Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội "chuyển mình"

Thu Hoài 30/07/2019 11:01

Ngành bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự đào thải khốc liệt với sự rời bỏ thị trường của những thương hiệu như: Shop&Go, Auchan… đồng thời hé mở những cơ hội của các doanh nghiệp nội địa.

Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển

Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển

Nhìn nhận về điểm mạnh và điểm yếu của thị trường bán lẻ Việt Nam, Công ty Nghiên cứu thị trường Savills cho rằng, điểm mạnh của thị trường bán lẻ Việt Nam là quy mô dân số lớn, bên cạnh đó là tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thu nhập của người tiêu dùng gia tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng lớn. Bên cạnh đó là niềm tin của người tiêu dùng cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm giải trí của người Việt.

Thực tế, trong những năm gần đây, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam thường xuyên đạt mức 2 con số. 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng trưởng đến 11,5% so với cùng kỳ.

Có thể bạn quan tâm

  • Người đến kẻ đi: Cuộc cạnh tranh mới chỉ bắt đầu của thị trường bán lẻ

    Người đến kẻ đi: Cuộc cạnh tranh mới chỉ bắt đầu của thị trường bán lẻ

    18:39, 24/07/2019

  • Nguy cơ thả lỏng thị trường bán lẻ đã hiện hữu

    Nguy cơ thả lỏng thị trường bán lẻ đã hiện hữu

    11:01, 14/07/2019

  • [CUỘC CHIẾN THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ]: Doanh nghiệp sản xuất... rủi may nhờ phân phối?

    [CUỘC CHIẾN THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ]: Doanh nghiệp sản xuất... rủi may nhờ phân phối?

    16:57, 03/07/2019

  • Phát triển thị trường bán lẻ trực tuyến trong bối cảnh mới

    Phát triển thị trường bán lẻ trực tuyến trong bối cảnh mới

    07:45, 29/05/2019

Nghiên cứu của Savills chỉ rõ, so sánh với các thị trường trong khu vực, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện đang có tỷ lệ diện tích bán lẻ trên đầu người thấp, cho thấy nhiều dư địa phát triển.

Thị trường hiện đang là môi trường phát triển thuận lợi của các mô hình bán lẻ hiện đại, với thế mạnh tiện lợi và ngày càng tích hợp nhiều hơn các điểm mạnh của mô hình truyền thống, đem đến nhiều hơn một trải nghiệm mua sắm. Chưa kể, một lợi thế cho các nhà đầu tư là chính quyền địa phương đang rất chào đón và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ. Đáng chú ý, sự rời đi của nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã để lại “miếng bánh” thị phần cho doanh nghiệp nội, như Saigon Coop mua lại chuỗi bán lẻ Auchan, VinCommerce (chủ đầu tư chuỗi Vinmart) mua lại hệ thống Shop & Go…

Ông Alex Crane - Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, sẽ có nhiều cạnh tranh hơn nữa giữa các nhóm siêu thị, trong đó các nhà đầu tư nội ngày càng tỏ rõ vị thế và có chiến lược chủ động, quyết liệt cạnh tranh trên thị trường bán lẻ.

Không chỉ đứng trước cơ hội mở rộng phạm vi trên thị trường nội địa, việc mua lại các doanh nghiệp ngoại còn giúp mang lại nhiều cơ hội khác cho các doanh nghiệp nội. Đơn cử, dù rời khỏi Việt Nam, hãng bán lẻ Pháp Auchan vẫn sẽ làm việc với đối tác nhận chuyển nhượng là Saigon Co.op, giúp nhà bán lẻ Việt này tiếp cận với hơn 2.800 điểm bán tại 15 quốc gia trên toàn thế giới. Điều này sẽ giúp Auchan mở rộng thị phần xuất khẩu sang những thị trường chủ lực như châu Âu, Nga, Trung Quốc... mà Auchan đã có sẵn mạng lưới phân phối.

Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử vào bán lẻ, mới đây, mô hình siêu thị ảo đã được Vingroup cho ra đời. Theo đó, thay cho việc đến tận siêu thị, cửa hàng, chọn đồ rồi chờ được thanh toán, giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại có cài ứng dụng VinID và một cuốn Cẩm nang mua sắm thông minh của hệ thống siêu thị VinMart, khách mua hàng chọn tính năng Scan & Go, quét mã vạch các sản phẩm muốn mua, thanh toán ngay bằng ví điện tử. Hai đến bốn giờ sau, nhân viên của VinMart sẽ giao hàng đến tận nơi.

Người tiêu dùng cũng có thể quét mã QR sản phẩm mình muốn mua được in trên các tấm áp-phích khổ lớn của siêu thị ảo “VinMart 4.0” đặt tại các khu dân cư, tòa nhà văn phòng, trường học, điểm chờ xe buýt... để “đi chợ” mọi lúc. Nhờ hơn 1.500 điểm bán mà doanh nghiệp đang có được bao gồm hàng trăm cửa hàng mua lại từ Shop&Go sẽ đóng vai trò như những điểm trung chuyển hàng hóa, tạo lợi thế trong cuộc đua về giao hàng online so với các đối thủ.

Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam được nhận định đang có nhiều lợi thế bởi am hiểu thị trường và xu hướng tiêu dùng của người Việt. Bên cạnh đó, quy định ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) vẫn đang được triển khai, được xem là một công cụ vô cùng hữu ích, là hàng rào kỹ thuật để hạn chế các đại gia bán lẻ nước ngoài nhằm hỗ trợ cho ngành bán lẻ trong nước… Tuy nhiên, những cam kết hội nhập được thực thi như CPTPP sẽ khiến các quy định như ENT phải xóa bỏ trong thời gian tới. Do đó, thời điểm này đang là thời cơ vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tận dụng cơ hội, giành lấy thị phần.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Savills, giai đoạn từ nay đến 2021, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu giải trí tăng (10%/năm), cửa hàng tạp hóa hiện đại (9%/năm) và hàng may mặc (6%/năm).

Thu Hoài