Kinh tế biển Quảng Ninh Kỳ II: Còn nhiều lực cản cảng biển

NHẬT MINH 30/05/2023 15:00

Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cảng biển, nhưng Quảng Ninh chưa phát huy được tối đa hệ thống cảng biển do còn nhiều rào cản.

>>Kinh tế biển Quảng Ninh (Kỳ I): Dấu ấn ngành “công nghiệp không khói”

Nếu những rào cản này được tháo gỡ kịp thời, sẽ giúp Quảng Ninh trở thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước.

 Việc chuyển tải hàng hóa tại các khu neo đậu chiếm khoảng từ 70% đến 80% sản lượng hàng hóa qua cảng Quảng Ninh

Việc chuyển tải hàng hóa tại các khu neo đậu chiếm khoảng từ 70% đến 80% sản lượng hàng hóa qua cảng Quảng Ninh

Biến “đoản” thành “trường”

Ở khu vực phía Bắc, “thủ phủ” của cảng biển phải kể đến Hải Phòng. Người ta dùng hẳn biệt danh “đất Cảng” để gọi thay cho địa danh này. Thế nhưng, địa phương láng giềng Quảng Ninh cũng không hề thua kém trong lĩnh vực cảng biển, thậm chí ở một số dịch vụ cảng biển, Quảng Ninh còn vượt xa Hải Phòng như dịch vụ khai thác tàu khách quốc tế, dịch vụ chung chuyển,…

Trong nhiều năm gần đây, Quảng Ninh đã tăng tốc phát triển dịch vụ cảng biển. Tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2018 đến nay dao động từ 15 – 18%/năm. Riêng năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua cảng của Quảng Ninh đạt 134 triệu tấn (Hải Phòng khoảng 160 triệu tấn).

Cảng biển Quảng Ninh hiện đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa và hành khách khu vực phía Bắc tập trung chủ yếu vào than, xăng dầu, hàng phục vụ nông nghiệp, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc,… Do sở hữu vị trí đầu nối quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế vùng Đông Bắc, nên cảng biển Quảng Ninh đã trở thành một điểm kết nối lý tưởng cho hoạt động lưu chuyển hàng hóa đến những khu công nghiệp, khu chế xuất, cửa khẩu, cảng biển,… trong khu vực lân cận cũng như trên toàn miền Bắc, là cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam và thế giới.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã tháo gỡ được những điểm nghẽn từ quy hoạch đến đầu tư hạ tầng giao thông kết nối. Hiện 13 bến cảng trên địa bàn tỉnh được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở rất quan trọng để ưu tiên quỹ đất phát triển dịch vụ logistics và dịch vụ hậu cần sau cảng, từ đó thu hút nhà đầu tư nghiên cứu, phát triển cảng biển Quảng Ninh.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Xuân Sang, cảng biển Quảng Ninh là một trong số những cảng biển hàng đầu của quốc gia và là cảng biển quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Do đó, các cảng biển mới được hình thành với hạ tầng đồng bộ, chắc chắn sẽ giúp Quảng Ninh trở thành đầu mối cảng quan trọng trong bản đồ hàng hải quốc tế, hình thành lên những tuyến vận tải biển chiến lược.

Nghị quyết 15-NQ/TU năm 2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đã đặt ra nhiều chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045. Theo đó, giai đoạn 2019-2025, cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 17,5%, đóng góp khoảng 1,2-1,5% trong GRDP của tỉnh, sản lượng hàng hóa đạt 114,5-122,5 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000-300.000 lượt; phát triển dịch vụ cảng hành khách có giá trị tăng cao; phát triển thêm từ 2-3 dịch vụ cảng hàng hóa; ưu tiên hoàn thiện hạ tầng cảng biển,…

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, xác định rõ xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch – dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển – ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước…

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty hàng hải Việt Nam (VIMC), bên cạnh tiềm năng lợi thế, phát triển cảng biển logistics Quảng Ninh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng biển còn trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, không chủ động nguồn bên ngoài. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, xúc tiến đầu tư chưa có giải pháp đột phá, dẫn đến chưa thu hút được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn có thương hiệu về cảng biển và các hãng tàu uy tín đến Quảng Ninh để hợp tác kinh doanh.

Ngoài ra, cơ cấu hạ tầng cảng biển logistics còn bất hợp lý. Hầu hết các bến cảng đều là bến tổng hợp, còn bến container chiếm số lượng rất ít tại khu vực tỉnh. Chính vì sự bất hợp lý này mà tình trạng thừa, thiếu vẫn diến ra.
Mặt khác, việc chuyển tải hàng hóa tại các khu neo đậu chiếm khoảng từ 70% đến 80% sản lượng hàng hóa qua cảng. Tuy nhiên, các vùng neo đậu, chuyển tải hiện tại nằm cách xa bờ từ 20- 40km đã gây khó khăn, tốn kém chi phí cũng như không bảo đảm an toàn khi di chuyển cho người và các phương tiện thủy nội địa tại các địa điểm làm thủ tục.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển mạnh hệ thống cảng biển, Quảng Ninh cần thu hút, kêu gọi các tập đoàn tài chính, ngân hàng mở chi nhánh, văn phòng đại diện; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đấu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, ông Lê Quang Trung cho rằng, Quảng Ninh phải giải quyết được bài toán chi phí và nguồn hàng, vốn là 2 vấn đề “cốt tử” của bất cứ địa phương nào có cảng biển.

Có thể bạn quan tâm

  • Đông Triều (Quảng Ninh): Đưa đất đá thải mỏ vào san lấp mặt bằng

    Đông Triều (Quảng Ninh): Đưa đất đá thải mỏ vào san lấp mặt bằng

    10:46, 30/05/2023

  • Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm

    Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm

    01:15, 30/05/2023

  • Quảng Ninh: Bàn giải pháp để các khu công nghiệp không “thiếu” điện

    Quảng Ninh: Bàn giải pháp để các khu công nghiệp không “thiếu” điện

    01:23, 27/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh tế biển Quảng Ninh Kỳ II: Còn nhiều lực cản cảng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO