PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Bến Tre mong muốn doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tôm

ĐÌNH ĐẠI - MINH QUÂN 28/06/2023 16:35

Bến Tre nuôi tôm nhiều, nhưng chưa có nhà máy chế biến, do đó, tỉnh mong muốn các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại địa phương.

>>>PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Thu hút “đại bàng” đừng quên những “chim sẻ”

Nội dung trên được ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre chia sẻ tại Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững”, đang diễn ra vào chiều nay (28/6) tại Hội trường Thống nhất, 61 Nguyễn Huệ, Phường 1, TP. Tân An, tỉnh Long An.

Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững”.

Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023” chủ đề “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh Long An; Sở KH&ĐT Long An, Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Long An, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức chiều nay 28/6. 

Diễn đàn nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn để làm đầu tàu dẫn dắt, làm lực lượng nòng cốt trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững.

Diễn đàn có sự tham dự của ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An; Ông Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên Trung Ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long; Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI; Ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An; Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre; Ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu; và hơn 300 khách mời đến từ các Bộ NN&PTNT; Bộ KH&ĐT; Bộ Công Thương; lãnh đạo VCCI; lãnh đạo UBND các tỉnh khu vực ĐBSCL; đại diện các Sở NN&PTNT; Sở KH&ĐT các tỉnh ĐBSCL cùng đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Long An, khu vực Đông và Tây Nam Bộ và doanh nghiệp trực thuộc Eurocham; 

Về phía ban tổ chức có: Ông Nguyễn Thanh Truyền – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An; Ông Nguyễn Linh Anh – Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Nhãn hàng Đạm Phú Mỹ - NPK Phú Mỹ); Công ty CP Phân bón Bình Điền; Tổ chức Oxfam tại Việt Nam - Dự án Tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNVVV ngành gia vị rau quả Việt Nam....

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho biết, Bến Tre có một mong muốn và khát vọng làm sao thu hút được nhiều vốn vào nông nghiệp. Nếu thống kê cả nước, Bến Tre có số dân đông nhất sống trong thôn làm nông nghiệp, chiếm tới 85% dân số.

ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Trep/phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Sơn cho rằng, Bến Tre xem kinh tế nông nghiệp là nền tảng và tổng lực để phát triển mặc dù nhiều người cho rằng làm nông nghiệp dù không nghèo nhưng cũng khó giàu nhanh như công nghiệp.

“ĐBSCL là vùng có đầy đủ cơ sở pháp lý về mặt chủ trương đường lối của Đảng, các chương trình của Chính phủ cũng như quy hoạch. Đây cũng là một trong những vùng được ban hành quy hoạch vùng sớm nhất”, ông Nguyễn Trúc Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Sơn, những chương trình tập trung vào nông nghiệp, biến đổi khí hậu, những vấn đề lớn như Nghị quyết 120 của Chính phủ cũng được ban hành từ rất sớm.

Trong khi đó, các tỉnh ĐBSCL đang hoàn thiện lần cuối các quy hoạch phát triển tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Và Long An cũng là một trong những tỉnh được phê duyệt sớm nhất.

Từ đó, ông Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, các địa phương cần dựa vào đặc điểm riêng của mình để có thể có cơ chế thu hút đầu tư cho phù hợp, tránh cạnh tranh lẫn nhau. 

“Bến Tre có lợi thế chính là kinh tế thủy sản và kinh tế dừa. Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước, với hơn 70.000ha. Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm dừa, kim ngạch xuất khẩu đạt 60 triệu đô”, ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết.

Theo ông, kinh tế thủy sản, tôm và các loại cá, nghêu cũng là thế mạnh và có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia hoạt động chế biến. Tuy nhiên, ông Sơn nhìn nhận, Bến Tre có một vấn đề là nuôi tôm nhiều nhưng chưa có nhà máy chế biến, mới chỉ là cung cấp nguyên liệu cho các tỉnh có nhà máy chế biến tôm. “Bến Tre hiện đang có đề án 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao và mong muốn có nhà máy chế biến tại địa phương”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Trúc Sơn, hiện nay, hạ tầng tại vùng ĐBSCL đang được Chính phủ đầu tư mạnh và nhiều chưa từng có như: cảng biển, hàng không, thủy lợi, v.v.. Đây là điều kiện thuận lợi và cần quy hoạch để quỹ đất thu hút được các nhà đầu tư.

Tập trung vào đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hiện có của địa bàn, lấy những doanh nghiệp dẫn đầu để dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Bến Tre. Ví dụ, ngành dừa đang hoàn toàn là các doanh nghiệp của Bến Tre khai thác. Bến Tre cũng muốn áp dụng công nghệ cao để phát triển hơn ngành dừa.

Ông Sơn nhấn mạnh, hiện Bến Tre cũng đang có những doanh nghiệp sản xuất lớn, đóng thuế lên tới 100 tỷ đồng/năm. Do đó, Bến Tre rất sẵn sàng hỗ trợ, chăm sóc và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này phát triển, mở rộng hơn nữa trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, là tập trung phát triển những khu công nghiệp đã được quy hoạch để thu hút đầu tư theo hướng xanh, sạch, công nghệ cao.

Đối với nguồn nhân lực, ông Sơn cho rằng, hiện nay, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp đang rất khó khăn. Các lao động trẻ “chảy” sang các tỉnh công nghiệp khác. Các doanh nghiệp nông nghiệp tuyển dụng cũng rất khó khăn. Đây cũng là một vấn đề cần chú ý.

Ngoài ra, Bến Tre cũng tìm cách phát triển các thị trường ngách. Do Bến Tre có lợi thế nuôi tôm rừng, phát triển rừng để phát triển các thị trường ngách.

“ĐBSCL có liên kết vùng nên rất mong muốn phát triển chuỗi ngành hàng, chuỗi cung ứng, chuyên môn hóa từng tỉnh chứ không đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn Luật đất đai sắp tới, làm sao có cơ chế khuyến khích để nông dân tham gia vào mối liên kết với doanh nghiệp về đất đai”, ông Nguyễn Trúc Sơn mong muốn.

Có thể bạn quan tâm

  • PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Doanh nghiệp là “đầu tàu”

    PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Doanh nghiệp là “đầu tàu”

    16:19, 28/06/2023

  • PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Nông nghiệp là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam

    PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Nông nghiệp là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam

    16:05, 28/06/2023

  • PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Thu hút “đại bàng” đừng quên những “chim sẻ”

    PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Thu hút “đại bàng” đừng quên những “chim sẻ”

    15:51, 28/06/2023

  • [TƯỜNG THUẬT TRỰC TUYẾN] Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững

    [TƯỜNG THUẬT TRỰC TUYẾN] Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững

    15:20, 28/06/2023

  • PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Cần cơ chế chính sách đột phá khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp

    PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Cần cơ chế chính sách đột phá khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp

    14:49, 28/06/2023

ĐÌNH ĐẠI - MINH QUÂN