Chìa khóa để doanh nghiệp phát triển bền vững

HẠNH LÊ 21/01/2023 03:45

Chỉ có tăng năng suất lao động, doanh nghiệp mới có thể trả lương cao cho người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm.

>>>Tháo gỡ điểm nghẽn năng suất lao động

Bà Đặng Thị Thu Hoài - chuyên gia nghiên cứu về năng suất lao động của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: năng suất lao động không chỉ là động lực tăng trưởng dài hạn mà còn liên quan mật thiết đến đến thị trường lao động, chế độ phúc lợi của người lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Nhiều năm nghiên cứu về năng suất lao động, theo TS. Đặng Thị Thu Hoài cho biết: trước khi dịch COVID - 19 xuất hiện, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình đạt 6% cao hơn mức 4% của giai đoạn trước đó. Đây là kết quả từ những nỗ lực, linh hoạt trong điều hành, đầu tư mở rộng thị trường của doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò rất lớn của xuất khẩu vốn là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế cao chưa tỷ lệ thuận với tăng năng suất lao động (ảnh minh hoạ)

Tăng trưởng kinh tế cao chưa tỷ lệ thuận với tăng năng suất lao động (ảnh minh hoạ)

“Tuy nhiên, những năm gần đây, qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng tốc độ tăng năng suất lao động không đạt mục tiêu đặt ra. Một trong những nguyên nhân là giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc làm sụt giảm nhiều, xuất khẩu bị ảnh hưởng. Vì vậy, trong thời gian tới, nếu không có biện pháp để tăng năng suất, tôi cho là mục tiêu tăng trưởng khó đạt được, chưa nói đến vấn đề phúc lợi của người lao động và lớn mạnh của doanh nghiệp” - TS. Đặng Thị Thu Hoài cho hay.

Bên cạnh đó, từ những nghiên cứu, TS. Đặng Thị Thu Hoài cũng nhấn mạnh thêm một số vấn đề quan trọng khác liên quan. Đó là vai trò của tăng năng suất ngành công nghiệp chế biến chế tạo đối với tăng năng suất toàn bộ nền kinh tế có xu hướng giảm dần. Khoảng cách của mức tăng năng suất ngành chế biến chế tạo so với mức tăng năng suất trung bình của cả nước đang giảm từ 1,2 lần xuống còn 1,09 lần.

Điều này có nghĩa là tiếp tục xu hướng phát triển như hiện nay, chủ yếu là gia công, phụ thuộc nguyên liệu đầu vào vừa phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu thì đóng góp của ngành chế biến chế tạo vào tăng năng suất giảm dần. Hình thức tham gia chuỗi giá trị chưa có tác động nhiều đến tăng năng suất.

Do vậy, theo TS. Đặng Thị Thu Hoài, các doanh nghiệp, ngành hàng cần có sự năng động chuyển dịch theo nhu cầu thị trường. Trên thị trường xuất hiện mặt hàng có nhu cầu cao hơn, khu vực sản xuất cần thay đổi để nắm bắt cơ hội và mở rộng sản xuất theo hướng đó. Thứ hai, theo nghiên cứu của TS. Đặng Thị Thu Hoài, cần có sự chuyển dịch theo nấc thang cao của chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ, phát triển thị trường cao cấp hơn, không dừng lại ở mặt hàng truyền thống. Đó là những yếu tố có thể thúc đẩy tăng năng suất trong thời gian tới.

Về vai trò của đầu tư nước ngoài với việc tăng năng suất lao động. Hiện nay, khoảng cách năng suất giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước là khá lớn, khoảng 1,2 - 1,6 lần.

Các doanh nghiệp, ngành hàng cần có sự năng động chuyển dịch theo nhu cầu thị trường và nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị

Các doanh nghiệp, ngành hàng cần có sự năng động chuyển dịch theo nhu cầu thị trường và nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị

Một trong những nguyên nhân là doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ, yếu về tiềm lực tài chính, nhân lực, công nghệ nên khó có điều kiện kết nối với doanh nghiệp FDI tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia vào xuất khẩu để tăng năng suất. “Sức khoẻ” yếu cũng khiến doanh nghiệp khó có thể cải tiến công nghệ, mở rộng công nghệ.Tất cả yếu tố trên sẽ kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.

Từ thực tế trên, TS. Đặng Thị Thu Hoài cho rằng, rất cần vai trò của Nhà nước và nâng cap hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân để chính sách đến đúng đối tượng, tác động vào doanh nghiệp, qua đó nâng cao trình độ người lao động, năng lực công nghệ.

“Trong thời gian tới xu hướng của năng suất hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta có tận dụng được cơ hội để vượt qua được thách thức đặt ra hiện nay. Cơ hội về kinh tế số có tác động lớn đến tăng năng suất theo nghiên cứu, có thể tăng năng suất các ngành từ 16%, thậm chí có ngành tăng 50%. Cần có chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, tận dụng cơ hội công nghệ 4.0 đem lại” - TS. Đặng Thị Thu Hoài kiến nghị.

Ngoài ra, cần có các giải pháp đủ mạnh để gỡ các nút thắt tăng năng suất lao động như nút thắt về nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng kết nối địa phương và phát triển thị trường lao động. Trong đó, then chốt là khả năng linh hoạt nhiều hơn tận dụng cơ hội, ứng phó sự thay đổi trên thị trường tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định mà khó phỏng đoán được. 

Có thể bạn quan tâm

  • Năng suất lao động đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình cao

    Năng suất lao động đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình cao

    20:16, 17/01/2023

  • Giải pháp nâng cao năng suất lao động

    Giải pháp nâng cao năng suất lao động

    19:12, 17/01/2023

  • Năng suất lao động tại Việt Nam cần được cải thiện đồng đều

    Năng suất lao động tại Việt Nam cần được cải thiện đồng đều

    20:12, 10/12/2022

  • Tăng năng suất lao động: Bắt

    Tăng năng suất lao động: Bắt "bệnh" để "điều trị"

    04:00, 15/08/2022

  • Năng suất lao động là thách thức lớn nhất của top 500 doanh nghiệp tư nhân

    Năng suất lao động là thách thức lớn nhất của top 500 doanh nghiệp tư nhân

    01:00, 14/08/2022

  • Năng suất lao động “níu giữ” nền kinh tế

    Năng suất lao động “níu giữ” nền kinh tế

    11:30, 29/05/2022

  • Kích hoạt “lò xo” năng suất lao động

    Kích hoạt “lò xo” năng suất lao động

    04:00, 01/05/2022

HẠNH LÊ