Xuất khẩu gạo nếp lại "đóng băng"

Nha Trang 01/09/2018 05:06

Thị trường gạo nếp nhanh chóng rơi vào trạng thái “đóng băng” khi thị trường xuất khẩu lớn nhất loại sản phầm này của Việt Nam là Trung Quốc áp thuế bổ sung thêm 45%.

Trong nửa đầu năm 2018, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc diễn ra rất thuận lợi. Thế nhưng từ tháng 7 đến nay, hạt gạo Việt bắt đầu gặp những khó khăn không nhỏ khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu gạo khi thuế nhập khẩu tăng từ 5% lên đến 50% và thay đổi trong hạn ngạch nhập khẩu.

Rào cản lớn

Lâu nay Trung Quốc là thị trường chính của mặt hàng gạo Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất 1,2 triệu tấn gạo sang nước này, chiếm 43% thị phần, nhưng đến 6 tháng đầu năm 2018, thị phần giảm chỉ còn 27% do gạo nếp xuất khẩu giảm hẳn vì rào cản thuế quan.

Bên cạnh đó, hạn ngạch nhập khẩu (quota) cũng là một nguyên nhân. Trước đây, gạo nếp; gạo xuất khẩu vào Trung Quốc phải mua quota với giá 20 USD/tấn và thêm 1% thuế lương thực. Năm nay Trung Quốc tăng giá bán quota lên tới 120 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp không mua quota sẽ phải chịu mức thế nhập khẩu 50%, cao gấp 10 lần so với trước đây là 5%. Việc áp thuế bắt từ đầu tháng 7 năm nay.

Việc đánh thuế quá cao khiến doanh nghiệp Việt Nam phải tìm những thị trường khác, nhưng thị trường Trung Quốc gần như “độc quyền” tiêu thụ gạo nếp của Việt Nam trong những năm gần đây nên sản phẩm gạo nếp hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết, thời điểm đầu năm, giá gạo nếp ở mức 530-540 USD/tấn, các đơn vị kinh doanh lẫn nông dân đều mừng vì lợi nhuận tốt. Vậy mà hai tháng nay, giá gạo nếp giảm chỉ còn trên dưới 400 USD/tấn, bán không có lời. Việc gạo nếp bị ép giá dưới 400 USD/tấn cũng là mức giá thấp nhất trong vòng hai năm gần đây”.

Còn  theo bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco cho biết việc thị trường Trung Quốc thay đổi thuế nhập khẩu đối với mặt hàng gạo nếp từ 5% lên 50% cũng như biến động giữa đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ khiến xuất khẩu gạo nếp vào Trung Quốc nói riêng và thị trường gạo nói chung giảm mạnh. Điều này, dẫn đến thị trường nội địa cũng gần như "đóng băng" như nêu ở trên.

Theo các chuyên gia, những năm trước tăng trưởng xuất khẩu gạo nếp vào Trung Quốc rất tốt, giá cao. Thế nhưng, sau khi nhập một lượng sản phẩm đủ lớn, nước này dựng lên rào cản để giảm sức cạnh tranh của gạo nếp Việt Nam. Doanh nghiệp muốn tiếp tục xuất khẩu phải “đè” giá xuống mới có lời. Mà đè giá thì thiệt thòi thuộc về nông dân. Đây là chiêu thức quen thuộc của Trung Quốc. Cộng thêm hiện nay nhiều nước đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào Trung Quốc làm cho nước này càng có cơ hội gây khó cho lúa gạo Việt Nam.

Tìm con đường mới

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nguyên nhân cơ bản khiến xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm là do Trung Quốc thay đổi chính sách kiểm soát doanh nghiệp nhập khẩu gạo, giảm từ 150 doanh nghiệp xuống chỉ còn 22 doanh nghiệp. Đến đầu năm 2018, có 3 trong số 22 doanh nghiệp này lại bị Trung Quốc rút giấy phép do vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật. Như vậy, trong năm 2018 chỉ còn 19 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu gạo vào Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Mở “đại lộ” cho gạo Việt

    Mở “đại lộ” cho gạo Việt

    05:17, 25/08/2018

  • Quy định mới về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

    Quy định mới về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

    19:05, 20/08/2018

  • Xuất khẩu gạo Việt: Lắm nỗi truân chuyên

    Xuất khẩu gạo Việt: Lắm nỗi truân chuyên

    11:00, 05/08/2018

  • Hạt gạo Việt và mối lo

    Hạt gạo Việt và mối lo "chạm đáy"

    03:00, 22/07/2018

  • Vì sao xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm đột ngột?

    Vì sao xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm đột ngột?

    03:27, 18/07/2018

Mấu chốt của việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát nhập khẩu gạo từ Việt Nam là vì lâu nay, hoạt động xuất nhập khẩu gạo giữa Việt Nam - Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, khó kiểm soát, họ muốn tăng cường kiểm soát biên giới để hướng tới nhập khẩu chính ngạch nhằm quản lý chất lượng, tránh thất thu thuế. Đây là yêu cầu tất yếu trong quản lý an toàn thực phẩm và chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Do đó, để tiếp tục khai thác lại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam phải xem lại năng lực của mình trong việc tuân thủ yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Chỉ những doanh nghiệp có đầu tư bài bản mới làm ăn được lâu dài. Và hướng tới xuất khẩu gạo theo đường chính ngạch sang Trung Quốc là hoạt động lâu dài, ổn định mà các doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm.

Chính vì vậy, mới đây Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan mời đoàn doanh nghiệp nhập khẩu lương thực Trung Quốc vào Việt Nam giao dịch, kết nối mua hàng. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, trao đổi và thảo luận về nhu cầu, thị hiếu, chủng loại, chất lượng và giá cả sản phẩm.

Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” nữa. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xúc tiến xuất khẩu gạo theo đường chính ngạch, đồng thời nỗ lực tìm thêm các thị trường mới, tránh lệ thuộc thị trường Trung Quốc.

Một số chuyên gia cho rằng, một lượng rất lớn gạo nếp nhập từ Việt Nam được Trung Quốc chế biến thành bột nếp. Chính vì vậy về lâu dài các doanh nghiệp cần nghiên cứu chế biến bột nếp để đa dạng hóa sản phẩm và giảm thiểu rủi ro.

Nha Trang