"Cửa hẹp" xuất khẩu cá tra sang Mỹ
Việt Nam chiếm 90% thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Đây được cho sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp của Việt Nam chiếm lĩnh thị phần của thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ nhì thế giới.
Gặp khó vì thuế cao
Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 6/2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 196,8 triệu USD, chiếm 19,6% tổng xuất khẩu cá tra và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn còn đang chờ đợi thêm tín hiệu từ thị trường để có những bước đi trong thời gian tới.
Đầu năm nay, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lần cuối cùng trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 13- POR13 (giai đoạn từ 1-8-2015 đến 31-7-2016) với mức thuế cao nhất trong hơn 15 năm qua, có doanh nghiệp chịu mức thuế lên đến 7,74 đô la Mỹ/kg, thì một số dự báo được đưa ra cho rằng xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ rất khó khăn. Hiện chỉ có 14 doanh nghiệp có thể tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này.
Ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) thừa nhận, cá tra philê xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ phải chịu mức thuế cao trong hơn 15 năm qua.
“Từ năm 2001, mức thuế Mỹ áp cho chúng ta chỉ mấy chục phần trăm (%), nhưng năm nay (POR13) doanh nghiệp bị cao nhất đến 7,74 đô la/kg và các doanh nghiệp chịu thuế bình quân (có tham gia vụ kiện) là 3,84 đô la/kg, cao bằng giá bán”, ông dẫn chứng.
Còn theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – Tổng Giám đốc Vĩnh Hoàn, cho biết, các rào cản về kỹ thuật, thời gian lưu kho, vận chuyển… theo như yêu cầu của Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) trong chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ có hiệu lực từ đầu tháng 8/2017 đã khiến việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ khó khăn hơn.
Do phải gánh thêm các chi phí cho việc kiểm tra chất lượng sản phẩm theo quy định của FSIS, giá cá tra xuất khẩu vào thị trường này đã tăng nhiều từ giữa năm 2017. Giá tăng đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của cá da trơn Việt Nam cũng giảm nhiều.
Ông Hàng Văn – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) cũng cho biết, trên danh nghĩa có hơn chục doanh nghiệp được phép xuất khẩu cá tra vào Mỹ nhưng trên thực tế, mức thuế chống bán phá giá quá cao, lại thêm việc kiểm tra gay gắt, kéo dài khiến chi phí lưu kho, chi phí vận chuyển đội lên, hầu hết các doanh nghiệp không chịu nổi, phải bỏ thị trường.
Cần tìm thị trường thay thế
Cá tra cũng là ngành có thể được hưởng lợi trong cuộc chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ- Trung. Hiện tại, Việt Nam chiếm 90% thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ và Trung Quốc chỉ chiếm 10% còn lại. Tuy nhiên, Trung Quốc hầu như chỉ xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng, sản phẩm chế biến sẵn nên giá thành cá tra của họ cao gần gấp đôi so với cá tra Việt Nam. Đây là vấn đề nhức nhối không chỉ với cá tra mà còn là vấn đề của nhiều loại nông sản Việt Nam khi chúng ta thường chỉ bán được sản phẩm đại trà, còn thị trường cao cấp phải nhường cho người khác.
Có thể bạn quan tâm
Cá tra xuất khẩu Việt Nam đã phát triển thế nào trong 20 năm qua?
10:09, 22/06/2018
Cá tra lại đứng trước nguy cơ "vỡ trận"
06:00, 03/05/2018
Cá tra “bỏ quên” thị trường nội địa
19:44, 25/04/2018
Thách thức lớn với xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc
05:19, 19/04/2018
Trước thực trạng này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhìn nhận, tùy theo nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp có thể phối hợp với các đối tác nhập khẩu của Mỹ xem xét xuất khẩu các sản phẩm ngoài sản phẩm phile đang bị áp thuế cao. Mặt khác, các doanh nghiệp có thể gia tăng giá trị xuất khẩu cá tra thông qua việc nghiên cứu, cho ra các dòng sản phẩm chế biến, chất lượng cao. Từ đó, có thể nâng cao giá trị gia tăng một cách bền vững cho cá tra Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng khuyến cáo, để tránh những rủi ro cũng như việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao với cá tra, cá ba sa của Việt Nam, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu nếu tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do với EU (dự kiến hiệu lực từ tháng 6/2018) và với Hàn Quốc, đồng thời mở rộng và chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác như Trung Quốc, Nhật Bản,...
Năm 2018, cá tra xuất khẩu được kỳ vọng sẽ mang về cho Việt Nam khoảng 1,85 tỷ USD. Theo VASEP, bên cạnh những thị trường trọng tâm nêu trên, các thị trường khác như EU, Brazil, Mexico… cũng được doanh nghiệp cá tra đẩy mạnh. Hiện nay sản lượng cá tra Việt Nam xuất sang EU chiếm 11% tổng sản lượng, Brazil và Mexico chiếm 6%. Con số này sẽ cải thiện trong năm 2018 khi thị trường Mỹ gặp khó.