"Cuộc chiến" cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam
Trong cuộc sống hối hả ngày nay, bất cứ thứ gì mang tên “tiện lợi” đều thu hút sự chú ý. Sự tiện lợi trở thành một xu hướng và là mảnh đất màu mỡ của những thương hiệu khai thác.
>>>Doanh nghiệp lo cửa hàng tiện lợi... sẽ thành "bất lợi"
Những năm gần đây, hệ thống các cửa hàng tiện lợi dưới mô hình kinh doanh vừa và nhỏ, nơi cung cấp các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày, kết hợp với một số dịch vụ chỗ ăn uống, điều hòa và wifi miễn phí đang mọc lên như nấm tại Việt Nam.
Không khó để nhận thấy các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Circle K, GS25, FamilyMart và Ministop cùng các công ty, tập đoàn Việt Nam như Co.op Smile của Saigon Co.op, Winmart+ của Masan đang chạy đua để giành thị phần lớn hơn trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi, một miếng bánh béo bở của thị trường bán lẻ Việt Nam thời điểm hiện tại.
Trăm nhà đua tiếng
Theo con số của Tổng cục thống kê Việt Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 5,68 nghìn tỷ đồng (242,2 triệu USD), tăng 19,8% so với năm trước. Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng ước tính thị trường bán lẻ Việt Nam hiện ở mức 142 tỷ USD và sẽ đạt con số 350 tỷ USD vào năm 2025.
Còn theo một dữ liệu do Q&Me, công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu Việt Nam, Việt Nam có khoảng 6.740 cửa hàng tiện lợi vào cuối năm 2022, trong đó TP.HCM dẫn đầu với hơn 2.600 cửa hàng, tiếp theo là các thành phố lớn như Hà Nội và Đà Nẵng.
Có thể nói, hệ thống các cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đang dần trở nên phổ biến hơn với những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Circle K (Mỹ), Ministop (Nhật Bản), GS25 (Hàn Quốc), 7-Eleven (Thái Lan). Trong số này, Circle K đang được coi là “tay chơi” mạnh nhất khi giữ vị trí dẫn đầu với thị phần ở mức 48%, tiếp theo là Family Mart 18,8%, Ministop 14,3% và 7-Eleven 7,3%.
Nhưng, trong bối cảnh đó cũng đang có sự gia tăng mạnh mẽ của các siêu thị mini, và cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu trong nước như là WinMart+, Bách hoá Xanh hay là Co.op Smile, đã cho thấy sự bắt nhịp của các doanh nghiệp trong nước trước xu thế mới của hội nhập.
Một báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Statista vào tháng 7 năm 2023 cho thấy, tính đến hết tháng 3/2023, Winmart+ là chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu Việt Nam với hơn 3 nghìn cửa hàng, theo sau là Bách hóa Xanh với 1,7 nghìn cửa hàng. Mặc dù vậy, các cửa hàng của Winmart+ thường được coi là những siêu thị mini hơn là các cửa hàng tiện lợi.
>>>SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Cửa hàng tiện lợi bất tiện”
>>>Hãng bảo hiểm đầu tiên tại châu Á phân phối qua... chuỗi cửa hàng tiện lợi
"Cuộc chơi" của các thương hiệu ngoại?
Có một sự thật là hầu hết các thương hiệu trên thị trường cửa hàng tiện lợi đều đến từ nước ngoài. Những tên tuổi trong nước còn khá ít, do không đủ trình độ hoặc không muốn tham gia vào lĩnh vực này.
Đang dẫn đầu ở thị phần cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam là thương hiệu Circle K của Mỹ, chuỗi cửa hàng tiện lợi quốc tế đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2008. Cho đến nay, thương hiệu này đã phủ sóng hơn 400 cửa hàng khắp Việt Nam và chiếm phần lớn thị phần.
Bên cạnh đó, một trong những đối thủ lớn nhất của Circle K là Family Mart, thương hiệu cửa hàng tiện lợi đang dẫn đầu của Nhật Bản. Thương hiệu này chính thức gia nhập thị trường Việt Nam năm 2009 trong liên doanh với Tập đoàn Phú Thái. Tuy nhiên, do thua lỗ liên tục và nỗ lực tái cơ cấu bất thành, năm 2013, liên doanh đổ vỡ và đã được nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi Thái Lan B's Mart mua lại toàn bộ cửa hàng tại Việt Nam.
Ministop cũng là một đối thủ “đáng gờm” cho sự thống trị thị phần của Circle K tại Việt Nam. Chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản, thuộc sở hữu của “gã khổng lồ” bán lẻ AEON, đã thâm nhập vào Việt Nam từ năm 2015, cho đến này chuỗi này đã nhanh chóng mở rộng quy mô với hàng trăm cửa hàng tại Việt Nam.
Ngoài ra, các “tay chơi” khác như là GS25, thương hiệu Hàn Quốc do Tập đoàn Sơn Kim điều hành với 133 cửa hàng hay là 7-Eleven, gia nhập thị trường Việt Nam năm 2017 với 66 cửa hàng trên khắp Việt Nam, cũng đang khiến cho thị trường bán lẻ kênh cửa hàng tiện lợi của Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Sự lép vế của các cửa hàng tạp hóa truyền thống?
Các nhà bán lẻ hiện đại đã trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh bán lẻ tổng thể của Việt Nam. Những năm gần đây, số lượng các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngày càng nhiều. Ở khu vực thành thị, nhiều người tiêu dùng tỏ ra ưa chuộng các nhà bán lẻ này hơn các cửa hàng truyền thống.
Rõ ràng, khi hàng loạt nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam, các cửa hàng tạp hóa truyền thống dường như bị bỏ lại phía sau do quy mô nhỏ hơn và ít sản phẩm hơn. Tuy nhiên, bất chấp một số thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng, cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn là một trong những kênh mua sắm chính của người Việt. Quy mô nhỏ, giá thành rẻ vì chi phí quản lý thấp có thể trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh của cửa hàng tạp hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, Việt Nam có một nền văn hóa độc đáo và hành vi của người tiêu dùng cũng khác biệt đáng kể so với những gì các nhà đầu tư nước ngoài quen thuộc. Người tiêu dùng Việt Nam có thói quen và sở thích mua sắm khác biệt so với người tiêu dùng phương Tây. Ví dụ, nhiều người thích mua sắm tại các chợ truyền thống – thường được thiết lập ở bất kỳ không gian có sẵn nào trong cộng đồng, với những người bán hàng bày hàng hóa của họ trong các quầy hàng tạm thời hoặc trên vỉa hè – điều này có thể sẽ đem lại thách thức không nhỏ cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ vững vàng đối diện thách thức từ vĩ mô
04:09, 05/08/2023
WinCommerce đẩy mạnh mở mới chuỗi bán lẻ tại cả nông thôn và thành thị
10:27, 04/08/2023
Khơi thông kênh bán lẻ trong nước
03:00, 29/07/2023
Thấy gì từ lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ chạm đáy?
16:30, 14/07/2023
Thương mại điện tử có lấn át bán lẻ truyền thống?
05:00, 14/07/2023
Điều gì thúc đẩy các nhà bán lẻ Hàn Quốc mở rộng tại Việt Nam?
03:30, 05/07/2023