Cam kết mới của Google với Việt Nam

NGUYỄN CHUẨN 11/03/2023 04:15

Mới đây, trong buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải và đại diện của Google đã làm rõ hơn những bước đi tiếp theo của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

>>>Chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam: Tiếp theo là Google?

Theo tờ Công Thương đã đưa tin, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định nước Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước, đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc di cư của các chuỗi cung ứng toàn cầu cho Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tiếp Darren Ward, Giám đốc cấp cao Điều hành chuỗi cung ứng của Google. (Ảnh: tapchicongthuong.vn)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tiếp ông Darren Ward, Giám đốc điều hành chuỗi cung ứng của Google. (Ảnh: tapchicongthuong.vn)

Trong quá trình đó, vai trò của dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ, cũng như nền tảng công nghệ, tài chính, sản xuất của các tập đoàn hàng đầu như Google, Apple, Intel, Boeing, Walmart… sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Về phần mình, ông Darren Ward, Giám đốc điều hành chuỗi cung ứng toàn cầu của Google cho biết, công ty hiện đang quan tâm đến việc chuyển dần dây chuyền sản xuất một số thiết bị sang Việt Nam nên rất quan tâm đến các chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thuế.

Trao đổi với đại diện Google, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (dành cho công nghiệp điện tử và công nghệ cao) có thể liên quan đến kế hoạch phát triển sản xuất của Google tại Việt Nam trong tương lai.

Đồng thời, ông cũng cho biết thêm, để thúc đẩy doanh nghiệp nội địa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, Bộ Công Thương đang phối hợp với nhiều bộ, ngành, cơ quan và các doanh nghiệp lớn (như Samsung, Toyota…), các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án, chương trình tư vấn, cải tiến sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực của các nhà cung cấp.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Google phối hợp, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hợp tác nhằm tìm kiếm và phát triển các nhà cung cấp tiềm năng tại Việt Nam.

>>>Google và những toan tính mới ở Việt Nam

>>>Mỗi năm thất thu 85% số thuế phải thu từ Google và Facebook

Trên thực tế, kể từ tháng 9 năm 2019, Google được cho là đã lên kế hoạch cho việc chuyển hoạt động sản xuất điện thoại thông minh Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam, khi họ xây dựng chuỗi cung ứng giá rẻ và an toàn ở Đông Nam Á.

Từ năm 2019, Google đã chuyển dịch một số sản xuất sang Việt Nam.

Từ năm 2019, Google đã chuyển dịch một số sản xuất sang Việt Nam.

Tờ Nikkei Asia khi đó đã đưa tin rằng, động thái này được đưa ra khi chi phí lao động đang tăng lên ở Trung Quốc cùng với áp lực gia tăng từ thuế quan leo thang do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra.

Gã khổng lồ công nghệ của Mỹ có kế hoạch chuyển hầu hết phần cứng dành cho người Mỹ ra khỏi Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại Pixel và loa thông minh Google Home. Công ty cũng có kế hoạch xuất xưởng khoảng 8 triệu đến 10 triệu điện thoại thông minh, đưa Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực tăng trưởng của Google trên thị trường điện thoại thông minh.

Tiếp đó, trong một báo cáo từ tờ The New York Times tháng 9 năm 2022 cho biết, Google tiếp tục lên kế hoạch chuyển việc lắp ráp điện thoại Pixel 7 của mình từ các cơ sở của Foxconn ở miền nam Trung Quốc sang Việt Nam.

“Một phần trong quá trình sản xuất điện thoại Pixel mới nhất của Google sẽ được thực hiện tại Việt Nam. Công ty hy vọng Việt Nam sẽ cung cấp một nửa mức cao nhất của năm 2023”, báo cáo cho biết.

Rõ ràng, ngay cả trước khi có những cam kết giữa đại diện của Google với Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam gần đây, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã cho thấy những bước đi đáng kể trong việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Có thể, với những bất ổn gần đây của chuỗi cung ứng Trung Quốc, công ty này sẽ đẩy nhanh hơn việc lựa chọn Việt Nam là điểm đến hứa hẹn cho việc xây dựng lại chuỗi cung ứng của mình.

Khởi đầu từ công cụ tìm kiếm cốt lõi, Google có vẻ ngày càng chuyển sang phần cứng. Từ năm 2010 đến 2015, công ty đã hợp tác với các nhà sản xuất điện tử lớn trong việc sản xuất các thiết bị Nexus của mình (dòng thiết bị di động chạy hệ điều hành Android do Google hợp tác sản xuất cùng một đối tác OEM) và đã phát hành nhiều sản phẩm phần cứng vào tháng 10 năm 2016, bao gồm điện thoại thông minh Google Pixel, loa thông minh Google Home, bộ định tuyến không dây Google Wifi và Daydream - tai nghe thực tế ảo.

Có thể bạn quan tâm

  • Để đọ ChatGPT, Google kêu gọi toàn bộ nhân viên thử nghiệm Bard

    Để đọ ChatGPT, Google kêu gọi toàn bộ nhân viên thử nghiệm Bard

    02:30, 18/02/2023

  • Google

    Google "tiến thoái lưỡng nan" trước ChatGPT (Phần 3)

    05:00, 05/02/2023

  • Bên trong trụ sở Google

    Bên trong trụ sở Google

    03:40, 28/01/2023

  • Sự thống trị của Google và Meta đang chững lại

    Sự thống trị của Google và Meta đang chững lại

    05:05, 24/12/2022

  • Google và những toan tính mới ở Việt Nam

    Google và những toan tính mới ở Việt Nam

    04:00, 20/11/2022

NGUYỄN CHUẨN