Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Hải Phòng?
Việt Nam là nước có quan hệ song phương quy mô lớn với cả Mỹ và Trung Quốc. Vậy hành động của hai quốc gia này ảnh hưởng thế nào đối với kinh tế Việt Nam nói chung, địa phương Hải Phòng nói riêng?
Là địa phương sở hữu cửa ngõ giao thương hàng hải lớn nhất miền Bắc, qua hệ thống dịch vụ cảng biển và các phân ngành kinh tế liên quan, đồng thời cũng thuộc nhóm đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, nên trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Hải Phòng sẽ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn, bao gồm cả yếu tố tiêu cực lẫn tích cực.
Có thể bạn quan tâm |
Thứ nhất, Hải Phòng có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3.911 triệu USD, tăng 25,34% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó riêng khu vực có vốn FDI đạt 2.946,7 triệu USD, chiếm tới 75,3% tổng mức. Tương tự tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 3.736,6 triệu USD, khu vực có vốn FDI đạt 2.780,9 triệu USD, chiếm 74,4% tổng mức.
Điều này cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu của Hải Phòng phụ thuộc rất lớn vào đầu tư nước ngoài, bên cạnh thuận lợi cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khi chính sách thương mại quốc tế biến động.
Thứ hai, cũng liên quan đến yếu tố nước ngoài, như đã nói trên, Hải Phòng thuộc nhóm đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Cụ thể tính đến thời điểm này thành phố có 547 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 15.645,854 triệu USD. Vấn đề đặt ra là dù tăng trưởng mạnh, nhưng phương thức sản xuất gia công chiếm tỷ lệ rất lớn, kể cả những doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao mới được đầu tư. Trong khi đó, do công nghiệp phụ trợ của Hải Phòng cũng như cả nước kém phát triển, dẫn đến một lượng không nhỏ nguyên phụ liệu, bán thành phẩm phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Như vậy, khi nguồn gốc xuất xứ gặp vấn đề, rất có thể hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sẽ gặp khó từ các chính sách của Mỹ. Điều này trên thực tế đã xảy ra đối với một số doanh nghiệp dệt may, da giày của Hải Phòng.
Thứ ba, trong trường hợp dòng chảy hàng hóa từ Trung Quốc gia tăng vào Việt Nam, thì Hải Phòng với vị thế cửa ngõ đủ 5 loại hình giao thông sẽ là nơi tiếp nhận sôi động. Hoàn cảnh này sẽ làm phát sinh các nguy cơ về quản lý xuất nhập khẩu tiểu ngạch, về hàng lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại. Chưa kể về dịch vụ, tranh chấp thương mại sẽ tác động trực tiếp đến lưu lượng hàng hóa, chính sách thu nhập của dạng hàng tạm nhập tái xuất, vốn dĩ chiếm tỷ lệ rất lớn qua hệ thống dịch vụ cảng Hải Phòng.
Vẫn biết trong cuộc “tranh tối, tranh sáng” của hai nền kinh tế lớn, Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung sẽ có nhiều mảng hưởng lợi. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, các cuộc tranh chấp thương mại thường bao hàm phạm vi rộng, thậm chí tạo ra sự đảo lộn của môi trường thương mại toàn cầu. Vì vậy chúng ta cũng không thể bàng quan, cho rằng căng thẳng đang diễn ra là chuyện riêng của hai nước Mỹ - Trung, mà cần có biện pháp chủ động để ứng phó, từ cấp trung ương tới các địa phương.