4 thử thách cho doanh nghiệp SME trong giao dịch thương mại điện tử

LÊ MỸ 01/11/2023 00:30

Có nhiều yếu tố đang là rào cản cho doanh nghiệp SME tham gia thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, dù tốc độ tăng trưởng và tiềm năng của kênh xuất khẩu này đang ngày một lớn.

>>>Thay đổi cách làm luật để quản lý thuế thương mại điện tử

Theo bà Summer Gao, Giám đốc dịch vụ chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á Alibaba.com, thực tế cho thấy trong giao thương quốc tế, có nhiều thử thách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam.

Đại diện Alibaba.com chia sẻ về tình hình thương mại B2B của doanh nghiệp SME Việt Nam

Đại diện Alibaba.com chia sẻ về tình hình thương mại B2B của doanh nghiệp SME Việt Nam

Thứ nhất, thiếu niềm tin lẫn nhau. Điều này dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi để chuyển đổi khách hàng mới cũng như phải cạnh tranh với các đối thủ khác trên sàn vì thiếu sự tin tưởng giữa 2 bên.

Thứ hai, thiếu hiệu quả trong giao thương. Thực tế cho thấy sự phức tạp của quy trình xử lý đơn hàng truyền thống có thể gây khó khăn cho việc theo dõi tiến độ của toàn bộ quy trình mua bán cũng như đảm bảo việc thu tiền kịp thời.

Thứ ba, thiếu số liệu hoạt động trực tuyến. Trong khi đó nếu không có dữ liệu giao dịch trực tuyến, các nhà bán hàng vừa và nhỏ Việt Nam sẽ không thể chứng minh được năng lực kinh doanh nhằm thu hút những người mua chất lượng.

Thứ tư, thiếu bảo mật thanh toán. Rủi ro trong giao dịch trực tuyến, chi phí vận chuyển đến thị trường mới cao, khó tìm được đối tác vận chuyển tin tưởng.

Tất cả những yếu tố trên tạo tường rào thử thách cho các doanh nghiệp SME Việt Nam trong giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới (B2B). Vì vậy, luôn luôn có một một câu hỏi được các doanh nghiệp đặt ra là làm thế nào để có giải pháp đảm bảo giảm thiểu các rủi ro này và hoạt động giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới hiệu quả?

>>>Cách doanh nghiệp SME Việt “chuyển mình” trong thời đại mới

Thống kê của Alibaba.com cho thấy, bất chấp những khó khăn của việc co hẹp nhu cầu, thắt hầu bao nhằm ứng phó lạm phát khiến các thị trường toàn cầu suy giảm nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2023, bất chấp cả những thách thức kể trên, giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp SME Việt Nam trên nền tảng Alibaba.com đã tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu để thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử với điều kiện sử dụng giải pháp, dịch vụ nhằm giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa hiệu quả của doanh nghiệp nội địa tăng cao, khiến tháng 9 vừa qua, Alibaba.com đã cho ra mắt giải pháp dịch vụ Trade Assurance dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam. 

Nếu như thương mại B2B toàn cầu thường gặp nhiều thách thức, bao gồm các vấn đề về chi phí, chất lượng sản phẩm, thời gian vận chuyển... Trade Assurance - dịch vụ bảo vệ đơn hàng độc quyền được cung cấp bởi Alibaba.com giúp giảm thiểu những rủi ro này, mang lại sự tin tưởng cho cả người bán và người mua trong suốt toàn bộ quá trình giao dịch, ông Roger Lou, Giám đốc khu vực Đông Nam Á Alibaba.com cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh là qua dịch vụ, các nhà cung cấp chọn dịch vụ này có thể yên tâm giao dịch khi biết rằng các đơn hàng của họ đang được bảo vệ an toàn bởi một nền tảng đáng tin cậy. Dịch vụ quy định người mua thanh toán tại thời điểm mua hàng với số tiền được Alibaba.com giữ trong ký quỹ cho đến khi người mua xác nhận đã nhận được đơn hàng một cách thỏa đáng trong một khoảng thời hạn hợp lý.

Trả lời câu hỏi của DĐDN về việc liệu có điểm khác biệt nào trong một dịch vụ được áp dụng cho nhiều thị trường nhưng có tính "đo ni đóng giày" phù hợp với các đặc điểm, đặc thủ của doanh nghiệp SME Việt Nam? - bà Summer Gao chia sẻ: Thứ nhất, đây là dịch vụ dành cho doanh nghiệp SME ở thị trường Việt Nam mà cơ sở xây dựng là căn cứ theo khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp muốn/ đang tham gia thương mại B2B, nhằm tăng mức độ tin tưởng về những nhà bán; Thứ hai, dịch vụ có tính đảm bảo cho chất lượng cho sản phẩm của doanh nghiệp SME Việt Nam khi đưa ra thị trường quốc tế cũng như đảm bảo quá trình mua bán giao dịch nhanh chóng, an toàn, minh bạch.

"Trade Assurance là một sản phẩm dịch vụ nhưng sẽ có điều chỉnh khác nhau, phù hợp với từng thị trường, hiện đã áp dụng ở Trung Quốc, Hồng Kong, Đài Loan, Mỹ, Việt Nam… Khi các doanh nghiệp SME Việt Nam đã tham gia thì có thể tiến hành giao dịch với mọi nhà mua, nhà bán khác nhau trên thế giới. Người mua không nhất thiết tham gia gói này nhưng có thể nhìn thấy người bán đã tham gia dịch vụ này và từ đó tạo dựng, tăng cường tin tưởng. Không có sự phân biệt đối xử nào đối với mọi khách hàng trên Alibaba.com, nhưng đây là dịch vụ  khác biệt, độc nhất vô nhị đối với thị trường Việt Nam khi việc xây dựng đã căn cứ vào chính sách xuất khẩu Việt Nam, các điều khoản điều kiện, nhu cầu khai báo, yêu cầu thanh toán của ngân hàng Việt Nam v.v.

Ngoài ra, mức chi phí khi dùng dịch vụ được đưa ra cũng khá linh hoạt, căn cứ cụ thể ngành hàng để thu phí khác nhau, vì mỗi lĩnh vực ngành hàng luôn có tỷ lệ lợi nhuận khác nhau, lĩnh vực/ ngành nào có tỷ lệ lợi nhuận thấp thì sẽ có hỗ trợ phí thấp hơn để doanh nghiệp có động lực tham gia thương mại B2B", Giám đốc dịch vụ chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á Alibaba.com nói thêm.

Đáng chú ý, giao dịch trên nền tảng online trước nay luôn được ví như doanh nghiệp tham gia trên sàn "tự chơi" với nhau trong vai nhà mua - nhà bán, và nhà cung cấp nền tảng thì có thể xem như chỉ là người "mở chợ" giao dịch xuyên biên giới; tuy nhiên với Trade Assurance, Alibaba.com sẽ còn có vai trò trọng tài online. Theo đó, nếu doanh nghiệp có giao dịch thương mại B2B mà xuất hiện tranh chấp, thì căn cứ  theo các quy định thời điểm, hạn mức giao dịch, nếu phát hiện tranh chấp không thể tự xử lý, nền tảng sẽ hỗ trợ phát hiện tìm xem vấn đề ở đâu, phát sinh vấn đề do bên nào, căn cứ trên số liệu được lưu cụ thể và minh bạch để đưa ra hướng xử lý. Trong trường hợp mức độ tranh chấp phức tạp, ví dụ chất lượng hàng hóa, tiền hàng..., không thể giải quyết, thì sẽ căn cứ điều khoản những quy định mà tiến hành đề xuất xử lý theo quy định pháp luật và của thị trường đó.

Được biết, hạn mức đơn hàng của các doanh nghiệp SME Việt Nam bước đầu khi tham gia Trade Assurance là 5.000USD, tức tương đương một đơn hàng có thể xấp xỉ đạt giá trị 125 triệu đồng. Đây được xem là mức khởi điểm thử nghiệm và có thể mở rộng trong tương lai, khi các doanh nghiệp quen thuộc với dịch vụ bảo đảm thương mại B2B như một giải pháp cần thiết.

CEO TT Garment

CEO TT Garment

Chia sẻ cùng báo chí về kinh nghiệm giao dịch thương mại B2B và Trade Assurance, ông Nguyễn Văn Thông-CEO CTy TNHH TT Garment - một doanh nghiệp có trụ sở ở quận 12 (Tp HCM) cho biết, có 2 vấn đề mà các doanh nghiệp cần lưu ý trong giao dịch B2B, đó là phải luôn đảm về chất lượng sản phẩm và tiến độ giao hàng. Doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện đúng theo yêu cầu, hợp đồng, thời gian giao hàng phải đảm bảo đúng. Tất cả giấy tờ chứng tờ đúng thực tế, hóa đơn vận đơn và giấy tờ liên quan phải đúng... "Việc đảm bảo đó là để tự bảo vệ chính doanh nghiệp khi tham gia nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới", ông Thông bày tỏ.

Trao đổi cùng DĐDN, CEO của TT Garment cũng cho biết ông đã thành lập doanh nghiệp trong đại dịch. Có thời điểm rất khó khăn chỉ có mình ông là... nhân sự duy nhất còn tồn tại của công ty. Tuy nhiên khi các môi trường xuất khẩu truyền thông không có đủ điều kiện để duy trì, việc tìm kiếm và giao dịch trên Alibaba.com đã mở ra cho doanh nghiệp cánh cửa sống còn. Đến nay, TT Garment đã và đang có những đơn hàng truyền thống từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Thái Lan... Trong đó, đơn hàng sử dụng Trade Assurance của công ty có trị giá hơn 3.700 USD, "tuy nhỏ nhưng là một khởi đầu đáng kể vì chúng tôi đã nối tiếp đơn hàng mới, với người mua từ châu Âu".

Tại thời điểm hiện nay, các đơn hàng thương mại B2B của TT Garment chủ yếu vẫn theo hình thức OEM, khách hàng chưa yêu cầu các tiêu chuẩn xanh. Với các đơn hàng đã xuất trong 9 tháng đầu năm và đang nối tiếp, tổng doanh số xuất khẩu B2B của công ty nhóm SME này dự kiến trong 2023 ước đạt khoảng 500.000 USD. 

Có thể bạn quan tâm

  • Cần có chế tài để doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên môi trường TMĐT

    Cần có chế tài để doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên môi trường TMĐT

    00:06, 03/06/2023

  • Cần xác định rõ bản chất hoạt động của TMĐT để có chính sách quản lý phù hợp

    Cần xác định rõ bản chất hoạt động của TMĐT để có chính sách quản lý phù hợp

    04:00, 11/04/2023

  • SLP bàn giao nhà kho hiện đại cho sàn TMĐT lớn nhất Đông Nam Á

    SLP bàn giao nhà kho hiện đại cho sàn TMĐT lớn nhất Đông Nam Á

    11:27, 18/12/2022

  • “Đi chợ” container quốc tế trên sàn TMĐT logistics của người Việt

    “Đi chợ” container quốc tế trên sàn TMĐT logistics của người Việt

    13:30, 05/10/2022

LÊ MỸ