Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3, so với tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,27% nhưng lại tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý I năm 2018 của Tổng cục Thống kê diễn ra sáng nay, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so tháng 2/2018; tăng 2,266% so với cùng kỳ; tăng 0,97% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 3 tháng đầu năm tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm hàng giảm: Giao thông giảm 0,77% do thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN giảm xuống 0% làm giá bán ô tô trong nước giảm theo; giá xăng dầu giảm 1,3% so với tháng trước và giá vé ô tô khách, tàu hỏa giảm sau dịp tết Nguyên đán 2018; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,62%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,28%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,28%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,17%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,09%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,1%; bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
Có 3 nhóm tăng gồm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,98%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,02%; giáo dục tăng 0,01%.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân làm giảm CPI tháng 3 là do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm nên giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm từ 0,08-1,63% so với tháng trước và giảm ở các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, hải sản tươi sống, rau tươi. Theo đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,62% góp phần giảm CPI chung 0,23%.
Giá vé tàu hỏa giảm 16,6% sau Tết Nguyên đán. Giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 1,99%, do một số đơn vị kê khai tăng giá trước Tết giảm giá trở về giá cũ. Giá gas giảm 3,7% do các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh giảm từ ngày 1/3 với mức giảm 13.000 đồng/bình 12kg..
Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá các mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép, đồ uống, thuốc lá trở về mặt bằng giá trước Tết Nguyên đán.... cũng kéo CPI tháng 3 giảm.
Mặc dù chỉ số CPI tháng 3 giảm, tuy nhiên, theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng quý I/2018 vẫn tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,92% so với tháng 12 năm trước. Nguyên nhân là do giá dịch vụ y tế, học phí và mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng.
Hơn nữa, tháng 1 và tháng 2 là tháng Tết nên nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực tăng 3,99% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 0,18% do các thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu sang Indonesia và Philippines.
Ngoài ra, giá các mặt hàng đồ uống, thuốc là và các loại quần áo may sẵn tăng cao trong dịp Tết do nhu cầu tăng, bình quân 3 tháng đầu năm 2018 chỉ số giá các nhóm này lần lượt tằng 1,36% và 1,39% so với cùng kỳ năm 2017.