Gỡ "rào" cho nông sản hữu cơ
Được coi là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp an toàn cho sức khỏe cộng đồng tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ đang gặp không ít rào cản.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, đến nay, 33 tỉnh, thành đã có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 70 nghìn ha. Công ty Nielsen ước tính, giá trị tổng thị trường hữu cơ tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là khoảng 400 tỷ đồng/năm. Giới chuyên gia cho rằng, đối với người nông dân, đây có thể là con số lớn nhưng thực ra vẫn còn khá nhỏ so với sức mua của người tiêu dùng hiện nay.
Nông sản "thuận tự nhiên" vẫn "chậm lớn"
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam được cho là hình thành từ đầu những năm 1990 khi một số tổ chức phi chính phủ đến Việt Nam nghiên cứu và đầu tư dự án sản xuất hữu cơ.
Hiện nhiều trang trại, doanh nghiệp đã lựa chọn con đường canh tác theo phương pháp hữu cơ, hoặc canh tác sử dụng hóa chất theo tiêu chuẩn. Ở phía tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, nhà hàng, nhà xuất khẩu… cũng rất quan tâm đến việc tìm nguồn nông sản sạch an toàn cho con người và môi trường để đưa ra thị trường. Cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sự ra đời của Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ.
Ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nhận định, xuất phát từ nhu cầu của thị trường và sự chủ động của người làm nông nghiệp hữu cơ, đến nay cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất – tiêu thụ sản phẩm hữu cơ về thóc lúa, chè, tôm… So với cách đây 10 năm, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng từ hơn 10 nghìn ha lên hơn 76 nghìn ha (2018), tương đương sản lượng cũng tăng lên 4 lần.
Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản hữu cơ, nhưng hầu hết sản phẩm để xuất khẩu và nhiều người Việt chưa được thụ hưởng. Trong khi đó, nhu cầu trong nước rất lớn, nhưng đang bị bỏ ngỏ.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hưu cơ và các sản phẩm hữu cơ dẫn đến, chưa tồn tại và hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại chỗ, đồng thời không khuyến khích được nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.
Theo bà Từ Thị Tuyết Nhung – chuyên gia nông nghiệp, phần lớn người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại về tính minh bạch của các sản phẩm được giới thiệu là thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ. “Khi người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng về tính minh bạch về nguồn gốc của sản phẩm và các kết quả về chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch… thì họ lại quay lại tiêu thụ những sản phẩm nông sản được trồng theo cách thông thường, bày bán nhiều ở các chợ truyền thống, do giá cả rẻ hơn nhiều so với sản phẩm nông sản sạch…” – bà Nhung nhấn mạnh.
Ông Ưng Thế Lãm, CEO của Công ty tư vấn Nông Gia Trang cũng nêu một tồn tại một thực tế là người tiêu dùng thì có nhu cầu hàng sạch, nhưng không biết tìm ở đâu. Ngược lại, người tình nguyện làm nông nghiệp sạch thì cần đến khoảng 2 - 3 năm để tìm hiểu, thực hiện hoặc chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ. “Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra trong quãng thời gian 2 - 3 thì người làm nông nghiệp hữu cơ sống bằng gì và sản phẩm bán cho ai, bởi họ thường chỉ giỏi khâu sản xuất”, ông Lãm nói.
Giải bài toán liên kết
TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là chuộng các loại nông sản hữu cơ, đây là cơ hội cho những doanh nghiệp bán lẻ nhân rộng mạng lưới phân phối để đưa sản phẩm sạch ra thị trường.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, có đến 85% nông sản tiêu thụ qua các kênh truyền thống là ngoài chợ, shop nhỏ lẻ hay là gánh hàng ven đường và chỉ có 15% còn lại là qua kênh hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Hệ thống bán lẻ nông sản sạch, nông sản hữu cơ vẫn chưa nhiều, nếu có chỉ tập trung ở các khu vực trung tâm thành phố nên nhiều người tiêu dùng vẫn chưa tiếp cận sản phẩm này dù nhu cầu cao.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan nhận định, sản phẩm nông sản hữu cơ có thể xuất khẩu chứng tỏ chất lượng tốt. Thị trường trong nước cũng đang có nhu cầu rất lớn, vì vậy đầu ra đã có, chỉ cần doanh nghiệp biết cách đầu tư sản xuất, phát triển hệ thống bán lẻ để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Thật - giả và những cơn "đau đầu" của doanh nghiệp hữu cơ
16:00, 21/09/2018
Chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ
18:30, 30/08/2018
Thị trường thực phẩm hữu cơ Việt: Nhiều tiềm năng lắm thách thức
11:00, 10/08/2018
Đưa Nông nghiệp hữu cơ phát triển tại Trường Sa
10:11, 07/05/2018
Để những đặc sản này đến được với người tiêu dùng, TS Nguyễn Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch khuyến nghị, các bên tham gia chuỗi cần đẩy mạnh cả liên kết ngang và liên kết dọc. Thực tế hiện nay, việc liên kết sản xuất vẫn chủ yếu theo hướng ngang, tức những người sản xuất có sự trao đổi thông tin để xây dựng những vùng cung cấp nông sản bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, liên kết dọc, hay nói cách khác là theo chuỗi sản xuất - chế biến - bán lẻ với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản thì còn rất mờ nhạt.
Đối với các cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hữu cơ cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của gia đình, trang trại (chợ địa phương, khu vực dân cư, siêu thị hay xuất khẩu...) Mỗi thị trường đều có các yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng và để đáp ứng được các yêu cầu đó cần phải đảm bảo tìm hiểu thị trường, tiêu chuẩn và các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm theo luật.