Cần bỏ rào cản để gạo Việt đi xa hơn

Nha Trang 11/10/2018 15:18

Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 dự kiến đạt 6,1 - 6,4 triệu tấn, và kim ngạch vượt ngưỡng 3 tỷ USD lên khoảng 3,3 tỷ USD.

Mừng vì được giá

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Hàng năm, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo với giá trị khoảng 2,46 tỷ USD, lần lượt tăng 6,7% về lượng và tăng 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin tại Hội nghị, xuất khẩu gạo trong thời gian qua khả quan cả về lượng lẫn giá và chủng loại gạo xuất khẩu. Trong gần 3 năm trở lại đây, tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn tăng trưởng cả về khối lượng và kim ngạch. Nếu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,13 tỷ USD thì đến năm 2017, tổng kim ngạch đã tăng lên gần 2,7 tỷ USD. Năm 2018, Bộ Công thương dự báo lượng gạo xuất khẩu có thể đạt trên 6 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3,3 tỷ USD.

Châu Á vẫn là thị trường lớn của gạo Việt Nam khi chiếm đến hơn 60% tổng khối lượng gạo xuất khẩu; tiếp đến là châu Phi. Hiện gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% thị phần gạo thế giới và là quốc gia đứng trong top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất toàn cầu. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam với 23,2% thị phần. Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đạt 504 USD/tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng mừng nhất, gạo Việt vừa tăng được sản lượng xuất khẩu lại vừa tăng được về giá. Năm 2017, xuất khẩu gạo đạt 5,83 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016, trị giá 2,63 tỷ USD, với giá FOB xuất khẩu bình quân 452,6 triệu USD tấn. Mức giá này đã tăng thêm 3,7 USD/tấn so với giá xuất khẩu bình quân của năm 2016.

Tăng trưởng xuất khẩu gạo tiếp tục được duy trì trong năm 2018. Tính đế 15/9/2018, xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3%, trị giá 2,38 tỷ USD, tăng gần 25%. Giá FOB xuất khẩu bình quân đã tăng lên 503,3 triệu USD/tấn, tăng 62,4USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, ngành lúa gạo Việt Nam đang có những bước chuyển biến tích cực, cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng tăng phân khúc gạo chất lượng cao, giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp.

Từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng khá. Hiện, mức giá đã hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn.

Làm sao để hạt gạo Việt đi xa hơn?

Theo các chuyên gia, Việt Nam nhiều năm trở lại đây nổi lên là cường quốc xuất khẩu gạo. Xuất khẩu gạo được giá, tăng được cả lượng lẫn chất lượng, nhưng khó khăn với hạt gạo Việt còn không ít. Điển hình là thị trường thế giới có xu hướng ngày càng khó khăn do chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu. Ngoài ra, một số quốc gia cũng đã và đang chú trọng đầu tư cho nông nghiệp nên sản lượng gạo ngày càng tăng, nguồn cung xuất khẩu lớn. Do đó, sự cạnh tranh của các đối thủ đối với gạo Việt Nam sẽ rất gay gắt.

Mặc dù gạo Việt đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thương mại toàn cầu, đặc biệt là thương mại gạo vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường.

Có thể bạn quan tâm

  • "Rộng cửa" cho xuất khẩu gạo

    11:46, 21/09/2018

  • Xuất khẩu gạo nếp lại

    Xuất khẩu gạo nếp lại "đóng băng"

    05:06, 01/09/2018

  • Quy định mới về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

    Quy định mới về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

    19:05, 20/08/2018

  • Xuất khẩu gạo Việt: Lắm nỗi truân chuyên

    Xuất khẩu gạo Việt: Lắm nỗi truân chuyên

    11:00, 05/08/2018

Đáng chú ý, gạo là mặt hàng nhạy cảm, được nhiều nước chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường rất cao. Hơn nữa, các sản phẩm thương hiệu gạo của Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến.

Vì thế, để quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn nữa các sản phẩm gạo của Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng thế giới cũng như thực hiện định hướng của Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đưa ra 4 giải pháp chính cần thực hiện:

Thứ nhất, Việt Nam cần phát triển thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo, góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thứ hai, phát triển thị trường xuất khẩu gạo để định hướng cho công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu thị hiếu tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu quy hoạch của thị trường.

Thứ ba, phát triển thị trường xuất khẩu gạo gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của sản phẩm gạo xuất khẩu và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam trên thị trường và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ xuất khẩu.

Thứ tư, phát triển thị trường xuất khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về kinh tế và hợp tác quốc tế về đầu tư sản xuất, chế biến xuất khẩu gạo, khai thác cơ hội, tiềm năng, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trong nỗ lực tháo gỡ rào cản cho gạo xuất khẩu, tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ 1/10/2018.

Theo Nghị định, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa. Thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng các điều kiện: Có ít nhất một kho chuyên dùng để chứa thóc; ít nhất một cơ sở xay xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo...

Cùng với đó, nhiều điều kiện xuất khẩu gạo gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp cũng được cắt giảm. Chính sách thông thoáng này sẽ tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường mà không cần ủy thác qua doanh nghiệp khác, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo cao cấp, gạo đặc sản đang có nhu cầu tiêu thụ lớn từ các thị trường như Trung Quốc, châu Âu, châu Phi, Iraq, Cu Ba, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.

Nha Trang