Xuất khẩu rau quả: Khó khăn bủa vây
Không chỉ giảm sản lượng do mùa mưa, xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Bộ NN&PTNT dự báo, cả năm nay xuất khẩu rau quả đạt khoảng 4,5-4,7 tỷ USD.
7 tháng mang về 2,3 tỷ USD
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá trị xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong nửa đầu năm với 74% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này nửa đầu năm đạt 1,47 tỷ USD, tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Thái Lan (37,6%), Hàn Quốc (16,7%), Hoa Kỳ (15,9%) và Malaysia (12,9%).
Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong nửa đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau quả tăng khá, trong đó kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau củ đạt tốc độ tăng trưởng 54% so với cùng kỳ 2017, đạt 232 triệu USD, tiếp theo là mặt hàng quả và sản phẩm chế biến đạt 229 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ.
"Xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, nếu so với tốc độ tăng trưởng 48,4% trong 7 tháng năm 2017 so với 7 tháng năm 2016", Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Xét về giá trị mang lại từ xuất khẩu thì mặt hàng quả chiếm lớn nhất, với 1,512 tỷ USD, tăng hơn 17,2% so với cùng kỳ.
Thanh long, sầu riêng, xoài, nhãn và măng cụt là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018. Thanh Long xuất khẩu đã mang về 625 triệu USD sau 6 tháng, sầu riêng 177 triệu USD, nhãn 126 triệu USD, măng cụt 82 triệu USD, dưa hấu 73 triệu USD, cam canh 57 triệu USD...
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xoài đạt 132,1 triệu USD, tăng 79,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Mặt hàng xoài xuất khẩu chủ yếu tới một số thị trường chính như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, Nga... Trong đó, kim ngạch xuất khẩu xoài sang thị trường Trung Quốc chiếm 8,75% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng quả của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Khó khăn bủa vây
Mặc dù đã đạt được những con số đáng khích lệ tuy nhiên, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể sẽ khó khăn do ảnh hưởng mùa mưa, sản lượng một số loại giảm.
Đặc biệt ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm. Trung Quốc sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa khiến nhu cầu nhập khẩu giảm xuống. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Mặc dù nhiều FTA đã được ký kết trong thời gian qua tạo điều kiện cho ngành rau quả mở cửa các thị trường mới, nhưng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu này cũng vẫn là rào cản chính đối với xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Thấy gì sau những con số "ấn tượng" về xuất khẩu rau quả?
05:49, 22/07/2018
Rau quả "vượt" dầu thô: Vẫn "canh cánh" bài toán chất lượng
04:00, 29/04/2018
EU - thị trường lớn với nhiều yêu cầu khắt khe cho hàng rau quả Việt
06:00, 05/04/2018
Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018 (Kỳ 7): Giá trị xuất khẩu rau quả liên tục tăng cao
10:15, 15/03/2018
Từ những khó khăn "nhãn tiền", Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết các doanh nghiệp cần tăng cường các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo chất lượng rau quả phục vụ xuất khẩu, nhất là với việc thông tin, kiểm tra chất lượng của thị trường nhập khẩu.
Các chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, thời gian tới, rau quả Việt Nam xuất khẩu có thể sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại tại các thị trường truyền thống. Để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành rau và trái cây cần tiếp tục rà soát quy hoạch nhằm ổn định nguồn cung, tăng cường chuỗi liên kết, thu hút sự tham gia tích cực hơn của doanh nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp, cần tổ chức liên kết sản xuất theo nhu cầu và bám sát theo tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp trong ngành rau quả cần tiếp tục chú trọng phát triển, ứng dụng các quy trình công nghệ bảo quản trái cây sau thu hoạch, chế biến sâu để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường bậc cao như: Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết: Từ nay đến hết năm, với sản xuất, xuất khẩu nông sản nói chung, rau quả nói riêng, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn (cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao) và sang các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm...