Xây cảng 6.800 tỷ đồng chuyên cho Khu liên hợp gang thép Long Sơn có phù hợp?
Dự án Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng, quy mô đầu tư 10 cầu cảng, có khả năng tiếp nhận cỡ tàu trọng tải 250.000 DWT.
>>>Hình thành cụm cảng Cái Mép - Cần Giờ
UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản đề nghị Bộ KHĐT tổng hợp báo cáo Thủ tướng chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đầu tư cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Theo đó, Dự án đầu tư cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 gắn với Khu liên hợp gang thép Long Sơn, do Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ làm nhà đầu tư.
Dự án được thực hiện tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn. Vị trí này do nhà đầu tư đề xuất. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 6.800 tỷ đồng được đầu tư từ vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay các tổ chức tín dụng. Khối lượng bốc dỡ hàng hóa theo hồ sơ thiết kế từ 21 - 23 triệu tấn/năm.
Quy mô dự án đề xuất thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng 10 bến, với chiều dài cầu cảng 2.525m, khu hậu cần cảng khoảng 44ha và chiều dài đê/kè chắn sóng khoảng 4.000m, đáp ứng cho công suất 11 - 13 triệu tấn/năm.
Giai đoạn sau năm 2025 (đã bao gồm giai đoạn 2021 - 2025), cảng có quy mô 13 bến với tổng chiều dài cầu bến 3.525m; khu hậu cần cảng khoảng 44ha; chiều dài đê/kè chắn sóng khoảng 4.000m đáp ứng cho công suất 30 - 35 triệu tấn/năm.
Các hạng mục, thông số cho cả hai giai đoạn 2021 - 2025 và sau năm 2025 là khu cảng có bề rộng luồng 230m, cao độ đáy luồng -21m (hải đồ), 1 vũng quay tàu đường kính 670m và cỡ tàu đến 250.000 tấn. Trong đó, cảng chuyên dùng chỉ Phục vụ Khu liên hợp gang thép Long Sơn, không kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa.
Dự án đã được tỉnh Bình Định đưa vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang hoàn thiện và trình các bộ, ngành Trung ương thẩm định trong tháng 7/2023 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 10/2023.
“Để đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy thép, không thể thiếu cảng biển phù hợp gắn kết, phục vụ nhà máy. Vừa qua, Công ty cổ phần Gang thép Long Sơn đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn, nay đăng ký đầu tư xây dựng cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn là phù hợp”, văn bản UBND tỉnh Bình Định nêu.
Được biết, cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn có tính liên hoàn. Khi dự án cảng hình thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm của Khu liên hợp gang thép Long Sơn, đảm bảo tiến độ xuất nhập khẩu hàng hóa. Khi cả 2 dự án đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
UBND tỉnh Bình Định khẳng định, việc nhà đầu tư xây dựng Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thị xã Hoài Nhơn là phù hợp với định hướng phát triển hệ thống sản xuất gắn liền với hệ thống phân phối thép.
Tuy nhiên, khu vực xây dựng cảng có khả thi để đáp ứng cho việc đón tàu tới 250.000 DWT hay không, cần phải dựa vào những nghiên cứu cụ thể.
>>>Siêu cảng trung chuyển Cần Giờ bước đột phá cho vùng Đông Nam Bộ
Nhận định về dự án này, Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Trần Khánh Hoàng cho rằng, để xây cảng biển tại khu vực Lộ Diêu, cần tính toán rất kỹ. Mong muốn phát triển kinh tế của địa phương là có cơ sở, nhưng phải dựa vào nhiều yếu tố từ môi trường, mục đích của nhà đầu tư...
“Độ bồi lắng của vùng biển tại khu vực có lẽ không quá lớn, nhưng việc khảo sát địa chất, dòng chảy, độ phù sa... của khu vực biển cần được nghiên cứu kỹ. Chiều dài cầu cảng, quy mô cũng nên tính toán cho sát thực tế”, ông Hoàng nói.
Trong khi đó, dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư cho CTCP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ vào tháng 11/2021, điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư lần hai vào tháng 11/2022. Dự án này xây dựng trên khu đất rộng 468ha với tổng mức đầu tư lên tới 53.500 tỉ đồng, công suất 5,4 triệu tấn/năm.
Tại buổi cung cấp thông tin về dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn mới đây, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, cảng Quy Nhơn hiện tại quá chật hẹp, vì vậy muốn phát triển phải mở một cảng mới với công suất trên 20 triệu tấn/năm.
"Khu vực biển Lộ Diêu của chúng ta rất phù hợp, biển rất là sâu, âm 20 m. Tàu 250.000 tấn có thể ra vào được, chứ không phải chỉ 50.000 tấn như Quy Nhơn. Riêng nhà máy gang thép Long Sơn, ông Hồ Quốc Dũng cho biết nhà máy này sẽ gắn liền với cảng biển”, ông Dũng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Cảng biển và logistics: Một trong 4 trụ cột mới của Bà Rịa-Vũng Tàu
11:37, 01/06/2023
Kinh tế biển Quảng Ninh Kỳ II: Còn nhiều lực cản cảng biển
15:00, 30/05/2023
Tập đoàn Adani của Ấn Độ muốn hợp tác lâu dài với Việt Nam về cảng biển, logistics
10:03, 25/05/2023
Sức hút từ khu phi thuế quan cảng biển
15:32, 16/05/2023
Hải Phòng: Đẩy nhanh tiến độ các dự án cảng biển - hàng không
01:44, 16/05/2023