Vải thiều Thanh Hà hướng đến chuỗi giá trị bền vững
Năm 2019, sản lượng vải quả Thanh Hà ước đạt 18 nghìn tấn. Giá vải tại vườn đầu vụ từ 55-60 nghìn đồng/kg, thời điểm hiện tại từ 30-35 nghìn đồng/kg.
Giá trị từ vải
Huyện Thanh Hà là huyện nông nghiệp với 2 loại cây trồng chính là cây ăn quả và cây lúa. Đặc biệt, Thanh Hà là huyện có diện tích vải lớn nhất của tỉnh Hải Dương với diện tích vải là 3.820ha, chiếm khoảng 35% diện tích đất nông nghiệp. Giá trị sản xuất cây ăn quả hàng năm bình quân ước đạt trên 160 triệu đồng/ha, trong đó cây vải ước đạt 140 triệu đồng/ha.
Đến nay, Thanh Hà đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, đặc biệt là vùng sản xuất vải sớm tập trung ở các xã khu Hà Đông, vùng sản xuất vải muộn tập trung ở các xã khu Hà Nam, vùng sản xuất ổi tập trung tại các xã khu Hà Bắc, các cây ăn quả như vùng sản xuất bưởi, sản xuất chuối tập trung, tạo lên khung cảnh miệt vườn hấp dẫn đối với khách tham quan du lịch.
Được biết, năm 2018 là năm ghi dấu ấn đặc biệt về tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều và hàng nông sản gắn với định hướng phát triển du lịch của huyện Thanh Hà. Trong đó, với 3.865 ha vải thì trà vải sớm khoảng 1.300 ha, trà vải chính vụ gần 2.600 ha; tỷ lệ vải có quả đạt gần 100% diện tích.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Hà, phần lớn diện tích vải đều được áp dụng quy trình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, các mô hình sản xuất đăng ký đạt chuẩn VietGAP tiếp tục được thực hiện với tổng diện tích trên 350 ha. Ngoài ra còn có 30 ha vải tại xã Thanh Xá, Thanh Thủy áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobaGAP thuộc đề tài khoa học của Viện nghiên cứu Rau quả.
Theo đó, tổng sản lượng vải toàn huyện năm 2018 đạt trên 40,5 nghìn tấn và tổng giá trị sản xuất từ sản phẩm vải quả đạt trên 600 tỷ đồng. Đặc biệt hơn, năm 2018 là năm tổ chức thành công Lễ hội vải thiều Thanh Hà đầu tiên, Lễ hội đã tạo điểm nhấn thu hút nhiều doanh nghiệp, khách du lịch trong và ngoài nước đến Thanh Hà giao thương, ký kết tiêu thụ vải thiều. Trong năm 2018, đã có trên 12 nghìn lượt khách đã đến thăm quan cây vải tổ (tại xã Thanh Sơn); đón 35 đoàn khách Quốc tế đến thăm phường rối nước (xã Thanh Hải) và một số đền, chùa trên địa bàn huyện.
Có thể bạn quan tâm
Ngày hội kết nối - hướng đến chuỗi giá trị
Sau thành công của Lễ hội năm 2018, quả vải thiều Thanh Hà đã trở thành sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Việc tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà 2019 nhằm tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu, nguồn gốc truy xuất, chỉ dẫn địa lý, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường, cũng như tạo sự lan tỏa hơn nữa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Được biết, năm 2019 là năm thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với các loại cây ăn quả, trong đó có cây vải. Năm 2019, diện tích cây ăn quả toàn huyện là 6.780 ha, trong đó cây vải 3.720 ha.
Tham dự gian hàng trưng bày tại Lễ hội năm nay, Bà Phạm Thị Liêm, thôn An Lão, xã Thanh Khê, Thanh Hà cho biết, Tổ sản xuất hiện có 2,7 mẫu vải theo tiêu chuẩn VietGap, do vải chính vụ chưa có nên Tổ đã đưa đến giới thiệu các sản phẩm vải U hồng, U trứng. Quả vải Thanh Hà ngon ngọt và chất lượng, chúng tôi mong rằng, thương hiệu vải Thanh Hà sẽ được phát triển hơn nữa để đi tới các tỉnh trong cũng như ngoài nước.
Đến nay, toàn huyện sản lượng vải quả ước đạt 18 nghìn tấn quả, trong đó vải sớm khoảng 16 nghìn tấn, vải chính vụ khoảng 2 nghìn tấn. Giá vải tại vườn đầu vụ từ 55-60 nghìn đồng/kg; thời điểm hiện tại từ 30-35 nghìn đồng/kg.
Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Khê Đặng Văn Khái, ngày hội vải năm nay, chúng tôi kì vọng thương hiệu vải Thanh Khê nói riêng và vải Thanh Hà nói chung sẽ được quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng. Theo ông Khái, năm nay vải chính vụ mất mùa chỉ đạt 3-5%, ước đạt 15-20 tấn trên khoảng 20 ha tiêu chuẩn VietGap tại xã Thanh Khê, trong khi đó giá vải năm nay cũng không tăng nhiều.
Lễ hội vải Thanh Hà 2019 tạo cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với nông dân, các đầu mối thu mua vải thiều tại Hải Dương. Từ đó, mở rộng hợp tác tiêu thụ vải thiều và nông sản của huyện nhằm nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Đây cũng là dịp để huyện Thanh Hà giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh Hải Dương nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Tại đây, Thanh Hà đã quảng bá Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng sông Hương - Thanh Hà.
Tại Lễ hội năm 2019, có khoảng 30 gian hàng trưng bày sản phẩm vải thiều Thanh Hà và giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu của mỗi địa phương trong huyện và tỉnh Hải Dương. Cũng tại đây, Thanh Hà tổ chức ký kết các hợp đồng liên kết tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm nông sản và du lịch. Trong đó, có chuyến hàng xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo ông Trịnh Văn Thiện, Quyền Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Lễ hội Vải thiều Thanh Hà 2019 đã góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu vải thiều Thanh Hà. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh vải thiều, hàng nông sản, thực phẩm và các sản phẩm du lịch của tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng và thương hiệu.
Cùng với Lễ hội năm 2019, Thanh Hà tiếp tục tổ chức tháng bán sản phẩm vải thiều của huyện tại Thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đặc biệt các chung cư, các khu công nghiệp, hệ thống siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 40 doanh nghiệp Trung Quốc thu mua và các công ty lớn đã về ký kết với trên 70% sản lượng đã có hợp đồng ký kết tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ngoài sản phẩm tươi năm nay xuất hiện nhiều sản phẩm chế biến như vải cấp đông, vải sấy khô...Hiện, Thanh Hà rất cần có các nhà máy chế biến giúp cho sản phẩm vải thiều nâng cao giá trị và hướng tới chuỗi giá trị bền vững, thị trường ổn định.
Theo Giám đốc Công ty CP Nông sản Hưng Việt Tăng Xuân Trường, chúng tôi vinh dự là một trong hai doan nghiệp duy nhất trong tỉnh được cấp mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu vải sang Trung Quốc. “Hiện nay, khách hàng Trung Quốc yêu cầu, để xuất khẩu quả vải sang Trung Quốc phải in mã số cơ sở đóng gói trực tiếp trên bao bì. Mặt khác do sản lượng vải ít và thời gian gấp nên các nhà máy sản xuất bao bì không đáp ứng sản xuất theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. Đối với xuất khẩu vải ra thị trường quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu bảo quản do các nước khó tính yêu cầu đưa qua hệ thống sơ chế, làm sạch, cấp đông nhanh mới đủ tiêu chuẩn, ông Trường chia sẻ.
Tới đây, huyện Thanh Hà và tỉnh Hải Dương tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng chuỗi giá trị cho cây vải thiều nói chung và sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm du lịch của tỉnh nói chung theo hướng bền vững. Thanh Hà hứa hẹn sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chế biến nông sản, xây dựng hạ tầng du lịch nhằm phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ thương mại, giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn.
Một số hình ảnh tại Lễ hội Vải thiều Thanh Hà 2019: