Quy hoạch điện VIII dự kiến trình Thủ tướng vào trung tuần tháng 5
Quy hoạch điện VIII đã mở hướng có thể khai thác, phát huy tiềm năng góp phần chuyển dịch năng lượng cho khu vực và thế giới, phát triển năng lượng mặt trời và gió để xuất khẩu.
>>>Lập Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ cấp bách
Tại nhiều diễn đàn thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn Quy hoạch điện VIII sớm được hoàn thiện và trình Chính phủ thông qua. Theo bà Caronlyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Quy hoạch điện VIII là kênh đầu tư cho tăng trưởng xanh, từ Quy hoạch chúng ta sẽ biết cần những dự án đầu tư gì, kinh phí đầu tư cần có và cách thức huy động tài chính cho dự án đầu tư đó.
Còn ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) bày tỏ: tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 nhấn mạnh tính cấp thiết của việc chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch. Các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh đã được ghi nhận rõ ràng và Việt Nam đã phát triển một chiến lược quốc gia toàn diện để đạt được các mục tiêu này.
Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này chưa đáp ứng được kỳ vọng. Năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn nền kinh tế, đồng thời các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này. Trong thời gian qua, việc chưa đáp ứng được nhu cầu này đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, chúng ta cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII.
Theo Chủ tịch AmCham, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi Việt Nam sẽ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII cũng như có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong khu công nghiệp được phép tham gia hơp đồng mua bán điện trực tiếp.
Giải đáp các vấn đề được nhà đầu tư nước ngoài đặt ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: điện, giao thông bao giờ cũng phải đi trước một bước. Nhưng do tính chất phức tạp, vừa phải khắc phục tồn tại trong quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch trước đó, vừa bị tác động nhiều chiều cả điều kiện hoàn cảnh trong nước, cả những cam kết quốc tế Quy hoạch điện VIII là một trong số ít quy hoạch ngành, quốc gia của Việt Nam được triển khai từ năm 2019. Đến nay đã gần 4 năm, qua 4 lần dự thảo và cơ bản được hoàn thiện.
Về nguyên tắc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đến việc Quy hoạch điện VIII đã mở hướng có thể khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để góp phần chuyển dịch năng lượng cho khu vực và thế giới. Cụ thể là có thể phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nhất là gió ngoài khơi để có thể xuất khẩu trực tiếp cho các quốc gia hoặc xuất khẩu gián tiếp thông qua điều chế halogen, các pin năng lượng sạch hoặc các hình thức xuất khẩu khác.
>>>Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Giảm nhiệt điện, tăng điện gió
Trong Quy hoạch điện VIII, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, cả điện mặt trời, điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, điện sinh khối cũng như các nguồn điện Việt Nam có lợi thế, thực hiện mục tiêu chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệu điện than, nhiệt điện khí bằng các hình thức đốt kèm, phát triển các ngành sản xuất mới như là hydro, pin năng lượng sạch. “Chúng tôi đang triển khai xây dựng các cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái, cơ chế mua bán điện trực tiếp” - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang cùng với tư vấn gấp rút hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng phê chuẩn chậm nhất là trung tuần tháng 5 năm nay.
Về phát triển điện gió ngoài khơi và điện mái nhà, đây là nguồn năng lượng sạch Việt Nam có tiềm năng nhưng phát triển đến đâu, bao giờ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Riêng điện mặt trời mái nhà, theo phương thực tự sản tự tiêu, mua bán trực tiếp và không qua hệ thống truyền tải điện quốc gia đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng thí điểm, mà điển hình là TP Hồ Chí Minh đang được Quốc hội xem xét nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách phát triển này.
Về điện gió ngoài khơi, tiềm năng của Việt Nam là rất lớn, nhưng để khai thác phát triển còn tuỳ thuộc vào quy hoạch không gian biển, tuỳ thuộc vào sự điều chỉnh để có sự thống nhất trong các quy định của luật hiện hành, xem xét các yếu tố an ninh quốc phòng, cảnh quan môi trường.
Sau khi Quy hoạch điện VIII được duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất các chính sách triển khai thí điểm để thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Đề án Quy hoạch điện VIII được Bộ Công thương trình lại
11:00, 15/11/2022
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ việc chậm tiến độ Quy hoạch điện VIII
03:30, 23/10/2022
Quy hoạch điện VIII: Thủ tướng yêu cầu xây dựng giá điện cạnh tranh
11:11, 12/08/2022
Quy hoạch Điện VIII: Dự kiến bỏ 14.120MW nhiệt điện than
10:39, 03/08/2022
Quy hoạch điện VIII: Giải bài toán nỗi lo thiếu điện?
11:07, 20/04/2022
Ba vấn đề cần quan tâm trong dự thảo Quy hoạch điện VIII
10:00, 02/01/2022
Quy hoạch điện VIII: Điện gió ngoài khơi ở đâu?
08:00, 04/10/2021