Giá dịch vụ y tế giảm mạnh giúp CPI tháng 7 "hạ nhiệt"
Với mức giảm cao nhất (7,58%) trong tháng này giá dịch vụ y tế đã góp phần giảm 0,29% chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2018.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2018. Theo đó, CPI tháng này đã giảm nhẹ 0,09% so với tháng 6, tuy nhiên vẫn tăng 2,13% so với tháng 12/2017 và tăng 4,46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 7, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức giảm cao nhất 5,85% (dịch vụ y tế giảm 7,58%) do điều chỉnh giảm giá dịch vụ y tế làm CPI chung giảm 0,29%.
Nhóm giao thông giảm 0,52% chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 22/6 và thời điểm 23/7 làm CPI chung giảm 0,05%.
Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%. Các nhóm còn lại đều có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,43%, trong đó lương thực giảm 0,92% do giá gạo giảm 0,8%; thực phẩm tăng 0,87% chủ yếu do giá thịt lợn tăng 3,02% (làm CPI chung tăng 0,13%).
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,37% do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,26%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; nhóm đồ uống, thuốc lá và nhóm giáo dục cùng tăng 0,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,56%.
Có thể bạn quan tâm
CPI tháng 6 tăng cao nhất trong 7 năm qua
09:45, 29/06/2018
Giá xăng đẩy CPI tháng 5/2018 tăng cao nhất trong 6 năm
11:41, 29/05/2018
Giá gạo, xăng dầu “đẩy” CPI tháng 4 tăng mạnh
07:52, 30/04/2018
Giá ô tô và xăng dầu kéo CPI tháng 3 giảm
10:34, 29/03/2018
Đây là diễn biến khá ngược với dự báo, bởi sau mức tăng 0,61% của tháng 6/2018, nhiều ý kiến lo ngại rằng, CPI sẽ tiếp tục xu hướng tăng, ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của cả năm.
Việc CPI tháng 7/2018 giảm tốc, thậm chí còn âm so với tháng trước đã góp phần quan trọng vơi bớt nỗi lo lạm phát cao quay trở lại trong năm nay. Tuy nhiên, dù CPI tháng 7 giảm nhẹ, CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng vẫn tăng 3,45%, tiến khá sát đến mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả thị trường để có thể đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã quyết nghị.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/2018 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,41% so với cùng kỳ. 7 tháng đầu năm 2018, lạm phát cơ bản so cùng kỳ tăng 1,36%.
Trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản 7 tháng đầu năm 2018 so cùng kỳ ở mức 1,36%, phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.