EU là thị trường lớn và tiềm năng cho hàng rau quả của Việt Nam, đây là thị trường yêu cầu cao về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Theo thống kê từ Ủy ban châu Âu, năm 2017, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng rau quả của EU đạt 105,8 tỷ Euro (tương đương với 130,7 tỷ USD), giảm nhẹ so với năm 2016.
Đáng chú ý, nhập khẩu nội khối có xu hướng giảm, trong khi nhập khẩu từ các thị trường ngoài EU đạt 32,7 tỷ Euro (tương đương với 40,2 tỷ USD), tăng 2,8% so với năm 2016.
EU là thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu thế giới, với trị giá nhập khẩu hàng rau quả chiếm tới 50% tổng trị giá toàn cầu, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,9% tổng nhập khẩu hàng rau quả của EU. Mặc dù nhập khẩu trị giá hàng rau quả từ Việt Nam thấp, nhưng tốc độ tăng trưởng lại cao.
EU là thị trường lớn và tiềm năng cho hàng rau quả của Việt Nam, đây là thị trường yêu cầu cao về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm là những vấn đề quan trọng mà EU quan tâm. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, EU hạn chế sử dụng một số hóa chất, do đó sản phẩm nhập khẩu được kiểm soát kỹ. Để có thể xuất khẩu mặt hàng rau quả vào thị trường EU, ngoài vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt phải đạt chuẩn HACCP hay GlobalGAP.
Hiện nay, GlobalGap trở thành tiêu chuẩn tối thiểu cho các siêu thị ở EU. Đây là tiêu chuẩn bao gồm toàn bộ quy trình sản xuất, chưa tính chế biến và đóng gói. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chú ý tới xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên.
Về phía doanh nghiệp, cần tập trung quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung phục vụ cho sản phẩm chủ lực xuất khẩu; đầu tư cho công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật và công nghệ bảo quản, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam, các sản phẩm rau quả xuất khẩu cần hướng tới các sản phẩm hữu cơ vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên.