Giải pháp nào cho thực trạng quá tải tro, xỉ nhiệt điện tại Quảng Ninh?
Quảng Ninh là tỉnh có 7 nhà máy nhiệt điện, nhiều nhất cả nước. Hiện nay tình trạng quá tải tro, xỉ đang diễn ra tại nhiều nhà máy và chưa có giải pháp hiệu quả.
Tro, xỉ nhiệt điện đã quá tải nghiêm trọng
Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả (thuộc phường Cẩm Thịnh, TP.Cẩm Phả) do TKV đầu tư, gồm 2 tổ máy với tổng công suất 600 MW, bắt đầu hoạt động từ năm 2010. Theo thiết kế, bãi thải được cấp phép của nhà máy này rộng khoảng 34ha với công suất 1.000.000 tấn/năm.
Lãnh đạo Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả - thừa nhận, bãi chứa tro xỉ của nhà máy đã quá tải, nhưng đơn vị chỉ đổ vượt cao tầng của bãi thải chứ không mở rộng ra. Trong khi bãi đổ thải thứ 2 cách bãi 1 khoảng 10km thì chưa có đánh giá tác động môi trường. Hơn nữa, việc vận chuyển bằng đường biển sẽ rất tốn kém.
Tại bãi xỉ thải của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1, ở phường Mông Dương, TP.Cẩm Phả có tổng dung tích là 2,25 triệu m3, hiện cũng đang rơi vào tình trạng quá tải.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Công ty nhiệt điện Đông Triều thuộc TKV (Đơn vị chủ quản nhà máy nhiệt điện Mạo Khê) cho biết, mỗi năm nhà máy nhiệt điện Mạo Khê thải ra khoảng 650.000 tấn tro, xỉ. Nhưng hiện tại, chỉ có khoảng 17% lượng tro xỉ của nhà máy này được sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng không nung và phụ gia xi măng.
Giải pháp từ gạch không nung
Dùng tro xỉ để sản xuất gạch không nung, một giải pháp vừa xử lý được tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện, không gây nên sự quá tải, giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường, vừa có sản phẩm phục vụ nhu cầu xây dựng. “ Một việc làm, ba lợi ích”- Tuy nhiên con đường sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp hiện đag khó khăn .
Trao đổi với Pv DĐDN, ông Vũ Thanh Tuyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Tuyền (Thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết, nhà máy của mình sản xuất sản phẩm gạch, ngói không nung từ nguồn nguyên liệu tro, xỉ than thuộc loại lớn nhất Việt Nam, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động với công suất khoảng 60 triệu viên/năm.
Năm nay, dự kiến công ty sử dụng trên 360.000 tấn tro xỉ và tới năm 2019 sử dụng trên 600.000 tấn. Con số này có thể tăng mạnh và sẽ giải quyết được phần nào việc tồn đọng tro, xỉ trên địa bàn nếu công ty không vướng phải một số khó khăn.
Khó khăn trước hết là công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ vẫn chủ yếu của Trung Quốc nên chất lượng còn nhiều hạn chế. Trong khi công nghệ của các nước tiên tiến khác đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Mặt khác việc đưa sản phẩm gạch ngói không nung ra thị trường hiện còn thiếu các chứng nhận chất lượng của các cơ quan nhà nước nên việc tiêu thụ chưa thật sự thuận lợi, sức cạnh tranh không cao.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than
11:51, 21/06/2018
Quảng Ninh: Khai trương nhà máy gạch không nung
08:02, 25/11/2017
Gạch không nung tại Việt Nam: “Đông cứng” ở... tiềm năng
00:00, 12/06/2015
Cũng theo ông Tuyền, việc sản xuất gạch không nung còn đang gặp một số rào cản pháp lý trong đó có việc các cơ quan chức năng chưa đưa ra được những quy chuẩn rõ ràng, ví dụ như đây là loại chất thải như thế nào, tái sử dụng là vật liệu sản xuất ra sao? "Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, họ đưa quy chuẩn rất tốt, làm xi măng thì quy chuẩn thế nào, vật liệu không nung thì ra sao, các doanh nghiệp chỉ cần áp vào để thực hiện", ông Tuyền cho biết.
Vì vậy, với thực trạng số lượng nhà máy nhiệt điện và lượng tro xỉ thải ra trong quá trình sản xuất trong hiện tại cũng như tương lai, Quảng Ninh rất cần xây dựng một chiến lược về xử lý chất thải nhiệt điện bằng sản xuất gạch không nung, đưa về quy chuẩn, làm rõ tiêu chuẩn cụ thể về nguyên liệu, chất lượng sản phẩm. Tro xỉ cần phải được đưa vào diện hàng hóa, chứ không thể là chất thải cần xử lý đơn thuần.
“Muốn thu hút các doanh nghiệp đầu tư tái chế, sử dụng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, cần có cơ chế rõ ràng, cụ thể và khả thi trong thực tiễn thì mới có thể giải quyết được bài toán nan giản này”, ông Tuyền khẳng định
Theo tìm hiểu của phóng viên, thì hiện nay cơ chế chính sách của tỉnh Quảng Ninh với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung từ tro, xỉ chưa thực sự cởi mở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Đặc biệt là vấn đề vay vốn và hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ.
Trong khi đó tại Trà Vinh, Bình Thuận, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây dựng không nung bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường được hỗ trợ 30% lãi suất cho vay tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước trong 3 năm để đầu tư dây chuyền với mức tối đa 150 triệu đồng/năm; hoặc được hỗ trợ tối đa 40% chi phí ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất vật liệu xây dựng không nung, nhưng không quá 170 triệu đồng/dự án.
Đối với việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công, tổ chức hoặc cá nhân được hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò với mức: 10 triệu đồng với lò có công suất dưới 0,4 triệu viên/năm; 15 triệu đồng với lò có công suất từ 0,4-0,65 triệu viên/năm và hỗ trợ 20 triệu đồng/lò với lò có công suất trên 0,65 triệu viên/năm
Người lao động tại các lò sản xuất gạch đất nung thủ công được xét hỗ trợ để ổn định đời sống với mức 210.000 đồng/người/tháng trong 12 tháng, với số lượng từ 5-9 người/lò tùy công suất; đồng thời được hỗ trợ đào tạo nghề theo đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
Nếu Quảng Ninh có những chính sách ưu đãi hơn, chắc chắn sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung từ tro, xỉ nhiệt điện. Và bài toán về quá tải tro, xỉ chắc chắn sẽ có lời giải hiệu quả.