BYD và những toan tính mới tại Việt Nam
Trong xu hướng đa dạng hóa sản xuất và mở rộng ra toàn cầu, nhà sản xuất xe điện BYD đang có những toan tính mới tại Việt Nam.
>>>"Vua pin xe điện" - Người nắm giữ tương lai của Tesla tại Trung Quốc
Theo hãng thông tấn Reuters mới đây đưa tin, trong một động thái làm giảm sự phụ thuộc của công ty vào Trung Quốc và tăng cường chuỗi cung ứng của mình ở Đông Nam Á cũng như một phần kế hoạch mở rộng toàn cầu, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Việt Nam để sản xuất phụ tùng xe hơi.
Khoản đầu tư vào miền Bắc Việt Nam sẽ vượt quá 250 triệu USD, một nguồn tin cho biết, nhằm mở rộng sự hiện diện của công ty mẹ BYD tại đây, nơi đơn vị điện tử của công ty này đang sản xuất các tấm pin mặt trời.
Hiện chưa rõ BYD sẽ chế tạo những bộ phận nào tại Việt Nam và liệu có bao gồm việc sản xuất pin hay không. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết công ty đang tìm cách thuê 80 ha đất công nghiệp, tăng hơn gấp đôi diện tích hiện tại của họ tại Việt Nam. Theo Reuters, kế hoạch này nhằm phục vụ thị trường địa phương, chủ yếu thông qua các dịch vụ bảo trì và phụ tùng thay thế cho xe BYD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bằng cách đầu tư vào Việt Nam, BYD đang tìm cách bổ sung công suất, kiểm soát chi phí và đa dạng hóa sản xuất từ các hoạt động tại Trung Quốc, nơi có nhu cầu rất lớn. Bên cạnh đó, động thái này cũng nhấn mạnh xu hướng rộng lớn hơn của các nhà sản xuất trong việc giảm tiếp xúc với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ và sự gián đoạn sản xuất do các đợt phong tỏa COVID-19 của Bắc Kinh gây ra.
Trước đó, các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Apple và các nhà cung cấp của họ, chẳng hạn như Foxconn và Luxshare của Trung Quốc, cũng đang tìm kiếm các trung tâm sản xuất thay thế, với Việt Nam là một trong những lựa chọn chính.
>>>“Xanh hóa” môi trường bằng xe điện
>>>Xe điện VinFast xuất khẩu sang thị trường Mỹ
BYD – Chân dung kẻ thách thức Tesla
BYD, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc được thành lập vào năm 1995 bởi doanh nhân Wang Chuanfu. BYD, cái tên viết tắt của cụm từ “xây dựng ước mơ của bạn”, đã từng nhận được sự hậu thuẫn của “nhà hiền triết xứ Omaha” Warren Buffett. Năm 2003, công ty đã chuyển từ vị trí là nhà sản xuất pin điện thoại di động trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực ô tô.
Mặc dù, BYD ít nhận diện thương hiệu ở bên ngoài Trung Quốc, nhưng những con số đang nói lên tất cả, họ đã bán được hơn 641.000 xe trong nửa đầu năm 2022, vượt qua “gã khổng lồ” trong ngành là Tesla với 564.743 xe trong nửa đầu năm 2022. Gần nhất, BYD đã soán ngôi Tesla của Elon Musk với tư cách là nhà sản xuất ô tô chạy bằng pin phổ biến nhất trên thị trường, theo một báo cáo từ Financial Times.
Trên thực tế, tham vọng trở thành cường quốc xe điện của Trung Quốc cũng đã hỗ trợ sự trỗi dậy của BYD. Bắc Kinh đã rót hàng tỷ đô la vào các công ty sản xuất pin và xe điện để nghiên cứu các giải pháp thay thế cho động cơ đốt trong cùng với các khoản trợ cấp và giảm thuế để khuyến khích sử dụng các phương tiện có lượng khí thải thấp.
BYD, công ty có thành tích đã được chứng minh là nhà sản xuất pin điện thoại di động cho các công ty như Motorola, là một trong những người hưởng lợi chính từ dòng tiền đó. Sự hỗ trợ của Bắc Kinh đã giúp BYD chuyển hướng sang xe điện vào cuối những năm 2000, vào thời điểm đó, hãng đã trở thành một công ty lớn trong lĩnh vực xe chạy bằng xăng sau khi mua lại nhà sản xuất ô tô nhà nước Tsinchuan.
Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng sẽ là một sai lầm nếu coi thành công của BYD là do sự hỗ trợ của chính phủ hoặc do sự may mắn. Có một phân tích đã chỉ ra rằng, thành phần chi phí cao nhất trong xe là pin. Vì vậy, nếu khởi đầu là một công ty sản xuất pin, sau đó trở thành một công ty xe điện, công ty đó sẽ có thể thống trị chuỗi cung ứng. Cả Tesla và BYD đều có chuỗi cung ứng pin tích hợp theo chiều dọc mang lại lợi thế cạnh tranh cho họ, trong khi những người chơi truyền thống lại phụ thuộc vào các công ty khác để sản xuất pin cho họ.
Tuy nhiên, cũng theo các nhà phân tích, thử thách tiếp theo của BYD sẽ là việc thâm nhập thị trường nước ngoài. Sau nhiều năm bán xe buýt điện tại các thị trường hàng đầu, bao gồm Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, nhà sản xuất ô tô này đã đặt mục tiêu chuyển xe hơi của mình ra nước ngoài. Năm ngoái, công ty đã công bố kế hoạch thâm nhập thị trường Nhật Bản vào năm 2023, sau những bước đột phá gần đây vào Úc, Singapore, Na Uy và Hà Lan.
Có lẽ vậy, nên kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Việt Nam mới đây có thể được coi là một động thái vừa làm giảm sự phụ thuộc của công ty vào Trung Quốc và cũng là cách để tăng cường chuỗi cung ứng của mình ở Đông Nam Á cũng như một phần kế hoạch mở rộng toàn cầu của nhà sản xuất xe điện BYD.
Có thể bạn quan tâm
Chân dung người “đánh bại” Elon Musk
04:00, 08/10/2022
Cuộc chạy đua thành 'Tesla thứ 2' khó nhằn của các startup xe điện
02:29, 11/09/2022
Tesla lại sai hẹn
04:08, 16/01/2022
Bộ đôi xe điện VinFast lần đầu cùng vào Top 10 xe bán chạy nhất thị trường
11:09, 12/01/2023
“Xanh hóa” môi trường bằng xe điện
07:54, 09/01/2023