Khẳng định vai trò của cộng đồng doanh nhân
Vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng quan trọng, thể hiện rõ trong Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đó là những lời khẳng định của Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp nhân dịp kỉ niệm 78 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
>>>Vun đắp vị thế xã hội của doanh nhân
Đội ngũ doanh nhân phát triển cả về chất và lượng
Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 11.529 doanh nghiệp, 22.470 hộ kinh doanh, 405 hợp tác xã đang hoạt động, tạo thành lực lượng quan trọng thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã tạo đột phá, hình thành những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh; khẳng định giá trị thương hiệu trong nước và vươn tầm khu vực.
Trong 9 tháng của năm 2023, Quảng Ninh có 2.049 đơn vị thành lập mới, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký đạt 16.280 tỷ đồng. Cùng với đó, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khu vực doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 17.617 tỷ đồng, chiếm 61,86% tổng số thu nội địa trên địa bàn tỉnh.
Tiếp nối đà phục hồi năm 2022, điểm sáng năm 2023 vẫn là các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo. Trong 200 doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất vào ngân sách những tháng đầu năm thì có tới 50,1% doanh nghiệp công nghiệp và chế biến chế tạo như các doanh nghiệp ngành than, điện, xăng dầu, sợi.. như Công ty cổ phần than Cao Sơn - TKV, Công ty cổ phần than Vàng Danh - Vinacomin, Công ty cổ phần than Núi Béo - Vinacomin, Công ty cổ phần than Mông Dương - Vinacomin, Công ty TNHH điện lực AES Mông Dương, Công ty TNHH CALOFIC…
Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh, doanh nghiệp hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: vướng mắc trong rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, gánh nặng về chi phí tuân thủ pháp luật tiếp tục gia tăng; Xu hướng áp dụng tiêu chuẩn xanh, bền vững cũng tăng chi phí cho doanh nghiệp; các nước EU, Mỹ tiếp tục gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; Khó khăn về tìm kiếm thông tin thị trường, tiếp cận vay vốn; Qua báo cáo kết quả khảo sát PCI, DDCI năm 2022 cảu tỉnh, các doanh nghiệp đang gặp “khó” trong việc tìm kiếm thông tin thị trường; tuyển dụng lao động; tiếp cận vay vốn; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường…
>>>Nghị quyết 41- "kim chỉ nam" định hướng xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh
Sẽ làm hết sức mình để phục vụ doanh nghiệp doanh nhân
Theo Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: Năm nay tỉnh Quảng Ninh đang quyết tâm thực hiện khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô dân số; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng cho KCN, KKT, cảng biển, dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics… Đó là nền tảng vững chắc để các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đón bắt được những cơ hội mới cho phát triển, nhất là cơ hội về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư; cùng trăn trở, trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, vào cuộc thực chất, hiệu quả đối với từng khó khăn, vướng mắc với mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở.
“Chính quyền địa phương sẽ làm hết sức mình để phục vụ doanh nghiệp doanh nhân. Chúng ta phải khẳng định Quảng Ninh có kinh tế phát triển, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng có vị thế quan trọng, điều này thể hiện rõ trong Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Tỉnh sẽ xây dựng bộ tiêu chí của doanh nghiệp doanh nhân Quảng Ninh. Mặc dù có khó khăn, nhiều thách thức nhưng tất cả cùng đồng tâm vì một Quảng Ninh phát triển bền vững. Chúng ta phải đón bắt được cơ hội của chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cao, xu hướng xanh… để có một sự phát triển mới”, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thể khẳng định: Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm và động viên, ủng hộ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Đặc biệt đã tạo điều kiện nâng cao vai trò của Hiệp hội, lắng nghe và kịp thời tiếp thu chỉnh sửa những cơ chế, chính sách, nghị quyết mà Hiệp hội đệ trình kiến nghị các khó khăn vướng mắc của hội viên.
Các thành viên trong Hiệp hội cần phát huy đoàn kết, thống nhất và đồng hành với tỉnh, cùng nhau xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển, kinh tế- xã hội ổn định và tăng trưởng cao. Nhất là cần quan tâm tuyên truyền cho các Hội viên thực hiện tốt, tham gia ý kiến chấm điểm bình chọn các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS và DDCI. Đây cũng là thể hiện trách nhiệm chung tay cùng tỉnh nhà giữ vững các chỉ số đã đạt được trong 6 năm qua. Lần thứ 2 (2020-2022) chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước về 4 chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS) và 10 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
“Là doanh nghiệp, chúng tôi sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách và cũng mong mỏi, các cấp, các ngành sẵn lòng ủng hộ, quan tâm chia sẻ và quyết liệt đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bằng mọi cách tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Những việc nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì giải quyết cho Doanh nghiệp, những việc nào vượt thẩm quyền thì sẵn sàng cùng doanh nghiệp kiến nghị Trung ương làm rõ, xem xét giải quyết”, ông Thể bày tỏ mong muốn.
Có thể bạn quan tâm