Khó chống hàng giả, hàng nhái khi người mua tiếp tay gian thương
Có thể nói, chính sự dễ dãi, ham rẻ của người mua cũng là nhân tố tiếp tay cho gian thương. Người tiêu dùng khi đó vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
Không rõ xuất xứ hàng hóa trên khâu lưu thông
Trung tuần tháng 7/2018, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hải Phòng đã tiến hành một đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn các quận nội thành. Trong đó, Chi cục kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Khải Thành, số 209 Hai Bà Trưng, quận Lê Chân, do bà Hoàng Thị Phương Thảo làm chủ và cửa hàng Khánh Linh, số 102 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, do bà Nguyễn Thị Thu Hằng làm chủ.
Khi đoàn kiểm tra, chủ hai cơ sở kinh doanh này không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của nhiều loại mỹ phẩm. Chi cục QLTT đã tạm giữ 24 thùng carton với khoảng 1 tấn mỹ phẩm bao gồm trên 55 sản phẩm các loại, trong đó chủ yếu là các loại dầu gội đầu, dầu xả, dầu ủ tóc, thuốc pha nhuộm tóc, sáp vuốt tóc.
Trước đó, tháng 6/2018, Chi cục QLTT đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - CATP (PC64) kiểm tra đột xuất xe ô tô Camry BKS: 29A-85561 trên đường di chuyển từ Quảng Ninh về Hải Phòng. Sau khi Cảnh sát giao thông dừng phương tiện, Đoàn kiểm tra tiến hành khám phương tiện phát hiện trên xe có 13 thùng carton và bọc nylon bên trong chứa 720 chiếc điện thoại Iphone, Oppo… đã qua sử dụng.
Người vận chuyển là ông Phạm Thanh Chiến và ông Nguyễn Thành Đoan, đăng ký thường trú tại Móng Cái, Quảng Ninh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số hàng nói trên. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng trị giá 1,5 tỉ đồng và xe ô tô để điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Chỉ cơ quan Quản lý thị trường thôi chưa đủ
Việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa trên khâu lưu thông và từ nơi sản xuất đều hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm do nhân dân phát giác với cơ quan chức năng. Đơn cử như vụ dư luận xã hội hết sức quan tâm, bức xúc sản xuất thực phẩm chức năng Vinaca tại quận Kiến An, Hải Phòng.
Thời gian qua, UBND TP Hải Phòng quan tâm chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trọng tâm là chống buôn lậu thuốc lá, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm. Kết quả trong 6 tháng đầu năm, các thành viên Ban chỉ đạo 389 Hải Phòng đã tổ chức kiểm tra xử lý 5.140 vụ, nộp ngân sách trên 152 tỷ 487 triệu đồng.
Ông Đào Văn Long, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục QLTT Hải Phòng cho biết: Để đạt được kết quả đó, Chi cục QLTT thành phố đã thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa Sở Công thương và CA thành phố. Đồng thời, Chi cục QLTT đã chỉ đạo các đội QLTT triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa các đội QLTT và Công an các quận, huyện và các phòng nghiệp vụ thuộc CATP trong thực thi công tác chuyên môn.
Bên cạnh đó, Chi cục QLTT Hải Phòng còn tích cực triển khai quy chế phối hợp với 6 chi cục QLTT thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kiểm soát an toàn thực phẩm và hoạt động kinh doanh trái phép khác trên thị trường nội địa…
Có thể bạn quan tâm
Kiểm tra toàn diện Công ty Con Cưng
05:19, 26/07/2018
Khủng hoảng niềm tin: Từ Khaisilk đến Con Cưng
05:00, 25/07/2018
"Con Cưng thay mác tức là làm hàng giả"
11:02, 27/07/2018
TP.HCM: Hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường
05:16, 19/06/2018
Thương mại điện tử và cơ hội cho các hãng giao vận tại Việt Nam
02:00, 05/06/2018
Chống nạn rượu, bia giả bằng tem chống hàng giả công nghệ 6.0
11:16, 19/06/2018
Khi người mua mua tiếp tay cho gian thương…
Tâm lý người tiêu dùng dễ dãi, chuộng hàng rẻ cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho gian thương sản xuất buôn bán hảng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Chính người tiêu dùng chứ không phải là cơ quan chức năng không coi trọng xuất xứ hàng hóa khi tiêu thụ sản phẩm.
Trong nhiều trường hợp người mua đương nhiên biết đấy là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn vô tư chấp nhận bởi tâm lý “tiền nào của nấy”, mà không hề lăn tăn gì về quy phạm đạo đức hay pháp lý của nhà sản xuất, nhà phân phối. Như vậy chính người tiêu dùng chứ không phải ai khác đã tiếp tay cho gian thương. Người tiêu dùng vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
Xuất xứ hàng hóa được thể hiện qua hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên việc sử dụng hóa đơn ở cả người bán và người mua còn bất cập. Ông Nguyễn Huy Nhặn, Phó cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng cho rằng: “Người mua, khi không lấy hoá đơn tức là tự đánh mất minh chứng việc giao dịch, vận chuyển và sở hữu hàng hóa hợp pháp của mỗi cá nhân cũng như khi muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong các trường hợp có vấn đề về chất lượng hàng hóa hay bảo hành sản phẩm”.
“Người mua cần lấy hoá đơn để bảo vệ quyền lợi của mình và làm căn cứ chứng minh nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ quyền lợi cho cá nhân trước pháp luật, gia đình khi có tranh chấp, khiếu nại về chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng hoặc xảy ra bất kỳ sự việc bất khả kháng khác” – ông Nhặn khuyến cáo.
Thời gian qua, riêng Chi cục QLTT thành phố Hải Phòng đã kiểm tra 1.639 vụ, trong đó công tác chống buôn lậu, vận chuyển và buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu 14 vụ; công tác chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ và không đảm bảo VSATTP kiểm tra 48 vụ; công tác kiểm tra chấp hành pháp luật thương mại là 1,577 vụ.
Qua kiểm tra, Chi cục QLTT Hải Phòng phát hiện và xử lý kịp thời 831 vụ việc vi phạm với tổng số tiền phạt trên 2 tỷ 792 triệu đồng, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2 tỷ 544 tỷ đồng, số tiền xử phạt hành chính là gần 2 tỷ đồng, trị giá hàng phát mại là hơn 597 triệu đồng, trị giá hàng tiêu hủy là 248 triệu đồng và hàng chờ xử lý trị giá trên 5 tỷ đồng…