Quy định mới đừng làm khó doanh nghiệp: Gia tăng chi phí tuân thủ

GIA THỎA thực hiện 23/09/2023 14:37

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 10/2023.

Với các quy định đặt ra nghĩa vụ mới cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, kho chợ ứng dụng, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013 không chỉ tạo ra khác biệt với thông lệ quốc tế mà còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp…

Đây là chi sẻ của chuyên gia Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Đâu là điểm đáng lưu ý trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng, thưa ông?

Theo các quy định được đề xuất, Dự thảo đặt ra các nghĩa vụ mới đối với doanh nghiệp viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện: Giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng của doanh nghiệp (Điều 82.3.a); Ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ TT&TT (Điều 83.3.a); Báo cáo ngay cho Bộ TT&TT bằng văn bản, điện thoại hoặc thư điện tử chậm nhất là 24 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được phản ánh, khiếu nại từ người dùng (Điều 26.6.a)...

- Theo ông, những quy định này sẽ tác động ra sao đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu?

Nếu áp dụng theo các quy định được đề xuất tại Dự thảo, doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ gia tăng chi phí tuân thủ, cụ thể: Phải bố trí nhân sự chịu trách nhiệm giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kĩ thuật của mình; Phải bố trí nhân sự chịu trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật trên hạ tầng kĩ thuật của mình; Phải thiết kế quy trình nhận phản ánh, khiếu nại của người dùng về nội dung vi phạm pháp luật; Cần xây dựng quy trình báo cáo với Bộ TT&TT khi nhận biết được thông tin vi phạm trên hạ tầng kĩ thuật của mình; Phải thực hiện đăng kí lại hợp đồng mẫu cung cấp dịch vụ truy nhập internet.

Theo Dự thảo, doanh nghiệp phải giám sát, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kĩ thuật của mình, dẫn đến khả năng doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm liên đới với người dùng dịch vụ trong trường hợp người dùng dịch vụ đăng tải thông tin vi phạm pháp luật nhưng doanh nghiệp không phát hiện ra hoặc nhận biết được nội dung đó vi phạm pháp luật. Thêm nữa, việc chủ động phát hiện và xác định nội dung vi phạm pháp luật đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư thêm nguồn lực để thực thi nghĩa vụ.
Đáng nói, quy định như Dự thảo cũng sẽ khác biệt với thông lệ quốc tế, bởi theo thông lệ quốc tế, doanh nghiệp viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu được hưởng nguyên tắc “safe harbor”. Theo đó, doanh nghiệp không có trách nhiệm giám sát thông tin của người dùng trên hệ thống của mình. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Đạo luật Viễn thông của Hoa Kỳ, Đạo luật Dịch vụ số của Liên minh châu Âu.

p/Hội thảo Góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức.

Hội thảo Góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức.

- Trước các tồn tại đã nêu, góp ý hoàn thiện Dự thảo, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?

Theo tôi, Dự thảo cần bổ sung quy định về nghĩa vụ giám sát thông tin người dùng trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu (căn cứ dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi), gồm: Quy trình yêu cầu (tính hợp lý và hợp pháp để tránh xâm phạm quyền riêng tư chính đáng của người dùng); Làm rõ việc thực hiện giám sát thông tin theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần thay đổi quy trình chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật theo báo cáo của người dùng. Theo đó, quy định về người dùng thông báo nội dung vi phạm cần đảm bảo: Nhà cung cấp dịch vụ cho phép người dùng báo cáo vi phạm bằng hình thức trực tuyến; Người dùng phải giải thích rõ ràng lý do cho rằng nội dung báo cáo là vi phạm pháp luật...

Đồng thời, quy trình chặn, gỡ bỏ nội dung theo yêu cầu của cơ quan quản lý hành chính cũng phải đảm bảo: Nhà cung cấp dịch vụ cung cấp đầu mối liên lạc cụ thể hoặc cơ chế điện tử (ví dụ e-mail, hệ thống nhận yêu cầu từ cơ quan Nhà nước)...

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ sàn nộp thuế thay người bán: Lo ngại gánh nặng… chi phí tuân thủ

    Chủ sàn nộp thuế thay người bán: Lo ngại gánh nặng… chi phí tuân thủ

    04:00, 29/05/2022

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 27/05: Lo ngại gánh nặng... chi phí tuân thủ

    ĐIỂM BÁO NGÀY 27/05: Lo ngại gánh nặng... chi phí tuân thủ

    06:30, 27/05/2022

  • Chú trọng phương án giảm chi phí tuân thủ và tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp

    Chú trọng phương án giảm chi phí tuân thủ và tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp

    03:30, 17/04/2022

  • Cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp: Nhiều bộ, ngành chỉ “làm cho có”

    Cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp: Nhiều bộ, ngành chỉ “làm cho có”

    03:50, 12/04/2022


GIA THỎA thực hiện