Dệt may đang "hụt hơi" ở thị trường nội địa
Đầu tư để làm sao đáp ứng được nhu cầu một cách lâu dài, một cách bền vững không bị trồi sụt là bài toán cần giải ngay lúc này của ngành dệt may Việt Nam khi muốn chiếm lĩnh "sân nhà".
Vẫn phụ thuộc vào gia công xuất khẩu
Theo báo cáo ngành dệt may của Công ty chứng khoán quốc tế (VIS), dệt may là một trong những ngành xuất siêu kỷ lục của Việt Nam khi năm 2017 đạt thặng dư đến 15,5 tỷ USD. 8 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 19,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 10,4% của cùng kỳ 2017.
4 thị trường lớn Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm đến 75% giá trị hàng xuất khẩu Việt Nam. Các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ bên cạnh thị trường mới Trung Quốc cũng gia tăng đến gần 50%.
Cơ hội đến với dệt may là thế, nhưng không thiếu những rào cản vẫn còn lấn át. Giá trị gia tăng trong sản phẩm thời trang Việt thực tế vẫn rất thấp khi những đơn hàng, hợp đồng sản xuất hay xuất khẩu theo ODM (bao gồm cả khâu thiết kế) vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, trong khi phần lớn là hợp đồng xuất khẩu gia công.
Ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Vinatex cho biết, lâu nay dệt may Việt Nam vẫn đang tập trung quá nhiều vào sản xuất, gia công xuất khẩu mà quên đi khía cạnh phát triển mạnh mẽ thời trang dệt may.
Thế nhưng dung lượng, quy mô thị trường nội địa thấp, ước chừng 4,5 tỷ USD buộc doanh nghiệp dệt may vẫn phải chọn xuất khẩu là miếng bánh chủ lực để phát triển. Còn với thị trường trong nước lại cần giải pháp mũi nhọn chứ không phải kiểu “nhà nhà làm nội địa”.
"Cửa mới" cho dệt may
Cái khó của hầu hết doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi “về sân nhà” được không ít ông chủ ngành này thừa nhận. Tuy nhiên, với quy mô từ 4-5 tỷ USD thị trường dệt may nội địa bước đầu có thể chọn một số doanh nghiệp mạnh, có thị phần tốt ở đô thị làm mũi nhọn phát triển. Theo đó, thúc đẩy các doanh nghiệp này tăng quy mô sản xuất, giảm giá thành để tạo sức cạnh tranh.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu dệt may vào Mỹ và nỗi lo hàng Trung Quốc "đi đường vòng"
05:10, 05/09/2018
Dệt may Việt và cuộc "rượt đuổi" vào thị trường Hàn Quốc
11:00, 28/08/2018
“Vá” lỗ hổng trong chuỗi cung ứng dệt may
15:30, 16/08/2018
Dệt may cần “tăng tốc” để cán đích 35 tỷ USD
04:40, 29/07/2018
Dệt may và bài toán mở rộng thị trường
03:08, 23/07/2018
Tuy nhiên, để làm được điều đó, theo Giám đốc một công ty sản xuất may mặc tại Hải Dương, phục vụ thị trường nội địa buộc doanh nghiệp phải có những cuộc khảo sát để nắm bắt tâm lý, thị hiếu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Ông ví, làm hàng gia công doanh nghiệp sản xuất kiểu “lập trình sẵn”, hàng sản xuất trong nước cần chuyên sâu, làm bài bản để có chỗ đứng ngay trên chính sân nhà.
Giám đốc Công ty may Quốc tế kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội may mặc Bình Dương Phan Lê Diễm Trang cũng nhìn nhận, muốn phát triển tại "sân nhà", các doanh nghiệp cần đầu tư, xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách bài bản, chuyên nghiệp thông qua việc xác định dòng sản phẩm tham gia thị trường. Mặt khác, cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống sản xuất chuyên nghiệp, sản xuất các sản phẩm chất lượng, thiết kế phù hợp, theo kịp nhu cầu thời trang quốc tế. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, nhập lậu hàng hóa, nhất là tình trạng hàng giả, hàng nhái được bày bán tràn lan trên thị trường gây bất lợi đối với hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Còn theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường khẳng định, muốn phát triển thị trường nội địa, các doanh nghiệp cần có tiềm lực đủ mạnh về tài chính, có kế hoạch đầu tư, phát triển bài bản, tăng hiệu quả sản xuất. Mặt khác, phải liên tục đổi mới, cả về phương thức quản lý lẫn hệ thống máy móc, thiết bị, tập trung nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời cần chủ động từ khâu nguyên phụ liệu đến đội ngũ lao động có tay nghề giỏi nhằm phát triển bền vững, nhất là khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.