Tiêu dùng ASEAN: (Kì 1) Phép lạ đến từ người tiêu dùng
Tiêu dùng sẽ đi đâu về đâu trong năm 2023 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm lạm phát, chính sách tài khóa, tâm lý người tiêu dùng, sự phục hồi của thị trường lao động và tỷ lệ tiết kiệm.
>>Nâng tầm du lịch Việt Nam trong khu vực ASEAN
Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC vừa có báo cáo “ASEAN Perspectives – Liệu tiêu dùng có trụ vững?” cập nhật các thông tin liên quan đến tăng trưởng tiêu dùng của ASEAN trong năm 2023.
Cụ thể, HSBC cho rằng, năm 2022 là một năm ấn tượng cho sự bùng nổ của tiêu dùng cá nhân. Sau khi mở cửa trở lại trên diện rộng, nhu cầu bị dồn nén bấy lâu đã được giải phóng khi người tiêu dùng đổ xô quay trở lại các trung tâm mua sắm, ăn uống bên ngoài nhiều hơn và đi du lịch vào dịp nghỉ lễ.
Khác với giai đoạn trong đại dịch, động lực tăng trưởng của ASEAN đã chuyển sang nhu cầu bùng nổ trong nội địa sau khi những khó khăn về thương mại toàn cầu gia tăng. Thật vậy, mặc dù các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, chẳng hạn như Singapore và Việt Nam, đã cảm nhận được tác động, nhưng tương tự như các nước khác trong khu vực, các nền kinh tế này cũng đã được hưởng lợi đáng kể nhờ những thuận lợi từ việc mở cửa trở lại. Mặc dù chúng tôi dự báo tăng trưởng sẽ giảm tốc trên toàn khu vực (ngoại trừ ở Thái Lan) vào năm 2023, nhưng tiêu dùng sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng tiêu dùng có thể chậm lại phần nào do hiệu ứng cơ sở.
Không ngạc nhiên khi tiêu dùng cá nhân là thành phần đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng trên toàn ASEAN. Ngoại trừ Indonesia, chi tiêu hộ gia đình ở các nước đã phục hồi với tốc độ mạnh mẽ hơn so với trước đại dịch. Điều này đúng ngay cả đối với Thái Lan, nơi mà GDP vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch. Đặc biệt, Malaysia và Singapore nổi bật với mức tăng trưởng hai con số trong chi tiêu. Trường hợp của Singapore thậm chí còn ấn tượng hơn nếu xét đến sự phục hồi trước đó. Philippines và Việt Nam lần lượt cũng đã chứng kiến sự phục hồi ấn tượng trong tiêu dùng.
Doanh số bán lẻ tại Malaysia và Việt Nam đạt mức cao hơn khoảng 20% so với trước đại dịch, tiếp theo là Thái Lan, Philippines và Singapore, nơi doanh số bán lẻ đã phục hồi như mức trước khi đại dịch xảy ra. Một chỉ số khác cần theo dõi là chi tiêu cho các mặt hàng giá trị cao. Nhìn vào Biểu đồ 5 sẽ thấy đà tăng doanh số bán ô tô đã mạnh mẽ trở lại ở Malaysia và Indonesia, còn ở Singapore thì liên tục giảm. Điều đó không quá bất ngờ vì xét cho cùng, chi phí đổ vào Giấy phép sử dụng (Certificate of Entitlement - CoE) để sở hữu một chiếc xe ở Singaporea tăng vọt đã cản trở phần nào doanh số bán hàng.
Ở Philippines và Indonesia, khoảng 40% chi tiêu đổ vào ăn uống, một phần là do lạm phát lương thực cao ở cả hai nền kinh tế. Thật vậy, giá thực phẩm tăng cao ở Philippines là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng tốc. Giá cả một số mặt hàng thực phẩm ở Indonesia đã tăng cao hơn và cần được theo dõi kỹ, mặc dù ở thời điểm hiện tại thì chưa tác động tới khả năng lạm phát chung dịu bớt. Ngược lại, người tiêu dùng Singapore chi tiêu ít nhất cho thực phẩm so với toàn ASEAN nhưng thay vào đó chi tiêu cho "giải trí và văn hóa" lại chiếm tỷ trọng lớn. Là một trong những nền kinh tế châu Á đầu tiên phục hồi sau đại dịch, Singapore cũng là một trong những quốc gia đầu tiên chứng kiến sự chuyển dịch tiêu dùng từ hàng hóa sang dịch vụ.
Thật vậy, ASEAN đã được hưởng lợi phần lớn nhờ nhu cầu du lịch bị dồn nén nay bùng nổ sau khi mở cửa trở lại toàn diện kể từ tháng 3/2022. Tuy nhiên, câu chuyện phục hồi ở mỗi ngành một khác. Ngành vận tải của ASEAN đã chứng kiến sự phục hồi nhanh hơn so với ngành lưu trú và ăn uống. Trong đó, nổi bật nhất là Việt Nam và Indonesia, một phần nhờ du lịch nội địa phục hồi nhanh chóng bù đắp cho tình hình vẫn còn yếu của du lịch quốc tế.
Không ngạc nhiên khi Thái Lan bị tụt lại phía sau khi mà nước này phụ thuộc nhiều vào du lịch nước ngoài và du khách Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng tình hình này sẽ sớm thay đổi sau khi Trung Quốc mở cửa lại. Đặc biệt, Trung Quốc thông báo cho phép tổ chức lại tour khách đoàn đến khoảng 20 quốc gia, trong đó có ASEAN-6 (trừ Việt Nam), mang đến kỳ vọng du khách Trung Quốc quay trở lại nhanh hơn dự kiến. Mặc dù vậy, tiến độ độ phục hồi phần lớn phụ thuộc vào tốc độ khôi phục lại các chuyến bay quốc tế. Xét cho cùng, ngay cả đối với Singapore, trung tâm du lịch chính, các chuyến bay trực tiếp với Trung Quốc vào tháng 1 mới chỉ đạt chưa tới 10% so với mức trước đại dịch.
Triển vọng 2023
Tiêu dùng sẽ đi đâu về đâu trong năm 2023 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm lạm phát, chính sách tài khóa, tâm lý người tiêu dùng, sự phục hồi của thị trường lao động và tỷ lệ tiết kiệm. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết từng yếu tố và giải thích lý do vì sao chúng tôi kỳ vọng tiêu dùng sẽ duy trì tốt trong năm nay.
Đầu tiên và quan trọng nhất, lạm phát vẫn là một mối quan tâm chính của người tiêu dùng. May mắn thay, hầu hết các nền kinh tế ASEAN đã vượt qua giai đoạn đỉnh lạm phát, mặc dù Philippines và Việt Nam vẫn tiếp tục chứng kiến áp lực tăng giá ngày càng gia tăng. Mặc dù vậy, lạm phát nhiều khả năng sẽ giảm dần, nghĩa là áp lực giá tăng kéo tới ít nhất là nửa đầu năm 2023. Xét cho cùng, lạm phát cơ bản đã tăng lên ở hầu hết các nền kinh tế, phản ánh thị trường lao động sôi động. Ngay cả trong trường hợp của Singapore, một quốc gia sớm có động thái và cung cấp các khoản trợ cấp tài khóa hào phóng để trực tiếp “giải cứu” việc làm, thị trường lao động của nước này vẫn trong tình trạng thắt chặt với mức tăng lương có xu hướng vượt các mốc trước đây.
Mặc dù vậy, hầu hết các nhà hoạch định chính sách ở ASEAN ít khả năng sẽ triển khai các biện pháp tài khóa quy mô lớn hướng tới người tiêu dùng. Xét cho cùng, sau ba năm hỗ trợ mạnh mẽ ở một số nền kinh tế, cả khu vực đều đồng thuận rằng ASEAN cần theo đuổi định hướng củng cố tài khóa, mặc dù tốc độ mỗi nước một khác. Malaysia và Philippines có thể là hai ví dụ về tốc độ triển khai củng cố tài khóa chậm hơn so với những quốc gia khác. Với ngân sách sẽ được trong vòng chưa đầy hai tuần (tính từ 15/2), Malaysia nhiều khả năng sẽ công bố kế hoạch ngân sách cho năm 2023 đa phần điều chỉnh tương tự so với kế hoạch của chính quyền trước đây. Philippines đã khởi đầu năm 2023 với việc giảm thuế thu nhập cá nhân.
Indonesia đang đặt mục tiêu lấy lại mức thâm hụt tài khóa 3% trước đại dịch, còn triển vọng tài chính của Thái Lan có thể không chắc chắn, xét bối cảnh bầu cử sắp diễn ra vào tháng 5. Trong trường hợp của Singapore, ngân sách năm tài khóa 2023 đã bao gồm các biện pháp tài khóa bổ sung để bù đắp chi phí sinh hoạt gia tăng, mặc dù về bản chất đối tượng của các biện pháp này không phải là tất cả người dân.
Ngay cả khi hầu hết các nền kinh tế ASEAN nhiều khả năng sẽ rút dần các cứu trợ tài chính thì tâm lý người tiêu dùng ở ASEAN vẫn ở mức cao. Tâm lý người tiêu dùng Indonesia đã trở lại mức trước đại dịch, Malaysia cũng có xu hướng tương tự (Biểu đồ 10). Mặc dù vậy, tâm lý người tiêu dùng ở Thái Lan vẫn còn ảm đạm khi sự phục hồi của nước này tụt lại phía sau so với các quốc gia trong khu vực.
Kì 2: Sự phục hồi của việc làm và sức mua
Có thể bạn quan tâm