập trung vào vận tải đường biển và các dịch vụ hậu cần liên quan. Họ vận chuyển và quản lý hàng hóa sản xuất tại châu Á cho thị trường tiêu dùng phương Tây và xa hơn nữa. Còn LF Logistics là một công ty chuyên về các giải pháp phân phối B2B và B2C trong lĩnh vực bán lẻ, bán buôn và thương mại điện tử. Họ đang điều hành một mạng lưới châu Á rộng lớn và là đối tác chuỗi cung ứng được lựa chọn cho các công ty muốn phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chính vì vậy, khi bổ sung LF Logistics vào hệ sinh thái của mình, Maersk đã có được năng lực độc nhất và tốt nhất trong phân khúc để phục vụ các thị trường tiêu dùng quan trọng và đang phát triển nhanh ở châu Á. Hơn nữa, chuyên môn của LF Logistics trong việc thực hiện đơn hàng đa kênh giúp Maersk có vị thế tốt trong thị trường thương mại điện tử toàn cầu.
Trong khi đó, “ông lớn” chuyển phát nhanh FedEx của Mỹ cũng đang tìm cách thâm nhập thị trường hậu cần thương mại điện tử Việt Nam. Theo đó, FedEx đang tích hợp các dịch vụ của mình với các nền tảng thương mại điện tử để cho phép các nhà bán lẻ trực tuyến sử dụng chúng mà không cần rời khỏi nền tảng.
Hardy Diec, giám đốc điều hành của FedEx Express Đông Dương, cho biết trong tương lai thương mại điện tử sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa ở Việt Nam. Đầu tháng này, FedEx đã khai trương một trung tâm điều hành mới trị giá 2 triệu USD tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Việt Nam sẽ là một trong 10 quốc gia hàng đầu của FedEx về tăng trưởng khối lượng thương mại trong 5 năm tới.
>>>Hải Phòng thúc đẩy đầu tư với Hà Lan trong lĩnh vực cảng biển, logistics
>>>Cần “sếu đầu đàn” dẫn dắt ngành logistics
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Theo một báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho biết, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế số cao nhất Đông Nam Á từ năm 2022 đến 2025. Theo đó, tổng khối lượng hàng hóa kỹ thuật số của Việt Nam có khả năng đạt 23 tỷ USD vào năm 2022 và 32 tỷ USD vào năm 2025.
Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Allied Market Research, thị trường chuyển phát nhanh của Việt Nam dự kiến trị giá 4,88 tỷ USD vào năm 2030 với mức tăng trưởng kép 24,1% hàng năm, với sự phát triển của thương mại điện tử là một trong những động lực chính.
Có ít nhất khoảng 86% số người tiêu dùng Việt Nam sẽ duy trì hoặc tăng cường mua sắm trực tuyến trong tương lai, theo một khảo sát của Redseer1. Mặc dù, tỷ lệ dịch vụ logistics nội bộ (inhouse logistics) ngày càng được các công ty chú trọng nhưng các dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL) cũng được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Hiện tại, trên thị trường hậu cần thương mại điện tử Việt Nam, ngoài những cái tên nội địa như VNPost, Viettel Post, AhaMove..., các “ông lớn” quốc tế như Grab, Gojek hay là LalaMove cũng đang là những tay chơi chủ chốt và có những thị phần to lớn.
Mới đây nhất, các công ty logistics đang tìm mọi cách mở rộng dịch vụ và hạ giá. Tháng này, Lazada Logistics thông báo sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ giao hàng đa kênh cho các cửa hàng trực tuyến, trong khi J&T Express cũng đã thông báo cắt giảm 10-20% cước vận chuyển.
Giờ đây, với sự tham gia của hai trong số những đại gia lớn nhất trong lĩnh vực logistics toàn cầu như là Maersk và FedEx, có lẽ thị trường hậu cần thương mại điện tử Việt Nam đã cạnh tranh nhiều sẽ lại càng thêm khốc liệt. Tuy nhiên, điều đó cũng đã cho thấy sức hút và sự phát triển của lĩnh vực hậu cần thương mại điện tử của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao May Sông Hồng muốn “lấn sân” sang mảng logistics?
05:00, 29/11/2022
Tìm giải pháp phát triển logistics xanh
02:06, 28/11/2022
Đề xuất 7 giải pháp phát triển ngành logistics trong bối cảnh mới
13:07, 26/11/2022
Giải bài toán liên kết phát triển logistics "tam giác động lực phía Bắc"
11:32, 26/11/2022